Mưa lũ bủa vây khiến đê Hội Tĩnh tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bị vỡ trong đêm. Địa phương huy động nhiều lực lượng cùng hàng ngàn người dân miệt mài ứng cứu trong đêm.
- Hơn 2.000 nhà dân ở Nghệ An phải chạy lũ xuyên đêm, mưa dông xối xả, tường nhà đổ sập
- Lâm cảnh “màn trời chiếu đất” sau đêm “chạy” bão Noru
Nhiều ngày hứng chịu mưa kỷ lục kéo theo lũ đổ về dồn dập, 19h50 tối 29/9, đê Hội Tĩnh (xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) đã bị vỡ.
Chính quyền địa phương cho hay đoạn đê bị vỡ dài khoảng 5m khiến nước tràn mạnh. Tuyến đê Hội Tĩnh có ý nghĩa hết sức trọng yếu, là tấm lá chắn bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu.
Sau khi nhận tin, huyện Hưng Nguyên đã huy động công an, quân đội cùng nhiều lực lượng phối hợp hàng trăm người dân tiếp cận hiện trường. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có mặt tại điểm xảy ra sự cố trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ.
Hàng nghìn người dân xuyên đêm miệt mài vác theo cọc gỗ, ván gỗ, bao cát để chắn đê.
"Mưa như trút, đường trơn trượt khiến công tác tiếp cận hiện trường hết sức khó khăn" - ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết.
Đến sáng nay 30/9, mọi việc cơ bản đã nằm trong tầm kiểm soát. Nỗ lực của các lực lượng cùng người dân địa phương đã đem lại kết quả, đê Hội Tĩnh hiện an toàn.
Mưa lũ kỷ lục đang gây ngập lụt diện rộng tại địa bàn Nghệ An. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập, hàng nghìn người dân lâm cảnh mất nhà. Nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị cuốn trôi. Địa phương hiện đã ghi nhận thiệt hại về người.
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Nghệ An. Đến chiều muộn 29/9, mưa lũ vẫn bủa vây cả một địa bàn rộng lớn tại đây. Đêm 28/9 mưa lớn khiến lũ ập về, hàng nghìn người dân sở tại buộc phải di tản đến nơi tránh trú.
Báo cáo từ chính quyền huyện Quỳnh Lưu, đến thời điểm hiện tại có 5.559 nhà dân bị ngập, hơn 1.334 ha rau màu, 947 ha nuôi trồng thuỷ sản chìm dưới dòng nước xiết. Nhiều cơ quan công sở, trường học bị ngập, nhiều khu vực dân cư bị cô lập, chia cắt.
Lũ dâng nhanh, hàng nghìn ha lúa mùa của nông dân các xã Quỳnh Châu, Tân Sơn, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn; 1.333 ha ngô, rau màu các loại ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn, Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Thanh… đổ rạp trong nước. 950 ha nuôi thủy sản thiệt hại; 5.978 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong kho của nông dân bị chôn vùi trong biển nước.
Đập Hóc Cối tại xã Quỳnh Tam không trụ nổi đợt mưa lớn đã bị sạt trượt, rò rỉ nước. Hơn 100 hộ dân vùng hạ du được di dời khẩn cấp trong đêm. Lo ngại khả năng vỡ đê, chính quyền và người dân bản địa trắng đêm băng dòng lũ miệt mài gia cố.
Chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại Quỳnh Lưu chiều 29/9, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho người dân vùng lũ.
"Đặc biệt chú trọng với các đối tượng yếu thế như người già, trẻ nhỏ. Tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào lâm cảnh đói ăn, thiếu mặc" - ông Thái Thanh Quý yêu cầu.