Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào shipper

Xã hội 17/10/2017 13:55

Có thể nói, chưa bao giờ việc bán hàng qua mạng Internet (shop online) lại nở rộ như thời gian vài năm trở lại đây. Không chỉ các công ty lớn mà rất nhiều tiểu thương nhỏ lẻ cũng tích cực mở shop online. Và từ đó tạo nên một nghề mới là nghề “ship” hàng (vận chuyển thuê). Tuy nhiên, nếu các shipper (người giao hàng) không cẩn thận thì rất dễ nhận “trái đắng”...

1. Để gia nhập đội quân shipper cũng rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc xe máy và thuộc đường Hà Nội là có thể bắt đầu hành trình “chạy và chạy” để kiếm tiền.

Thành Trung, sinh viên năm cuối Đại học Giao thông vận tải đã tham gia vào đội quân shipper được hơn hai năm nay. Đẹp trai, hiền lành, chịu khó, lấy tiền công vận chuyển vừa phải nên Trung được nhiều khách hàng rất tín nhiệm. Trung bảo, làm gì thì làm chứ tham gia ngành dịch vụ thì đích thị phải “làm dâu trăm họ”. Nếu thoạt nghe thì đơn giản, nhưng để có thể gắn bó lâu dài với nghề shipper cũng không phải là dễ.

Đơn cử, với một món hàng dưới 1kg, khoảng cách vận chuyển từ 3-7km thì phí ship thường là 30 ngàn đồng. Ngoài việc phải giao hàng đúng người, đúng địa chỉ, đúng thời gian thì shipper còn phải có chút vốn liếng nữa. “Vì mình phải đặt cọc bằng với giá trị của mặt hàng cho người bán, giao xong cho người mua thì mình mới lấy lại được tiền vốn và tiền ship. Sau một thời gian dài làm ăn có uy tín, thì người bán mới thôi không bắt mình phải đặt cọc nữa” - Trung giải thích.

Và bởi những lỏng lẻo trong giao kèo, sự thiếu kinh nghiệm khiến cho không ít shipper trở thành món mồi ngon cho kẻ lừa đảo. Trung nhớ lại “tai nạn đau thương” của cậu khi vào nghề được hai tuần.

Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào shipper - Ảnh 1

Đối tượng nữ gây ra một loạt vụ lừa shipper trên địa bàn quận Hai Bà Trưng bị cư dân mạng phát hiện. 

Đó là lần Trung nhận ship 4 hộp sữa Ensure trị giá trên 3 triệu đồng đến một chung cư tại quận Thanh Xuân. Người mua là một phụ nữ to béo, vẻ như vừa đi đâu về. Gặp Trung ở sân chung cư, bà ta ngọt nhạt bảo: “Cháu đợi cô 5 phút nhé, cô vừa đi tập thể dục về nên không mang tiền”. Thế rồi bà ta ôm túi sữa biến vào thang máy.

Chờ 30 phút không thấy người phụ nữ xuống trả tiền, gọi hàng chục cuộc điện thoại không nghe máy. Hỏi người bảo vệ chung cư thì họ cũng bó tay, không biết bà ta ở đâu. Vác bộ mặt như đưa đám về kể với người chủ shop, may cho Trung là chủ cửa hàng chia sẻ, bù cho cậu một nửa số tiền hàng.

Có những “tai nạn” mà ngay cả nhiều shipper kỳ cựu cũng vẫn mắc. Như trường hợp của Hoàng Văn Kiên, sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên - với thâm niên ba năm trong nghề nhưng vẫn phải ngậm ngùi chịu mất tiền. Kiên kể, trong một lần chuyển hộp đồ cho khách từ phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) về Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), người thuê không nói rõ trong hộp có đồ gì.

Khi đến giao hàng cho khách, Kiên mới tá hỏa khi phát hiện một bình thủy tinh lớn đã vỡ trong hộp. Kiên cũng không biết rõ chiếc bình đã vỡ trước hay sau khi được nhờ chuyển hàng và thắc mắc nếu là đồ dễ vỡ sao chủ không dặn dò trước. “Chuyến hàng tiền công được 50 nghìn, nhưng bị giữ xe máy lại và bắt phải đền 3 triệu đồng”, Kiên cay đắng nói.

Sau khi gặp phải kha khá “trái đắng”, Kiên đã rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề. Kiên cảnh báo những bạn mới chập chững vào nghề cần hết sức cảnh giác với trò lừa đảo của những chủ shop hoặc khách hàng “ảo”.

“Không ít đối tượng lợi dụng quy trình ứng tiền trước khi ship nên đã gom quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, sữa bột trẻ em... rởm, rẻ tiền rồi gói bọc cẩn thận, ghi đơn hàng kèm số điện thoại và địa chỉ khách hàng rồi rao tìm shipper trên mạng. Nhiều bạn đã bị “dính bẫy” khi ứng trước giá trị đơn hàng cho những đối tượng này có khi lên tới cả vài triệu đồng.

Khi shipper đến đúng địa chỉ rồi gọi vào số điện thoại khách hàng mà người thuê vận chuyển ghi trên đơn thì hoặc là bị nhầm máy, hoặc là số điện thoại không có, khi liên hệ lại với chủ cửa hàng thì đã bị chặn số. Nhiều shipper cay đắng vì bị lừa và phải ôm lại đống hàng không thể sử dụng vì chất lượng quá kém” - Kiên nói.

Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào shipper - Ảnh 2

Đối tượng Trần Đỗ Hùng.

2. Tháng 9-2017 vừa qua, giới shipper chuyên nghiệp xôn xao trước vụ việc hàng loạt shipper đã dính trái đắng bởi một nữ quái. Theo như chia sẻ của Facebooker Hoàng Oanh thì cô gái dùng iPhone 7 trông khá sành điệu thường đến các shop quần áo để lừa. Thủ đoạn của cô ta là mua 1-2 bộ quần áo rồi gọi shipper đến chuyển hàng.

Khi shipper có mặt thì “nữ quái” đi từ trong shop ra khiến shipper hiểu lầm là chủ cửa hàng, rồi bắt shipper ứng vài triệu tiền hàng. Địa chỉ và số điện thoại mà cô ta đưa cho shipper đều là địa chỉ “ma”. Sau khi không giao được hàng, shipper quay lại shop mới ngã ngửa người khi phát hiện số hàng đó chỉ giá trị bằng 1/10 số tiền mình đã ứng trước và người thuê ship là khách chứ không phải là chủ shop. Được biết đã có không dưới 3 shipper trở thành nạn nhân của nữ quái này.

Anh Nguyễn T. N (chủ một shop mỹ phẩm ở quận Ba Đình, Hà Nội - kiêm shipper) nhớ lại cái lần anh bị cướp hàng mà vẫn còn chưa hết hoang mang. Cách đây vài tháng anh nhận được một đơn hàng vào khoảng 8 giờ tối tại ngõ 24 Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Anh N. đi xe máy mang 2 chai nước hoa hiệu Chanel trị giá 5 triệu đồng đến giao cho một đối tượng nữ tên là Thu Hiền. Cô gái bảo anh N. chờ ở gần đó và mang 2 chai nước hoa vào một chiếc ô tô mang BKS tỉnh Quảng Ninh đã đậu sẵn từ trước.

Một lúc sau cô gái tên Hiền mở cửa xe và vẫy anh N. vào ô tô có việc trao đổi. Khi anh N. vào xe thì một đối tượng ngồi ghế lái, đầu trọc lốc trông rất hầm hố giở giọng đàn anh, bảo là nhân viên cửa hàng anh N. nợ tiền hắn, dọa “xử” anh N. Biết là gặp phải dân anh chị nên anh N. không dám phản ứng.

Sau đó đối tượng bảo anh N. dẫn đi tìm nhân viên để làm rõ trắng đen. Khi đi đến ngã 3 đi Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), các đối tượng chờ cho anh N. rẽ lên cầu thì biến mất.

Không chỉ bị xù tiền công vận chuyển, lừa đảo mà nhiều shipper còn phải đối mặt với những khách “dê già”. Phan Thị T. - sinh viên Đại học Thương mại cảnh báo: “Khi ship hàng cho khách nam giới cần cảnh giác với những gã “dê xồm”. Hôm trước mình nhận chuyển bánh pizza cho một khách hàng ở khu chung cư, khi đến sân gọi khách xuống nhận đồ thì một người đàn ông nghe máy.

Ông ta nhờ mình mang đồ lên phòng giúp vì đang phải trông đứa con nhỏ không xuống lấy được và hứa thêm 20 ngàn tiền công. Khi mình vừa bước vào phòng, ông ấy ôm chầm lấy và bảo ở lại cùng “vui vẻ” sẽ cho tiền cả tháng lương. Mình phải hét ầm ĩ thì gã “dê già” mới cho về, xù luôn tiền ship”.

Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào shipper - Ảnh 3

Thiếu kinh nghiệm, shipper rất dễ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.

3. Sau khi nhiều vụ lừa đảo shipper xảy ra, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Một trong những đối tượng có “thâm niên” lừa đảo shipper là Trần Đỗ Hùng (33 tuổi, trú tại C10 tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội).

Theo điều tra của cơ quan Công an, thủ đoạn của Hùng là đi mua giày dép, quần áo rồi nhờ chủ cửa hàng ghi hóa đơn nâng giá lên gấp nhiều lần. Sau đó sẽ thuê shipper, bắt phải ứng trước tiền hàng rồi biến mất.

Một trong những shipper dính bẫy của Hùng là anh Đỗ Đình Liệu (trú tại Thường Tín, Hà Nội). Theo như trình báo của anh Liệu, qua mạng “Ship tìm người - Người tìm ship” anh nhận đơn ship hàng tại một cửa hàng trên phố Trịnh Hoài Đức (Đống Đa, Hà Nội). Anh đã nhận 10 đôi giày và ứng 12 triệu đồng cho cửa hàng mà trước đó Hùng đã đặt mua chỉ với giá 2 triệu đồng. Khi thấy shipper đã đi khuất, Hùng quay lại cửa hàng nhận 10 triệu đồng và biến mất.

Đi giao hàng nhưng các địa chỉ đều không có và cũng không liên lạc được với Hùng, anh Liệu quay lại cửa hàng hỏi thì phát hiện mình bị lừa và đến Cơ quan công an trình báo. Tổ chức điều tra, Công an quận Đống Đa đã nhanh chóng làm rõ và tóm được đối tượng lừa đảo. Được biết bằng thủ đoạn tương tự, Hùng ít nhất đã lừa đảo 4 shipper khác, chiếm đoạt 33 triệu đồng.

Cuối tháng 9-2017, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bắt giữ một đối tượng lừa shipper đến giao hàng để cướp. Theo trình báo của anh Nguyễn Văn Bình (29 tuổi, trú tại Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), ngày 25-9-2017 anh nhận được yêu cầu ship một chiếc điện thoại iPhone 6 đến địa chỉ số 389 Đê La Thành (phường Thành Công, quận Ba Đình).

Khoảng 19 giờ 30 phút, anh Bình mang đơn hàng đến địa chỉ trên thì gặp đối tượng Đặng Văn Trường (16 tuổi, trú tại xã Lang Thíp, Văn Yên, Yên Bái) đã đợi sẵn. Trường nhận điện thoại và giả vờ kiểm tra. Do đã có ý định cướp hàng từ trước, quan sát thấy anh Bình vẫn ngồi trên xe máy Trường bỏ chạy về hướng Ô Chợ Dừa cùng chiếc điện thoại. Trước sự việc bất ngờ, anh Bình chỉ kịp hô to “cướp... cướp”. Rất may quần chúng nhân dân đã kịp thời đuổi theo đến đầu phố Nguyễn Phúc Lai thì bắt giữ được đối tượng.

Tại Cơ quan công an, Trường khai đầu năm 2017, hắn bỏ nhà xuống Hà Nội làm lao động tự do. Từ tháng 8 đến nay Trường làm thuê cho một số cửa hàng nhưng không được trả lương nên bỏ đi lang thang. Sáng 25-9, Trường đến một quán Internet tại khu vực Đê La Thành (phường Thành Công, quận Ba Đình) chơi.

Vạch trần những thủ đoạn lừa đảo nhằm vào shipper - Ảnh 4

Đối tượng Đặng Văn Trường và tang vật của vụ cướp nhằm vào shipper.

Tại đây, Trường nảy ý định chiếm đoạt tài sản của những người chuyên hành nghề giao hàng. Hắn sử dụng tài khoản Facebook liên hệ với một shop điện thoại trên phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đặt mua chiếc iPhone 6 với giá 4 triệu 300 ngàn đồng rồi lởn vởn gần địa chỉ số 389 Đê La Thành chờ shipper tới để cướp hàng.

Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Ba Đình khuyến cáo, để không tự biến mình thành con mồi của những kẻ lừa đảo, những người hành nghề shipper cần cẩn trọng kiểm tra thông tin chính xác cho mỗi đơn hàng, gồm cả hàng hóa và địa chỉ, số điện thoại liên hệ người nhận, nhất là với người thuê giao hàng gặp lần đầu. Tuyệt đối không nhận, giao hàng tại những địa điểm công cộng nếu không phải khách quen. Trực tiếp gặp mặt chủ hàng, không qua khâu trung gian.

Có thể tìm hiểu những thông tin về chủ nhân của đơn hàng qua mạng Internet. Nếu đơn hàng cần ứng số tiền lớn, nên viết giấy tờ thỏa thuận đặt một phần tiền kèm giấy tờ tùy thân. Tránh giao hàng vào buổi tối, những địa điểm vắng người qua lại. Quan trọng nhất, khi gặp phải hành vi lừa đảo cần nhanh chóng trình báo tại cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Mẹ đơn thân “tố” bạn trai cũ thuê người đánh, tạt mắm tôm trong ngày khai trương spa

Quá chán nản khi bị tạt mắm tôm 15 lần tại cửa hàng ở Đắk Lắk, chị Tuyết bỏ quê chuyển lên TP.HCM sinh sống rồi quyết định kinh doanh spa tại Bình Dương. Tuy nhiên ngay trong ngày khai trương, nhiều đối tượng lạ mặt lại kéo đến quấy phá.

TIN MỚI NHẤT