Từ ngày 15/2, sẽ điều chỉnh hồ sơ giám định sức khỏe để nghỉ hưu, lấy bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động phải bổ sung thêm nhiều loại giấy tờ.
- 4 điểm mới về chính sách bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023
- Người dân được nhận gộp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và 2 cùng một đợt để đón tết
Tại Thông tư 18/2022/TT-BYT mới đây của Bộ Y tế đã bổ sung thêm các loại giấy tờ chứng minh cho việc người lao động gặp vấn đề về sức khỏe, cần được giám định sức khỏe để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, hưởng chế độ bảo hiểm khi lao động nữ không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh hoặc sau khi nhận con do nhờ người mang thai hộ hoặc phải nghỉ dưỡng thai.
Từ ngày 15/2, người lao động sẽ phải bổ sung thêm nhiều giấy tờ trong hồ sơ giám định sức khỏe để nghỉ hưu, lấy bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh minh họa
Hiện, theo Thông tư 56/2017/TT-BYT, trong hồ sơ giám định sức khỏe, người lao động có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau:
- Tóm tắt hồ sơ bệnh án (Bệnh án sản khoa hoặc bệnh khác).
- Giấy xác nhận khuyết tật.
- Giấy ra viện.
- Sổ khám bệnh.
- Bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp.
- Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Tuy nhiên, từ ngày 15/02/2023 (ngày Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực), ngoài các giấy tờ kể trên, trong hồ sơ giám định sức khỏe, người lao động cần bổ sung thêm bản chính hoặc bản sao hợp lệ của các giấy tờ khác gồm:
- Phiếu khám bệnh.
- Phiếu kết quả cận lâm sàng.
- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.