Từ ngày 14/10, ngàng Y tế Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 – 5 tuổi đang sống trên địa bàn Thành phố và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
- "Nữ hoàng xổ số" trúng thưởng 500 lần một năm
- Ho khan suốt 1 tháng, bất ngờ phát hiện mắc 2 bệnh ung thư hiếm gặp
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức hội nghị liên ngành về việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn từ năm 2012 đến 2024, dịch sởi trên địa bàn thành phố ghi nhận gia tăng trong năm 2014 và 2019. Cụ thể, năm 2014, toàn thành phố ghi nhận 1.741 trường hợp mắc sởi, năm 2019 là 1.765 trường hợp. Ngoài ra, số mắc sởi ghi nhận rải rác qua các năm như: 15 ca năm 2020; 2 ca năm 2021; 2022 có 1 ca; 2023 không ghi nhận. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố có 17 trường hợp mắc sởi, 0 tử vong.
Các chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Kết quả tiêm chủng vắc-xin sởi đơn và sởi-rubella cho các đối tượng trong diện tiêm chủng năm 2019 đạt 97% đối với mũi 1 và 91% đối với mũi 2. Tương tự, năm 2020 đạt lần lượt là 98% và 95%; 2021 là 95% và 89%; 2022 là 100% và 73%; 2023 là 85% và 91%.
Năm 2024, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố được UBND thành phố Hà Nội đưa ra tại Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 23/9/2024. Đối tượng được tiêm là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.
Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).
Thời gian triển khai chiến dịch chính thức từ ngày 14/10. Phạm vi tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Địa điểm tổ chức tiêm tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo, các điểm tiêm vắc-xin lưu động khác tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, liên ngành y tế - giáo dục đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch tiêm chủng.
Ưu tiên hàng đầu của thành phố là công tác an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng, Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến ngày 14/10, các đơn vị cần tập trung rà soát để 100% đối tượng trong diện tiêm chủng của chiến dịch được lập danh sách và thống kê theo quy định. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn y tế như điều tra đối tượng, cung ứng và bảo quản vắc-xin, tổ chức buổi tiêm chủng, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của vắc-xin và tiêm chủng vắc-xin, mục tiêu của chiến dịch để tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân.