Trưởng đoàn Y tế trên chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo: Vinh dự, tự hào và cũng không kém phần lo lắng

Xã hội 28/07/2020 11:03

Trước chuyến bay đón 219 công dân tại Guinea Xích đạo, trong đó có 120 bệnh nhân dương tính COVID-19, Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Trưởng đoàn y tế trong chuyến đi lần này cho biết, ông và toàn đoàn đã chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

PV: Cảm xúc của anh khi làm nhiệm vụ đón số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất từ trước đến nay?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Tôi rất vinh dự, tự hào và cũng không kém phần lo lắng khi được Bộ Y tế, Ban lãnh đạo Bệnh viện chọn đi đón công dân lần này. Đây là chuyến bay rất đặc biệt vì có số bệnh nhân dương tính lớn, theo tỷ lệ chung của thế giới thì chắc chắn trong số này thì sẽ có khoảng 7 - 10 người biểu hiện nặng.

Trưởng đoàn Y tế trên chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo: Vinh dự, tự hào và cũng không kém phần lo lắng - Ảnh 1

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Trưởng đoàn y tế chuyến bay đón 219 công dân tại Guinea Xích đạo.

Những người tham gia chuyến đi này phải rất có kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu bệnh nhân. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã lựa chọn các bác sĩ khoa cấp cứu, là những người thường xuyên thao tác kỹ thuật khó, đòi hỏi tính chính xác cao. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại là chuyến đi này có tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 cao nên chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

PV: Đây là chuyến bay có thời gian khá dài, tổ y tế đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Ngay từ khi nhận được lệnh của Bộ Y tế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị hỗ trợ, phương tiện cấp cứu bệnh nhân trong tình huống xấu nhất. Về cơ bản chúng tôi đã sẵn sàng.

Đây là thách thức rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Cho nên, nguy cơ của phi hành đoàn và các nhân viên y tế là rất lớn. Môi trường không gian máy bay khá chật hẹp trong khi số người dương tính cao nên nồng độ vi rút trong không khí sẽ rất lớn.

Xác định nguy cơ cao nên các phương án đã được chuẩn bị để làm sao nguy cơ lây nhiễm là nhỏ nhất. Trên máy bay phân làm 4 khu, đuôi máy bay sẽ là khu cho bệnh nhân dương tính. Tiếp theo sẽ là cho những người chưa có kết quả xét nghiệm khu thứ 3 là nhân viên y tế và thứ 4 là phi hành đoàn.

Trước đó, chúng tôi đã làm việc với Cục Hàng không, bộ phận kỹ thuật, hỗ trợ của Đại học Bách khoa, mỗi khu đều có màng chắn để làm sao giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ khu này sang khu kia. Đây là sáng kiến của tổ công tác, nhưng để đảm bảo 100% không lây nhiễm là khó. Có thể sau chuyến này sẽ còn thêm nhiều chuyến giải cứu công dân ở các quốc gia nữa nên đoàn sẽ cố gắng để có các sáng kiến làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

PV: Người nhà nói gì khi biết anh tham gia đón công dân về nước và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Khi lựa chọn ngành y, gia đình đã xác định có những rủi ro. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với những ca dương tính COVID-19 mà ngay từ khi Việt Nam xuất hiện các ca bệnh thì chúng tôi đã tiếp xúc rồi, đặc biệt là Khoa cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Cho nên, về mặt tâm lý, các thành viên trong gia đình rất hiểu về tính chất công việc của mình. Tuy nhiên, chuyến đi này rất đặc biệt nên mọi người rất lo lắng vì vậy chúng tôi phải động viên gia đình rất nhiều.

PV: Được biết, chuyến bay đón công dân từ Guinea Xích đạo được triển khai sớm hơn so với dự kiến, điều này có gây ra khó khăn gì?

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: Theo kịch bản ban đầu là ngày 3/8 nhưng chuyến đi được đẩy lên sớm khoảng 1 tuần. Khi thời gian bị đẩy lên sớm đồng nghĩa với việc các anh em phải chuẩn bị khẩn trương hơn. Các thiết bị thì trong ngày nghỉ anh em phải mang ra để thao tác và tập dượt. Đó là khó khăn và cũng là thách thức.

Hàng ngày, anh em vẫn thao tác, tập dượt. Bởi mình vẫn phải lên các bài giảng, kịch bản để đào tạo, tập dượt cho các nhân viên trên máy bay vì họ không có nhiều kiến thức về y tế nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Chiếc Airbus350 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cất cánh rời Hà Nội đi Guine Xích đạo để đón 219 công dân Việt Nam lúc 7h sáng nay (28/7). Thời gian bay khoảng 12 tiếng. Chuyến bay không nhập cảnh và lưu lại sân bay tối đa khoảng 2 tiếng để đón công dân Việt Nam. Máy bay sẽ về Việt Nam khoảng 11h ngày 29/7.

Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Chỉ huy chuyến bay đặc biệt này là Cơ trưởng Phạm Đình Hưng - giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350.

Các báo nước ngoài viết gì về phản ứng của Việt Nam khi COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng?

Việt Nam đang có hành động nhanh chóng sau khi một ca nhiễm bệnh COVID-19 được phát hiện vào ngày 25/7 vừa qua - các báo nước ngoài nhận xét.

TIN MỚI NHẤT