Ngày 27/7, Bộ Y tế vừa phát đi thông tin cho biết, một số tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ thông điệp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là tin giả. Đề nghị người dân không chia sẻ.
- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Chủng virus ở bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng là chủng mới, có đặc tính lây lan nhanh hơn
- Khoảng 1.079 người đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng, trong đó 288 người là F1
Theo Bộ Y tế, các phát ngôn chính thức của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, trên nhiều trang mạng xuất hiện nội dung thông điệp giả mạo như sau; Nếu ai đó có ý định đi du lịch khi vé đang rẻ thì hãy suy nghĩ lại bằng sự thấu đáo của mình.
Tình hình đang rất căng thẳng, lúc này nếu rảnh làm ơn hãy ngồi yên một chỗ. Y tế của mình giỏi nhưng điều kiện mình yếu lắm. Bây giờ mà bùng dịch mình ko chống đỡ được đâu.
“Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 ca lên mức 100-500 ca ! Và có khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1000-5000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà ! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại !!! Rất ngắn ở mức này !
Việc hạn chế ra ngoài lúc này là cực kỳ cần thiết .
Thông tin trên được người đăng tải ký tên Phó thủ tướng, khiến nhiều người hiểu lầm. Bộ Y tế một lần nữa khẳng định, thông tin trên là giả mạo.
Bộ Công an chỉ cách nhận biết thông tin bịa đặt về dịch COVID-19 trên mạng
Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù hiện nay nhiều cơ quan nhà nước cũng có tài khoản riêng trên mạng xã hội để đăng tải những thông tin hoạt động của đơn vị, tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cần phải có kỹ năng để nhận biết đâu là thông tin trên trang mạng xã hội của cơ quan nhà nước, đâu là thông tin sai sự thật trên trang giả do các đối tượng xấu lập để thông tin sai sự thật.
Giải đáp vấn đề này, Bộ Công an cho biết, hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Do đó, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Cụ thể:
- Kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.
- Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang.
Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.
- Kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.
- Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.
Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.