Sau khi TP.HCM thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố, người dân đổ xô đi mua sắm khiến rau củ trở nên khan hiếm cục bộ thì những kiện hàng rau xanh từ Đà Lạt về Sài Gòn lại đang chất cao như núi trong kho, chưa được đem đi tiêu thụ.
- Cập nhật mới nhất về thí sinh chụp lén đề Toán: Tinh thần hoảng loạn, thầy cô mong không có bình luận tiêu cực đẩy mọi chuyện đi quá xa
- Xôn xao clip 2 bó rau giá 100 ngàn đồng ở vỉa hè quận Gò Vấp
Vào ngày 7/7, sau khi TP.HCM có thông báo giãn cách theo chỉ thị 16, nhiều người dân ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm khiến một số thời điểm, một số siêu thị rơi vào tình trạng khan hiếm cục bộ.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, chị Hoàng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đi ngang siêu thị lúc 8 giờ 30 sáng 7/7, nhìn thấy cửa hàng tiện lợi Co.op Smile cạnh nhà chất lên quầy những bó rau củ quả tươi xanh. Chị định bụng xong việc, sẽ ghé mua sau nhưng 10 giờ chị trở về thì quầy kệ rau củ quả còn lèo tèo đúng 2 trái su hào và bó hành lá. Người dân quanh khu vực đã kịp vét hết hàng chỉ trong vòng 1 tiếng rưỡi bởi nghe thông tin trong một hẻm có 109 ca dương tính. Thế nhưng khi đi sang Q.10, ghé siêu thị lớn, chị Hoàng cho biết “một bó cải ngọt cũng không còn”.
Bà L.T.S (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4) phản ánh, các cửa hàng tiện lợi, quầy sạp quanh nhà bà, quanh chợ Xóm Chiếu - ngôi chợ lớn nhất quận, chỉ trong vòng 2 tiếng buổi sáng “không còn gì để mua”. Trước đó, hẻm nhà bà được thông báo chuẩn bị phong tỏa do có ca dương tính nên mọi người đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ. Tại các chợ dân sinh, lượng rau củ cũng vô cùng khiêm tốn.
Trong mấy ngày vừa qua, lượng rau củ trở nên khan hiểm cục bộ bởi sức mua của người dân lớn khiến giá rau cũng đội lên cao ngất ngưởng. Thế nhưng ở một diễn biến hoàn toàn khác, hàng loạt kiện hàng rau củ từ Đà Lạt gửi về Tp.HCM đang bị chất đống cao như núi trong kho lưu trữ, chưa được đem đi tiêu thụ.
Theo tìm hiểu của báo VietNamNet, chị Thanh Thủy (quận Bình Thạnh) chia sẻ là một nhân viên văn phòng, sau khi nghe tin TP.HCM thực hiện giãn cách đã cùng đồng nghiệp gom chung hàng, đặt mua trực tiếp trên nhà vườn Đà Lạt. Chị Thủy đặt 30kg rau cho 6 người vào chiều ngày 7/7.
“Hiện mua rau trong nội thành đắt, không tươi ngon, mất công tìm hàng vì cả siêu thị, chợ đều khan hiếm”, Thủy nói.
Tuy nhiên, đến chiều 8/7, chị Thủy một nhận chỉ lấy được 21kg rau thay vì 30kg như đã đặt, bị hụt mất 1/3 so với dự tính ban đầu. “Họ bán theo kiểu ai tới trước lấy trước. Không báo trước mà khi tôi qua lấy rau, người bán hàng đưa từng đó. Giá vẫn tính theo số lượng thực tế nhưng độ tươi ngon không như kỳ vọng”.
Theo VietNamNet, rau xanh từ Đà Lạt bị lưu lại trong kho ít nhất 8 tiếng trước khi được chuyển về các điểm bán tại TP.HCM.
Thảo Chinh (Quận 5) - chủ một cửa hàng bán rau online cho hay, rau từ Đà Lạt về đang chậm khủng khiếp. “Giống như hôm 8/7, hàng bị ùn ứ. Hàng đặt từ hôm trước, 5h sáng hôm sau đã có ở thành phố mà tới 9h tối mới lấy hàng ra được. Ra kho tập kết, mọi người giành giật nhau quá trời”, Chinh chia sẻ. Điều này đồng nghĩa với việc rau của chủ cửa hàng này đã bị lưu kho 16 tiếng.
Ngoài ra, Chinh còn đặt tất cả 15 kiện hàng rau từ Đà Lạt về nhưng không hiểu gặp vấn đề gì dẫn đến tình trạng hàng bị trả nhỏ giọt, không nhận được tất cả số hàng trên cùng lúc. Chủ cửa hàng nói: “Rau không bị nát. Nếu đặt mua, hàng có sớm giao sớm chứ đến tôi cũng không đảm bảo được rau xanh Đà Lạt sẽ về lúc nào. Phụ thuộc hoàn toàn vào nhà xe”.
Theo người chủ cửa hàng, rau công nghiệp giá đang tăng mạnh ngoài thị trường. Đó là lý do khiến người dân thành phố đổ xô đặt rau Đà Lạt về ăn.
Không chỉ người mua mà người bán cũng "nóng ruột" về việc hàng hóa bị chậm trễ. Chị Vy, chủ một nhà vườn tại Đà Lạt thông tin, ngày thường, xe ô tô vận chuyển khoảng 8 tiếng về tới điểm tập kết. Hiện tại, có lúc tới 24 tiếng, khách vẫn chưa nhận được hàng.
Ngày thường, rau được gửi đi từ buổi chiều thì tới khoảng 3 - 4h sáng đã tới TP.HCM. Còn mấy ngày gần đây, có xe 9-10h đêm mới tới. Chị Vy than thở: “Như vậy là mất gần thêm một ngày. Rau, củ về hư hết”.
Lý do được đại diện vườn đưa ra là hiện nhu cầu rau xanh tại TP.HCM tăng đột biến. Nhà xe quá tải, rồi việc qua các chốt kiểm dịch cũng ảnh hưởng tới thời gian.
“Ai cũng đặt đơn hàng gấp đôi, gấp ba nên chính chúng tôi cũng không có người làm. Nói chung, cần ưu tiên cho xe hàng hóa, tài xế đã có test âm tính lưu thông dễ dàng chút”, đại diện nhà vườn nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, anh Dương - chủ nhà vườn khác tại Đà Lạt - nhận thấy, việc tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới cho ra vào thành phố mà giấy chỉ có hiệu lực trong 3 ngày, tốn tiền dẫn đến tâm lý ngại xét nghiệm. Xe chở nông sản bị quá tải rồi ùn ứ.
Bên cạnh đó, khi xe chở các kiện rau về đến thành phố thì shipper đến nhận hàng để phân tán đi các nơi, nhưng hiện người dân đặt hàng qua mạng quá nhiều nên shipper cũng quá tải theo.
“Hàng di chuyển tắc trên quốc lộ, về đến thành phố lại chất đống trong kho, tìm không ra hàng nên tắc tiếp lần hai. Đến khi tìm được kiện hàng rồi thì không có shipper vận chuyển, tắc thêm lần thứ ba. Cuối cùng, giao hàng cho khách rất trễ, chất lượng kém. Rau còn đóng thùng các-tông mà để ngoài trời, không may mưa thì hỏng hết”, anh Dương nói.
Trực tiếp lấy hàng tại kho của các nhà xe, anh Linh cho biết, hiện rau về từ Đà Lạt có một số điểm tập kết kho tại thành phố như khu vực quận Tân Bình hoặc bến xe Ngã Tư Ga (quận 12). Các nhà xe vận chuyến chính tuyến Đà Lạt - TP.HCM là Thanh Bình Xanh và Thành Bưởi.
Anh Linh bức xúc nói: “Rau xanh về đổ đầy vào kho, mà đầy quá khách lấy không kịp. Họ đem đổ nguyên như núi rác của Đà Lạt về thế sao được? Tìm sao nổi các kiện hàng? Người ta cứ thế tìm hàng rồi chà đạp. Tìm được mấy thùng đem chở về rồi lại quay ra tìm tiếp”.
Cũng theo anh Linh, các nhà xe không bồi thường cho khách, thậm chí còn nói chuyện một cách ngang ngược. “Chờ được thì lấy hàng không chờ được thì về”, anh thuật lại lời một nhà xe.
Để khắc phục tình trạng trên, đại diện một nhà vườn góp ý nên có nơi tập kết rau xanh Đà Lạt về TP. Điểm tập kết rộng này nằm giao nhau giữa nội thành và ngoại thành hoặc điểm giáp ranh ngoài quốc lộ. Các xe vận chuyển rau sẽ đổ hàng xuống đó, còn nếu đợi tài xế phải làm thủ tục test mới cho vào thì lâu, hàng dễ bị dồn.