Sau khi cô gái tiêm filler vào cằm để làm đẹp, vết tiêm không tự mất đi như lời quảng cáo mà càng đau nhức lan rộng, rỉ dịch nặng. Sau điều trị, phần tổn thương để lại vết sẹo rất lớn ở cằm của bệnh nhân.
- Bệnh nhân 1553 nhiễm COVID-19 có bệnh lý nền đái tháo đường, đang theo dõi diễn biến nặng
- Hải Dương: Nữ công nhân nhiễm COVID-19 từng xuất hiện triệu chứng bệnh nhưng tự mua thuốc uống và vẫn đi làm
Đó là trường hợp của N.N.T.D. (28 tuổi, ngụ Long An).
Trước đó qua tìm hiểu trên Facebook, D. quyết định nâng cằm bằng chất làm đầy (filler) tại một spa nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM). Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, cô gái cảm thấy sưng đau nhẹ vùng được tiêm. Vết tiêm sau đó không tự mất đi theo lời tư vấn của nhân viên spa mà thậm chí ngày càng đau nhức và lan rộng.
Bốn ngày sau tiêm, vùng dưới mặt của D. có dấu hiệu rỉ dịch vàng, mảng tím và ngày càng lan rộng, chiếm tới nửa cằm. Lúc này, bệnh nhân quay lại spa thì được chủ cơ sở làm đẹp này bôi kháng sinh và hướng dẫn đắp lạnh để giảm phù nề. Tuy nhiên tình trạng của D. không được cải thiện.
Quá lo lắng, chị D. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cầu cứu.
Tại đây, Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Thẩm mỹ da của bệnh viện cho biết, qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, nữ bệnh nhân D. được xác định có dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu vùng cằm do tiêm chất làm đầy vào.
Sau 1 tuần điều trị tích cực bằng thuốc và kháng sinh, tình trạng sưng đau viêm tấy có giảm. Tuy nhiên vùng da vết tiêm vẫn có dấu hiệu mềm và đóng mài dầy sau đó. 3 tháng sau điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng hậu quả để lại là một vết sẹo rất lớn ở cằm.
Theo bác sĩ Hưng, filler là dạng chất làm đầy không bền vững. Nếu được tiêm đúng cách, filler có thể tái tạo lại các thể tích khiếm khuyết hoặc tạo dựng lại các đường nét mong muốn. Ngược lại sẽ gây ra tắc nghẽn mạch máu, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiều trường hợp tiêm filler đã bị mù mắt vĩnh viễn.
Trong một diễn biến khác, cách đây ít ngày Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã bắt quả tang một spa tên Nary thuê tầng 1 của một khách sạn trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) lén lút đưa bệnh nhân vào phẫu thuật thẩm mỹ.
Cụ thể dù không đủ điều kiện pháp lý lẫn chuyên môn, chủ cơ sở này vẫn nhập các trang thiết bị, bình ôxy, máy theo dõi nhịp tim, thuốc gây tê... và thực hiện nâng mông, nâng mũi, hút mỡ bụng cho khách hàng.
Sau khi làm việc, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã niêm phong các trang thiết bị, thuốc có tại phòng mổ chui và tiến hành tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này để điều tra làm rõ.
Thời điểm cận Tết nhu cầu làm đẹp của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ tăng cao. Tuy nhiên vì thiếu kiến thức và nghe theo những lời quảng cáo hấp dẫn, rất nhiều trường hợp gánh hậu quả, tai biến nặng nề.
Bác sĩ khuyên mọi người để thực hiện làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng cần đến khám, tư vấn và chỉ định bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề tại các cơ sở hoạt động hợp pháp.
Cơ sở thực hiện phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như sử dụng các sản phẩm làm đẹp đã qua kiểm định của cơ quan chức năng.