Dự kiến 20 giờ tối nay (12/2), từ sân bay Nội Bài, đoàn cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lên đường.
- Lái xe Porsche chặn đầu, nhổ nước bọt vào lái xe khác
- Đoàn cảnh sát Việt Nam đang cứu hộ xuyên đêm ở Thổ Nhĩ Kỳ thì gặp dư chấn
Theo thông tin từ báo Người Lao Động cho biết, tối nay 12/2, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sẽ chủ trì lễ tiễn và giao nhiệm vụ cho đoàn cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, 76 quân nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam lên đường sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Những khó khăn và thách thức đang ở phía trước, nhưng quan trọng hơn hết những người lính "Bộ đội cụ Hồ" đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và một hành trang vững vàng trước khi lên đường vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả.
Bộ đội Công binh sẽ là lực lượng nòng cốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những người lính “Bộ đội cụ Hồ” đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và một hành trang vững vàng trước khi lên đường vì sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả.
Thiếu tá Lê Đức Tài, Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh, cho biết đồng hành với lực lượng có bộ dò tìm tổng hợp, sử dụng phát hiện nạn nhân ở trên cạn cũng như ở dưới nước. Camera mắt rắn đưa vào vị trí mà nạn nhân nằm trong những ngách nhỏ, hẹp sâu.
Lực lượng được trang bị thiết bị có thể phát hiện cảm biến được nhịp tim cũng như chuyển động của nạn nhân vào khoảng cách 18 m; bộ kích mềm, kích hơi sử dụng để kê kích những tấm cấu kiện bê-tông để có thể đưa nạn nhân ra ngoài. Các thuỷ lực dùng để kích cấu kiện bê-tông với trọng tải 15 tấn.
Chia sẻ trên báo Lao Động, thượng uý Nguyễn Đức Nhất - Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh cho biết đã sẵn sàng quân tư trang: "Hành trang của chúng tôi trước hết có một chiếc áo bông 2 lớp, có in hình lá cờ Tổ quốc trước ngực. Để giữ ấm cho đầu được trang bị mũ bông và mũ len; ngoài ra chúng tôi còn được trang bị những bộ áo giữ nhiệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ mang vác vật nặng thì có đôi gang tay chuyên dùng và kính chống bụi".
Cũng theo thượng uý Nhất, các chiến sĩ cũng đã trang bị những đôi ủng chuyên dụng có thể chống nước, chống rét. Tâm thế của các chiến sĩ là sẵn sàng ngủ ngoài trời, làm việc xuyên đêm, xuyên giá lạnh để làm sao có thể nhanh chóng cứu được các nạn nhân đang mắc kẹt trong đống đổ nát.
Hành trang lên đường của những người lính công binh còn là sự ủng hộ hết lòng của hậu phương, gia đình. Thượng uý Kiều Đức Toàn cùng người vợ tương lai đã quyết định hoãn lại đám cưới vào ngày 27/2 tới đây để anh lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Thượng uý Kiều Đức Toàn cho biết, người yêu anh hoàn toàn ủng hộ và động viên an tâm công tác, chấp hành nhiệm vụ, giữ an toàn và cô chuẩn bị cho anh rất nhiều thứ từ thuốc men, quần áo và những nhu yếu phẩm cần thiết nhất.
"Cả 2 bên gia đình cũng động viên em rất nhiều, tạm gác lại, chờ em thực hiện nhiệm vụ xong thì mới tổ chức hôn lễ chu toàn nhất" - Thượng uý Toàn chia sẻ.