Những bài học tài chính sâu sắc từ mẹ.
- Sản phụ ở Nghệ An nguy kịch vì nuốt túi mật lợn để chữa đau bụng
- Công an TP.HCM cảnh báo về vụ việc lừa đảo qua cuộc gọi “con nhập viện”
Nền kinh tế ngày càng phát triển, nhiều người trẻ đang có cuộc sống tài chính tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Song, để đạt được điều đó không thể không nói đến những nỗ lực cải thiện cuộc sống từ bố mẹ. Nhân 8/3, chúng ta sẽ nói nhiều hơn đôi chút với mẹ. Dù bằng những cách khác nhau, mẹ đã luôn nỗ lực kiếm tiền, gia tăng thu nhập để có cuộc sống thoải mái nhất.
Bên cạnh đó, mẹ cũng là người để lại những bài học tài chính sâu sắc cho con cái.
Kinh doanh kỷ luật, làm việc ngày đêm (Ngọc Tâm, 24 tuổi, nhân viên văn phòng)
Những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của mình chính là cảnh mẹ làm việc ngày đêm. Quê của mình ở Hưng Yên, ngay từ khi sinh chị gái, lớn hơn mình 5 tuổi, gia đình đã chuyển đến Hà Nội lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Lúc đó, mẹ đã kinh doanh rất nhiều nghề từ đánh vecni sofa - một cách tái tạo lại màu sơn sao cho đẹp hơn, bán hàng mã, bán rau,...
Cho đến khi mình học cấp 1, mẹ chuyển sang bán thịt gà, kinh doanh khởi sắc, dần dần mở rộng cung cấp thịt gà cho các trường học, nhà hàng rồi mở công ty. Tức là mẹ đã vật lộn hơn 10 năm ở Hà Nội, kinh doanh mới thuận lợi hơn.
Hồi còn bé, mình luôn cảm thấy khá tủi thân vì mẹ không có nhiều thời gian dành cho mình. Khi mình dậy, mẹ đã không còn ở nhà, trước khi đi ngủ mẹ cũng chưa về. Hầu hết thời gian, mình đều ở với chị gái, bố và các bác hàng xóm.
Sau này lớn lên, mình mới biết là mẹ đã rất vất vả trong kinh doanh. Đặc thù buôn bán nên phải vay mượn nhiều, bán thịt gà cũng nhiều lúc phải chịu lỗ nếu không trúng mùa vụ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ấy, mẹ mình đã tích góp xây nhà 3 lần. Với ngôi nhà gia đình mình đang ở, sau khi xây lần đầu đã cải tạo thêm 1 lần nữa. Mẹ mình cũng sở hữu một căn nhà khác.
Bây giờ, cuộc sống gia đình mình đã tốt hơn đặc biệt trong khía cạnh tài chính. Mình bắt đầu hỗ trợ mẹ kinh doanh nên hiểu hơn về cái khó của lĩnh vực này. Có lẽ bài học lớn nhất là câu chuyện vay nợ. Nhiều người cho rằng không nên vay mượn. Song mình nghĩ rằng không nên nợ nần chỉ để chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày, hay mong muốn cá nhân. Còn vay nợ kinh doanh là cách nhanh nhất để xoay vòng vốn. Điều kiện tiên quyết khi vay nợ hoặc cho người khác mượn tiền là phải có giấy tờ rõ ràng, vì mẹ mình đã rất nhiều lần gặp khó khăn khi đòi nợ.
Bên cạnh đó, mình rất khâm phục sự kiên trì cũng như kỷ luật của mẹ trong kinh doanh và sử dụng tiền. Trong khoảng thời gian khó khăn như dịch Covid, mẹ mình vẫn có thể chèo chống công ty mà không phải vay mượn quá nhiều. Dù là khoảng thời gian khó khăn về tiền bạc hay đã khấm khá hơn, mẹ luôn dạy chị em mình phải biết trân trọng giá trị của đồng tiền, ngày càng nỗ lực hơn.
Bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 2 chị em (Yến Vy, 27 tuổi, kinh doanh tự do)
Khi mình 10 tuổi, em trai 7 tuổi, bố mất. Lúc đó, mẹ đã một mình bươn chải nuôi 2 chị em. Công việc chính của mẹ mình là làm trong cơ quan nhà nước. Nhưng từ ngày phải 1 mình nuôi 2 con nhỏ, mẹ đã bắt đầu làm những công việc khác.
Mình nhớ lúc đó vào những ngày lễ như là Tết hay 20/10, mẹ sẽ nhập hoa để bán. Sau này, mẹ cùng họ hàng có góp vốn mở cửa hàng ăn. Mẹ kể là chỉ góp vốn và ăn chia lợi nhuận chứ không tham gia vào hoạt động kinh doanh của nhà hàng vì không có thời gian. Đây cũng là cách để mẹ xoay xở tiền, có nhiều nguồn thu nhập tránh rủi ro “hết tiền” khi nuôi 2 chị em mình.
Mặt khác, ngay từ khi còn bé, mình đã ý thức được gia đình không khá giả. Mẹ luôn nhắc nhở mình phải tiết kiệm, ngay khi ra khỏi phòng phải tắt đèn, tận dụng những tờ giấy A4 chỉ in 1 mặt để làm nháp. Dù bận rộn, mẹ vẫn thường xuyên nấu ăn 3 bữa ở nhà để tiết kiệm hơn.
Mẹ mình thường bảo mẹ sẽ cố gắng để 2 con không thiếu gì nhưng chị em mình cũng phải biết quý trọng từng đồng tiền. Cứ vậy, mình lớn lên, rồi tốt nghiệp đại học bằng nỗ lực của mẹ. Có lẽ sau khi nhìn thấy mẹ bươn chải đến vậy, điều mình học được nhiều nhất chính là phải đạt được độc lập tài chính, cuộc sống mới thoải mái hơn. Bên cạnh đó, làm nhiều việc, đa dạng nguồn thu nhập là cách nhanh nhất để đạt được mục tiêu này.
Bố mất sớm, mẹ phải xoay xở rất nhiều để nuôi 2 chị em mình nhưng chưa bao giờ để con cái thiếu thốn điều gì. Vì được lớn lên trong sự bao bọc của mẹ, mình cũng muốn trở thành một người độc lập, mạnh mẽ, và vững vàng tài chính như vậy.
Vì trước đây đã quá khó khăn, mẹ muốn con sống thật thoải mái (Thuỳ Linh, 25 tuổi, nhân viên văn phòng)
Mẹ mình thường kể hồi nhỏ do điều kiện tài chính của ông bà không tốt nên lúc đó cuộc sống của mẹ khá thiếu thốn. Có hôm được anh trai tặng dép, mẹ còn ôm nó lúc đi ngủ vì sợ chuột cắn mất.
Do vậy, khi có con, mẹ không muốn mình phải trải qua cuộc sống như vậy. Mình không thể nhớ hồi nhỏ ra sao, nhưng họ hàng và hàng xóm luôn kể là mình được chiều như công chúa. Hồi đó, mẹ đã mua sữa ngoại nhập cho mình rồi thường xuyên tẩm bổ bằng gà và bồ câu.
Sau này lớn lên, trong câu chuyện tiền bạc, mẹ luôn có những khía cạnh nghiêm khắc cũng như thoải mái riêng. Mẹ cho mình cầm tiền tiêu vặt, đăng ký học những môn nghệ thuật ở trung tâm đắt đỏ nhưng đồng thời cũng rèn mình không được chi tiêu lãng phí. Mẹ thường xuyên nhắc nhở ranh giới giữa hoang phí và hợp lý rất mong manh, do vậy luôn phải có ý thức với số tiền bản thân sẽ chi tiêu.
Hồi học lớp 6, mẹ đã từng một tháng không cho tiền tiêu vặt bởi vì mình mua đồ ăn quá nhiều nhưng không dùng hết nên phải bỏ đi. Mẹ bảo, có lẽ vì con nghĩ rằng bản thân đang có tiền, con không tiếc chút đồ ăn đó. Con cũng có thể cho rằng đây chỉ là một lỗi lầm nhỏ, tuy nhiên những hành vi xấu thường sẽ trở thành thói quen rất nhanh chóng. Con phải học cách trân trọng tiền bạc.
Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ bài học đó. Mẹ không quá đặt nặng về cách kiếm tiền ra sao, tiết kiệm thế nào. Đối với mẹ, chi tiêu sao cho hợp lý, thoải mái mà không lãng phí là điều cần làm. Cuộc sống không thể thiếu những khoản chi tự thưởng để tăng động lực nhưng phải nằm trong tầm kiểm soát.