Tết đến Xuân về là dịp để tất cả mọi gia đình sum họp, đoàn tụ sau một năm dài nhưng nhiều người xa xứ không thể về quê hương đón Xuân.
- Rạng sáng mùng 5 Tết, người dân quay trở lại TP.HCM sớm
- Đánh bài vui ngày Tết có vi phạm pháp luật không?
Tết Quý Mão năm nay là năm thứ 5 vợ chồng anh Trần Đình Huỳnh và Vũ Thị Thủy (quê ở thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) hiện công tác ở tỉnh Aichi, Nhật Bản đón Tết nơi xứ người.
Cho dù hai vợ chồng chị Thủy sinh sống làm việc ở Nhật Bản được 5 năm đã khá quen với cuộc sống nơi đây nhưng khi đến dịp Tết họ vẫn thấy nhớ Tết quê, nhớ mùi vị của quê nhà.
Chị Thủy chia sẻ: “Hiện tại chồng tôi làm việc tại Công ty Mitsubishi Nhật Bản lịch làm việc dày đặc nên không có thời gian xin nghỉ phép để về nước đón Tết cổ truyền cùng người thân. Thêm vào đó con gái mới được hơn một tuổi việc đi lại, di chuyển cũng khó khăn mặc dù là người thân và bố mẹ ở nhà rất mong về sum họp đón Tết. Cùng với đó tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn còn phức tạp nên hai vợ chồng quyết định không về Việt Nam mà ở lại nước bạn đón Xuân”.
Chị Thủy cũng cho hay, dù 5 cái Tết xa quê hương nhưng những ngày cận kề của cuối năm cũng là lúc hai vợ chồng chị càng nhớ mùi vị quê nhà, nhớ không khí nhộn nhịp cuối năm từ việc trang hoàng nhà cửa cho tới sự tất bật mua sắm của mọi người ở các phiên chợ quê ngày cuối năm, nhà nhà gói bánh chưng chuẩn bị đón Xuân ở quê nhà Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
“Những ngày cận Tết mọi người ở nhà gọi sang hỏi thăm hai vợ chồng bên này đã chuẩn bị những gì để chuẩn bị đón Tết, càng làm mình thêm nhớ quê hương nhớ cái Tết đầm ấm của gia đình. Thời điểm giao thừa ở nhà bố mẹ gọi sang chúc Tết lại càng thêm nhớ nhà thêm. Bao nhiêu năm xa quê nhưng hai vợ chồng vẫn mong ngóng ngày về Việt Nam để đón Tết”, chị Thủy nói.
Mặc dù không về Việt Nam đón Tết cùng gia đình nhưng vợ chồng Thủy vẫn cùng một số gia đình Việt cũng sinh sống và làm việc tại tỉnh Aichi, Nhật Bản tổ chức, duy trì phong tục đón Xuân như ở quê nhà. Mọi người cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón Xuân và quây quần bên mâm cỗ ngày Tết ở xứ người.
Chị Thủy chia sẻ thêm: “Vẫn như thông lệ mọi năm, cứ đến ngày cận Tết tính theo lịch âm ở Việt Nam là mấy nhà người Việt mình lại góp tiền đi mua sắm mọi thứ từ gạo nếp, lá dong, đỗ, thịt lợn để về gói bánh chưng. Gói bánh xong mọi người lại quây quần bên nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút cùng mùi thơm đặc trưng càng làm mọi người nhớ về quê nhà. Sau đó mọi người lại tất bật làm mâm cỗ đợi thời khắc giao thừa cùng nhau đón giao thừa.
Nhật Bản cũng có các cửa hàng, quán ăn bán thực phẩm cho người Việt với đầy đủ bánh chưng, giò lụa, chả quế…mâm cỗ tết cổ truyền của Việt Nam có gì thì bên Nhật Bản cũng có thể mua được nhưng có điều là nỗi nhớ quê hương không thể nói thành lời”.
Xa quê nhưng gia đình chị Thúy và bao gia đình Việt xa xứ trong tim mọi người luôn hướng về những ngày Tết ở Việt Nam như hướng về nguồn cội, văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Xa xứ mà đúng vào dịp cuối năm, ai cũng thèm được trở lại cái không khí nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị mâm cơm ngày Tất niên, nơi các thành viên trong gia đình mỗi người một việc cùng nhau đi chợ, nấu nướng, bày trí các món ăn để cúng ông bà, tổ tiên. Hai vợ chồng dù công việc bận rộn, con nhỏ nhưng vẫn cố gắng cùng với các gia đình Việt bên này để tổ chức đón Xuân vừa là dịp để giáo dục con cái hướng về cội nguồn”, chị Thủy tâm tư.
Đầu Xuân mới bên “đất khách” dù công việc bận rộn vất vả không có thời gian nhưng gia đình anh chị vẫn làm những việc như ở quê nhà dịp đầu năm mới.
Không chỉ riêng gia đình anh chị sinh sống ở Nhật Bản mà còn bao gia đình hiện sinh sống, công tác và làm việc ở nước ngoài cũng cùng chung một nỗi niềm riêng đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết truyền thống của dân tộc. Dù ở nơi đâu, họ luôn nhớ về cội nguồn của dân tộc và luôn tự hào mình là người Việt Nam.