Với xuất phát ban đầu ở nội dung 400m rào, Nguyễn Thị Thu Hà chỉ có 3 tháng chuyển đổi để giành HCV nội dung 800m nữ tại SEA Games 32.
- Tuyển nữ Việt Nam thẳng tiến vào Bán kết bóng đá nữ SEA Games 32
- "Tiểu kình ngư" mới của bơi lội Việt Nam vượt qua kỷ lục của Ánh Viên, giành huy chương SEA Games khi mới 14 tuổi
Trong những năm gần đây, tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, các chân chạy nữ của Điền kinh Việt Nam luôn giữ vị trí "thống trị" trên đường chạy 800m. Hai cái tên gần nhất đưa Điền kinh Việt Nam bước lên bục cao nhất ở nội dung này lần lượt là Đinh Thị Bích (2019) và Khuất Phương Anh (2022).
Bước sang kỳ Đại hội lần thứ 32 được tổ chức tại Campuchia, nội dung 800m nữ có sự "thay máu" lực lượng" khi 2 cái trên trẻ là Nguyễn Thị Thu Hà và Bùi Thị Ngân được lựa chọn thay cho 2 người đàn chị đã nghỉ để tham dự.
Không ngoài sự kỳ vọng, Nguyễn Thị Thu Hà cùng Bùi Thị Ngân đã lần lượt cán đích ở vị trí nhất và nhì ở nội dung 800m nữ được tổ chức chiều ngày 11/5. Cả hai được xem là nhân tố hoàn hảo giúp 800m nữ Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế trên đường chạy.
Một điểm đáng chú ý ở "tân nữ vương" đường chạy 800m năm nay là Nguyễn Thị Thu Hà mới chuyển về tập nội dung 800m trong khoảng 3 tháng trước thềm SEA Games 32. Dù xuất phát điểm ban đầu của VĐV người Nam Định là 800m nhưng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Thu Hà đã chuyển sang tập luyện nội dung 400m rào.
Trong các nội dung của Điền kinh, 800m được xem là nội dung rất khó khi yêu cầu VĐV phải hội tụ đầy đủ các yếu tố gồm sức bền, sức mạnh và tốc độ. Do vậy, phương pháp tập luyện của các VĐV chạy cự ly 800m cũng rất khác khi yêu cầu VĐV tập trung vào phát triển đều cả ba yếu tố trên.
So với nội dung 400m rào, 800m cũng sở hữu những yêu cầu về sức mạnh và tốc độ nhưng điểm khác biệt lớn nhất nằm ở yếu tố sức bền (với 800m) và kĩ thuật (với 400m rào). Đây cũng là yếu tố chính tác động tới phương pháp tập luyện của VĐV.
Cụ thể, các VĐV nội dung 400m rào sẽ tập trung chuyên vào phát triển cơ, kĩ thuật để đáp ứng mỗi lần "thoát rào" (bật vượt rào trên đường chạy) nên trong các buổi tập tạ, VĐV sẽ tập nặng hơn, cường độ cao hơn so với nội dung 800m. Bên cạnh đó, các bài tập sức bền ở nội dung này sẽ thường ngắn hơn (từ 600m đổ xuống) cùng với các bài kĩ thuật vượt rào.
Việc VĐV chuyển đổi từ 400m rào sang 800m dù có lợi thế khi có sẵn sức mạnh, tốc độ VĐV sẽ gặp nhiều khó khăn về sức bền.
Chia sẻ với báo Tổ Quốc, "tân binh" Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "So với nội dung 400m rào trước đây tôi tập luyện thiên về kĩ thuật nhiều hơn thì nội dung 800m thiên về sức bền hơn. Ban đầu khi chuyển từ 400m rào sang 800m tôi gặp chút khó khăn bởi lúc tập 400m rào tôi tập rất nhiều về cơ nhưng 800m lại yêu cầu về sức bền nên ban đầu chuyển đổi rất mệt. Bản thân tôi chỉ có 2 tháng để chuyển đổi sau đó là 1 tháng vào bài tập trước khi tham dự Đại hội".
Rõ ràng so với các đối thủ nước bạn trong cuộc cạnh tranh tấm HCV ở nội dung 800m nữ tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Thu Hà sẽ không được đánh giá quá cao. Tuy nhiên, với chiến thuật đã đề ra cùng sự hỗ trợ của đồng đội Bùi Thị Ngân, Thu Hà đã gây bất ngờ khi cán đích ở vị trí đầu tiên sau 2 phút 08 giây 55, vượt qua thành tích của chính cô tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cuối năm 2022 là 2 phút 09 giây 54 và cũng vượt qua thành tích của đàn chị Khuất Phương Anh lập nên ở SEA Games 31 là 2 phút 08 giây 74.
"Thật ra ở Đại hội tôi cứ đăng ký chạy 800m thôi, chứ lúc đấy vẫn tập bài 400m rào. Sau đó khi được chọn thi nội dung 800m thì tôi chỉ có 2 tháng chuyển đổi và 1 tháng tập bài. Trước ngày thi đấu, tôi thấy rất hồi hộp vì lần đầu được tham gia một giải đấu lớn. Trong lúc chạy tôi chỉ có suy nghĩ rằng cố gắng bám theo mọi người, duy trì cự ly, mình có lợi thế một chút về tốc độ nên cố gắng duy trì rồi bứt tốc ở đoạn cuối" - Thu Hà cho hay.
Thành tích của Nguyễn Thị Thu Hà đã góp phần giúp Điền kinh Việt Nam nâng con số HCV giành được trong ngày thi đấu 11/5 lên con số 3, góp phần giúp Đoàn Thể thao Việt Nam duy trì vị thế dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương (tính cho đến hết ngày 11/5).