Ngay sau khi một trang trại lợn thịt bị sét đánh chết hàng trăm con ở Thái Bình, các cấp, các ngành địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại.
- Đang đi xe máy trên đường, 3 người bị sét đánh tử vong, trong đó có 2 mẹ con
- Cạn nước mắt trước gia cảnh của 2 mẹ con bị sét đánh tử vong trên bãi nghêu: Là hộ cận nghèo, người chồng trở thành 'gà trống nuôi con', đứa bé nhất mới chỉ 3 tuổi
Trước đó, vào 16 giờ 5 phút ngày 12/5, trên địa bàn xã Tây Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) xảy ra mưa giông kèm theo sấm sét. Sét đánh trực tiếp vào trang trại lợn thịt của gia đình ông Hoàng Văn Nhã (54 tuổi) làm cháy chuồng trại, hệ thống đường điện, hệ thống quạt gió và làm chết 229 con lợn thịt.
Theo báo cáo của UBND huyện Hưng Hà, tổng thiệt hại của trang trại ước tính từ 2,3 đến 2,5 tỷ đồng.
Gấp rút hoàn tất hồ sơ, hỗ trợ ngay cho hộ chăn nuôi
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, sáng 14/5, ông Đinh Văn Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, đoàn công tác của ngành đã trực tiếp xuống hiện trường nắm bắt thông tin về thiệt hại.
Hiện tại, Sở đã giao cho các ngành chuyên môn – Chi cục Thuỷ lợi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu, xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể để trình lên UBND tỉnh Thái Bình.
"Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ thật nhanh. Thiên tai là phải hỗ trợ khẩn trương, nếu chậm thì còn ý nghĩa gì nữa", ông Thụy bày tỏ quan điểm.
Một trong những đơn vị xây dựng phương án, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nếu phương án được thông qua, hộ gia đình ông Hoàng Văn Nhã sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đối với nuôi gia súc thiệt hại do thiên tai trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 450.000 - 1.000.000 đồng/con.
Trường hợp của ông Nhã sẽ được áp dụng ở mức cao nhất hỗ trợ 1.000.000/con, và với 229 con lợn bị chết sẽ được hỗ trợ tổng 229 triệu đồng.
"Để tái sản xuất một trang trại có quy mô như vậy, điều đầu tiên cần làm là phải sửa sang lại hệ thống chuồng trại. Nhưng với số tiền hỗ trợ trên, theo tôi được biết là chỉ vừa gần đủ số tiền mua lợn giống, nếu tính theo thời giá bây giờ", ông Nhương cho hay.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành địa phương, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, chỉ khoảng độ sang tuần sau là gia đình ông Nhã nhận được hỗ trợ.
"Với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng vào cuộc. Chúng tôi đã xuống tận nơi và đôn đốc chính quyền địa phương. Tôi đã gọi điện cho Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo về việc gấp rút hoàn tất hồ sơ, các anh trao đổi rằng sang đầu tuần sẽ xong", ông Nguyễn Bảo Khương, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình, đơn vị trực tiếp tham mưu cho Giám đốc Sở về vụ việc cho biết.
Lão nông quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Được biết, trước vụ việc của ông Nhã, trên địa bàn tỉnh đã từng có một trang trại gà trắng bị sét đánh chết 7.000 con. Nguyên nhân là do hệ thống điện bị chập cháy do sét đánh, gia cầm lại được nuôi trong hệ thống chuồng trại khép kín dẫn đến bị chết ngạt.
Vụ việc của ông Nhã cũng giống với trường hợp kể trên, do chuồng trại thiết kế hiện đại, diện tích khoảng 600m2, được phủ kín bằng mái tôn có lớp xốp cách nhiệt, chống nóng cho đàn lợn. Khi sét đánh vào cột điện gần sát chuồng đã gây chập điện ở hệ thống quạt làm mát. Sau đó toàn bộ diện tích mái tôn xốp bị cháy sập, lượng khói tỏa ra dày đặc làm lợn bị ngạt, chết toàn bộ.
Số lợn bị chết tương ứng với hơn 30 tấn thịt lợn, sau đó tuy được hàng trăm người dân ở các vùng lân cận tới giải cứu nhưng số tiền vớt vát lại chẳng đáng là bao. Chỉ có vài chục con được bán với giá 20.000 đồng/kg, một con lợn nặng hơn tạ sẽ bán được tầm 2 triệu đồng. Số còn lại đa phần bị ám khói, như thể bị nướng dở, người dân không mua. Chủ trang trại đành phải vừa bán vừa cho, từ mấy trăm nghìn đến hơn một triệu đồng một con.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là lần đầu ông Nhã chịu thiệt hại nặng nề như vậy. Trước đó, vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã phải tiêu hủy ít nhất 14 tấn lợn nhiệm bệnh. Còn mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm giá thịt lợn hơi rớt thê thảm chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, đã khiến nhiều lứa lợn của gia đình ông bị âm vốn.
Dù thiệt hại nặng nề do dịch bệnh và sự biến động thất thường của thị trường thịt lợn như vậy, nhưng ông Nhã cũng chưa một lần chùn bước. Và bằng ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Nhã thậm chí đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, vay thêm từ rất nhiều người thân để đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi lợn hiện đại khép kín.
Trang trại được trang bị hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn, uống nước tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong, tất cả đều được quan sát qua hệ thống camera. Mô hình khép kín như vậy giúp đàn lợn không tiếp xúc trực tiếp với nguồn dịch bệnh từ bên ngoài (tai xanh, lở mồm long móng, viêm phổi, tả lợn).
Dẫu vậy, một đàn lợn 300 con thì chi phí chăn nuôi cho đến khi xuất chuồng (5 tháng) tương ứng với 1,2 tỷ đồng (trung bình 4 triệu đồng/con). Và nếu tất cả mọi yếu tố đều thuận lợi (không dịch bệnh, giá cả thị trường ổn định) thì gia đình ông Nhã chỉ lãi được 1 triệu đồng/con, còn nếu không thì phần lớn hòa vốn và thậm chí bị âm vốn, sa vào cảnh nợ nần.
Mong muốn sớm nhận hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn để tái đàn
Dẫu đã nỗ lực không ngừng nghỉ như vậy, dẫu đã dám nghĩ và biến thành hành động, nhưng đến giờ phút này sau khi gặp phải rủi ro trên, tổng số nợ của gia đình ông đã chạm mốc 3 tỷ đồng, số đỏ hiện vẫn đang thế chấp ở ngân hàng. Lo lắng trước những vấn đề đó, bà Nguyễn Thị Thông (54 tuổi), vợ ông Nhã đã khóc ngất, bỏ bữa và đến nay vẫn chưa dám ra trang trại lợn.
Nhìn thấy tình cảnh của vợ như vậy, ông Nhã cũng đã có một giây phút định buông xuôi tất cả nhưng nếu ông gục ngã, ai sẽ là người lèo lái gia đình này. Bốn miệng ăn trông chờ vào nghề nuôi lợn và trang trại cũng đang tạo việc làm ổn định cho hai nhân công trong làng (mức lương từ 5 - 6 triệu đồng).
Nhìn lại tàn tích của vụ sét đánh, trong lòng ông Nhã vẫn sôi lên một ý chí phải chiến thắng số phận và không bao giờ được phép gục ngã. "Tôi vẫn mong muốn xây dựng lại trang trại này, tiếp tục tái đàn... để bù đắp cho những thiệt hại đã mất", ông Nhã bày tỏ.
Theo đó, ông ước tính chi phí để có thể khôi phục lại sản xuất ước tính vào khoảng 1 tỷ đồng. Trong đó 500 triệu đồng để xây dựng lại hệ thống trang trại; số tiền còn lại là chi phí về thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc sát trùng, điện nước, nhân công... cho tới ngày lợn xuất chuồng.
Về phần con giống, cũng là phần tốn kém chi phí nhất, ông có may mắn khi có một trang trại với hơn 60 con lợn nái đang mùa sinh sản. Số lợn con này sẽ được gây đàn tại trang trại mới – nếu được kịp thời được hỗ trợ, vay vốn để sửa chữa, xây dựng lại.
Trong những ngày này, ông Nhã cũng đã liên với ngân hàng mà bản thân đang dư nợ trên huyện đề nghị vay thêm, nhưng chưa rõ có được giải quyết hay không.
Trao đổi với phóng viên trước nguyện vọng này, ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: "Vấn đề này, gia đình chưa chia sẻ với chúng tôi. Sang tuần tới, chúng tôi sẽ xuống làm việc, nếu anh ấy có nguyện vọng tiếp tục tái đàn, chúng tôi sẽ đề nghị với các ngân hàng có thể xem xét, tạo điều kiện cho anh ấy vay vốn để tái sản xuất trở lại".
Chia sẻ thêm về vụ việc, ông Hạnh cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, đoàn công tác của huyện đã đến động viên, chia sẻ với gia đình. Hiện tại, huyện đang phối hợp với các phòng, ban, ngành chuyên môn sớm hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định.
Cùng với đó, UBND huyện đã đề nghị Mặt trận Tổ quốc huyện xem xét thăm hỏi, động viên gia đình khoảng 10 triệu đồng. Còn các nguồn khác nữa, do hiện nay đang là ngày nghỉ, sang đầu tuần UBND huyện mới có thể kêu gọi hỗ trợ đối với trường hợp của hộ gia đình ông Hoàng Văn Nhã.