Sài Gòn ngày giáp Tết không chỉ có nét rực rỡ của cờ hoa, Sài Gòn còn có cả những 'gam màu' mưu sinh trầm buồn nhưng ấm áp.
- Bắt thủ phạm cướp 1 cây vàng trên tay nữ nhân viên bán hàng
- Nhân viên quán bar khuyết tật bị khách nước ngoài đánh tử vong
12h trưa, đường Hoàng Diệu (quận 4, TP.HCM) chậm đi vì đông. Người ta ngao ngán khi thấy đèn đỏ và nắng nóng như một loại 'tội đồ'. Bụi bặm, ồn ào, dường như ai cũng có sự mệt mỏi của riêng mình. Bỗng vỉa hè có tiếng nhạc cất lên, một người đàn ông béo bụng mặc áo dài đỏ nhảy 'tăng tăng'. Đồng loạt ai cũng ngoái đầu sang vỉa hè, nhiều người trố mắt, nhiều người khác không kìm được bật cười.
Chú tên thật là Nguyễn Văn Chánh (sinh năm 1972, quê Bình Định). 1 tháng trước buôn bán ế ẩm nên chú nảy ra ý tưởng nhảy nhót thế này để thu hút khách hàng. Mới đây, clip chú vừa bán, vừa nhảy nhót tình cờ được một người qua đường đăng lên mạng. Chú không biết mình nổi tiếng trên mạng xã hội vì con điện thoại 'đập đá' cũ mèm của chú chỉ nghe gọi được mà thôi.
Năm 2005, vì miếng cơm manh áo, chú một mình lặn lội vào Sài Gòn để mưu sinh. Mấy năm liền bán đậu phộng nhưng thứ đồ ăn này mùa được mùa mất, chú chuyển sang bán trái cây thì lỗ vốn vì bán chưa kịp đã úng thối nhiều, rồi 2 tháng nay, chú chuyển sang bán bánh khô.
Tháng đầu tiên ế ẩm, chú nảy ra ý tưởng là gì đó vui vui để bán được nhiều bánh và lo cho cái Tết ở quê. Điệu nhảy 'buồn cười' ấy là chú học được trên tivi và của từ những ngày còn trẻ tham gia bộ đội. Gương mặt hài hước, bụng phệ tròn tròn, người qua kẻ lại, có người khen chú dễ thương, vui tính, có người lại chê chú 'tưng tửng', điên khùng.
'Bữa kia chú làm ở Cách Mạng Tháng 8, có người chạy xe ngang qua, chửi ông này bị khùng rồi phun nước miếng xuống chân. Nhưng mà mình không để bụng, mình bán hàng để kiếm miếng cơm nuôi con, mình không làm hại ai hay vi phạm pháp luật gì đâu', chú chia sẻ.
Khách hàng đi qua dù già hay trẻ chú cũng cảm ơn, xin phép chu đáo. Gói bánh 20 ngàn, có người chỉ còn 15 ngàn tiền lẻ chú cũng bán luôn. 'Sân khấu' của chú là một góc vỉa hè, một chiếc xe máy dựng tạm, một chiếc ghế vải xanh và một phích trà đá.
Trang phục của chú là đôi tổ ong xanh chuối, một bộ quần áo đỏ và chiếc nón lưỡi trai đã xỉn màu. Chú nhảy nhót như thế từ sáng đến tối, ai thường qua con đường ấy lắm mới bắt gặp được những khoảnh khắc chú ngồi ngủ gật hay nghỉ mệt.
Phía sau điệu nhảy vụng về là gánh nặng mưu sinh
Chú có một gia đình ở quê, 1 vợ và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Mỗi năm chú thường chỉ về quê dịp Tết. Có năm không đủ tiền, chú định ở lại nốt trên Sài Gòn, nhưng mỗi lần cuối tháng Chạp con điện lên, nói một tiếng: 'Ba ơi, về với con' là chú không đành ở lại.
Trên thành phố một mình lắm bề cơ cực, chuyện gì cũng lủi thủi một mình. 7 giờ sáng chú đã đứng bán ở vỉa hè Hoàng Diệu, 11 giờ đêm lại chạy xe qua cầu Ông Lãnh hát múa bán thêm đến 2 giờ sáng. Chú mang trong người bệnh cao huyết áp, thi thoảng xây xẩm một chút thì uống thuốc vào và nghỉ mệt cầm hơi.
Chú tâm sự nhiều lúc nhớ quê nhiều, vợ chú gửi lên cho chú bình rượu Bàu Đá Bình Định, chú gọi về nhà nói chuyện với gia đình, nhấm nháp thêm chút rượu cho đỡ mủi lòng. Cách đây mấy tháng chú không may té xe, cũng chẳng ai cạnh bên, có người lạ chở vào bệnh viện giúp, chú nằm vài ngày cho khỏe, rồi lại tiếp tục rong ruổi với chiếc xe sờn cũ.
Tiền kiếm được chú gửi gần hết về quê, việc ưu tiên nhất là việc học của con cái. Chú bảo nhà chú có chút thiếu ăn thiếu mặc nhưng chuyện học hành thì muốn lo cho con đến nơi đến chốn, để con không phải khổ cực như mình. Và may thay, cả ba đứa trẻ ở nhà đều học giỏi.
19 tiếng mỗi ngày dầm nắng phơi sương, 19 tiếng mỗi ngày đứng nhảy nhót giữa đường dù đầu đã hai màu tóc, dẫu chú kể rằng mình vốn yêu đời, vốn lạc quan nhưng ấy chẳng phải là tất cả. Có lẽ niềm động lực lớn nhất vẫn là từ căn nhà nhỏ ở quê, nơi có 3 đứa con vẫn thường hay ngóng ba về để sum vầy ngày Tết.
Mùa xuân đang gieo những dấu hiệu rải rác trên đường phố, người Sài Gòn xa quê cũng tranh thủ chạy đua với cuộc sống mưu sinh để bắt kịp chuyến xe về. Hỏi chú xuân này có mong ước gì không, chú cười: 'Ước Tết này mình đủ ăn đủ mặc thôi à, chú đặt chuyến xe về ngày 27, bữa đó, chắc tụi nhỏ ở quê trông dữ lắm…'.
Ừ thì là vậy, Sài Gòn có bao nhiêu người đang vất vả mưu sinh thì ở quê nhà cũng có bấy nhiêu người mỏi mắt ngóng trông từng ấy…