Nhờ duy trì thói quen nấu ăn hàng ngày, nữ sinh Hà Nội đã tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng và chục triệu đồng mỗi năm.
- Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới
- Từ ngày 14/10, Hà Nội tiến hành chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi
Lười nấu ăn, bận rộn, áp lực,... là những lý do khiến cho hầu hết sinh viên có xu hướng ăn ngoài, thậm chí là bỏ bữa. Nhưng trái với số đông sinh viên, Đinh Thị Liên, sinh viên năm 3 trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội lại tự tay vào bếp nấu nướng mỗi ngày dù lịch học dày đặc.
Nỗi lo cơm áo gạo tiền của nữ sinh viên tỉnh lẻ
Sinh ra và lớn lên ở xã Thịnh Minh, TP. Hòa Bình trong gia đình không mấy khá giả, nguồn thu nhập chính chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên khi biết tin đỗ vào đại học, Liên và gia đình nửa mừng nửa lo.
Mừng vì sau 12 năm đèn sách, cô gái ấy đã chạm tay vào ước mơ đại học nhưng lo vì đi học sẽ là gánh nặng tài chính lớn đối với gia đình vùng quê.
Thế nhưng với ước mơ và khao khát được học tập, Liên đã quyết định rời xa mái ấm gia đình để theo đuổi ước mơ nơi chốn thị thành.
Cứ vậy cô gái 18 tuổi “chân ướt chân ráo” từ Hòa Bình xuống Hà Nội học tập, làm quen dần với cuộc sống tự lập, tự chăm lo bản thân và học cả cách quản lý chi tiêu.
Điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả nên để giảm bớt gánh nặng tài chính khi học tập giữa thủ đô đắt đỏ, ngay từ đầu Liên đã lựa chọn tự nấu ăn tại phòng thay vì ăn ngoài hàng, quán để vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân.
“Gia đình mình khá khó khăn nên để giảm bớt chi phí, ngoài đi làm thêm thì việc tự nấu ăn sẽ giúp mình tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Thêm nữa, so với việc ăn ngoài thì tự nấu ăn sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. Ăn ngoài không chỉ lãng phí tiền bạc một cách không cần thiết mà còn có thể gặp vấn đề sức khỏe”, Liên chia sẻ.
Lời giải cho bài toán chi tiêu của nữ sinh
Với những sinh viên ngoại tỉnh học tập tại Hà Nội, ngoài tiền đóng học phí các bạn còn phải chi trả cho nhiều khoản khác như tiền trọ, tiền ăn uống, đồ dùng cá nhân, tiền xăng xe,…
Biết được điều đó nên ngay từ năm nhất đại học, Liên đã tự nấu ăn để giảm thiểu chi phí nhất có thể. Cứ vậy thói quen đó được nữ sinh viên Hoà Bình duy trì suốt 3 năm học qua.
Liên cho biết, chi phí trung bình cho một bữa ăn khoảng 15.000 – 20.000 đồng, mỗi tháng dao động trong khoảng 1.500.000 – 2.000.000 đồng.
“Phòng trọ mình có 5 người nên bọn mình cùng nhau mua sắm và chuẩn bị bữa ăn. Thịt khoảng 50.000 – 60.000 đồng, rau khoảng 10.000 đồng, thêm các gia vị nấu ăn thì chia ra chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng/người. Những hôm có ít người ăn hoặc một mình thì sẽ cân đo đong đếm thức ăn sao cho vừa đủ để tránh lãng phí. Để có một bữa ăn “sinh viên” bọn mình thường mua nguyên liệu ở chợ thay vì vào siêu thị, vì đồ ăn ở chợ thường có giá thành rẻ hơn”, Liên cho biết.
Một bữa ăn tại quán cơm Hà Nội thấp nhất cũng dao động từ 30.000 đến 100.000 đồng, thậm chí cao hơn. Sinh viên ăn ngoài 3 bữa/ngày, mỗi tháng sẽ mất khoảng 3.000.000 đồng trở lên. Chưa kể, so với chi phí tự nấu ăn, việc ăn ngoài tốn kém hơn rất nhiều mà chưa chắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì thế, nhờ tự nấu ăn, Liên đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Trung bình mỗi tháng nữ sinh này “bỏ heo” khoảng 1 triệu đồng, tương đương 12 triệu đồng/năm. Liên cho biết, số tiền tiết kiệm này được cô dùng để đầu tư cho việc học hoặc trang trải các chi phí khác.
Những bữa ăn đậm màu sinh viên
Bữa ăn của Liên và các bạn thường có đầy đủ cơm, các món ăn mặn, rau và canh. Liên cho biết: “Mình thường hay nấu những món ăn đơn giản mà vẫn ngon như đậu phụ sốt cà chua, thịt băm rau củ, rau cải thịt băm, canh giá đỗ... Nguyên liệu để nấu những món ăn này có giá cả vô cùng phải chăng”.
Theo chia sẻ của nữ sinh viên, một bữa ăn thường mất khoảng 40-50 phút để chuẩn bị. Với lịch học dày đặc, cô phải học cách sắp xếp thời gian nấu ăn.
“Phòng mình có 5 người, mỗi thành viên trong phòng sẽ có một vai trò riêng từ việc đi chợ, nấu nướng đến rửa bát. Cách sắp xếp này giúp việc nấu ăn trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Bọn mình thường lên thực đơn trước để mua sắm và chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết. Hôm nào quá bận, bọn mình nấu những món ăn đơn giản và nhanh chóng nhất có thể”, Liên cho hay.
Với cách chia công việc như thế, phòng trọ của Liên đã duy trì việc nấu ăn trong 3 năm liền. Nhờ thói quen này Liên và các bạn không chỉ đảm bảo sức khoẻ, mà còn tiết kiệm tài chính và quan trọng hơn là học được cách quản lý, chi tiêu thông minh, nề nếp ngay từ khi còn trên giảng đường.