Sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào ngày 6/2, những công dân Việt Nam vẫn đang cập nhật tin tức liên tục, cố gắng liên lạc người thân, cầu mong thương vong dừng lại... Tính đến sáng sớm 7/2, tổng số người thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 4.300.
- Bất an tại chung cư Le Grand Jardin Sài Đồng - TP. Hà Nội
- Thảm họa động đất ở Trung Đông khiến hơn 1800 người thiệt mạng: Chưa ghi nhận trường hợp nạn nhân là công dân Việt Nam
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, vào khoảng 4h sáng ngày 6/2 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria. Chấn động của nó có thể được cảm nhận ở những nơi xa xôi như Lebanon, Síp, Hy Lạp, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Trận động đất thứ hai được ghi nhận với cường độ 7,5 độ richter xảy ra chỉ 9 giờ sau đó. Đây được cho là trận động đất lớn nhất và nguy hiểm nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ qua.
Tính tới sáng sớm ngày 7/2, có ít nhất 4.372 người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất ngày 6/2, trong bối cảnh công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn. Theo đó, người đứng đầu cơ quan cứu trợ thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 2.921. Trong khi đó, tại Syria, các quan chức cho biết có 1.451 người chết và 3.531 người bị thương.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, sau trận động đất lớn đã xảy ra tại 10 tỉnh phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương của 10 tỉnh, thành nói trên để hỏi về thông tin người Việt. Thông báo của Đại sứ quán nêu rõ: "Trong trường hợp các anh chị em người Việt ta cần bất kỳ hỗ trợ nào, hay có biết ai cần hỗ trợ tại khu vực gặp nạn, mọi người liên hệ ngay giúp tới Đại sứ quán qua hotline 0545 785 85 48. Xin cảm ơn và gửi lời chia buồn sâu sắc tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ".
Trong khi đó, trên nhóm cộng đồng của người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cập nhật thông tin người Việt, hỏi thăm nhau và sẵn sàng phối hợp Đại sứ quán hỗ trợ, giúp đỡ khi có người cần. Nhiều người để lại bình luận: "Mong mọi người bình an".
Anh Dương Nam Phương (33 tuổi, sống tại Istanbul) có gia đình vợ là người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sáng sớm 6.2, khi ngủ dậy thấy thông tin động đất kinh hoàng, anh đã gọi ngay đến gia đình chị vợ đang sống tại Mersin. Anh chia sẻ: "Nghe anh chị kể, khoảng 4 giờ sáng đang ngủ thấy rung chấn nên chợt tỉnh giấc. Sau đó biết là động đất thì cả nhà chạy hết ra ngoài, chờ trời sáng. Khoảng 14 giờ hơn, lại tiếp tục có thêm một trận động đất nữa. May mắn anh chị tôi có trang trại riêng nên đã tạm thời di chuyển về đó".
Sang Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009, anh Phương cho hay, người Việt tại đây chủ yếu sinh sống tại Istanbul, Ankara – cách khu vực xảy ra động đất hơn 1.000 km. Là quản trị viên của trang cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh cũng liên tục cập nhật thông tin từ Đại sứ quán về tình hình lúc này.
Theo đó, người Việt ở các tỉnh phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu phụ nữ lấy chồng người bản xứ. Sau khi liên lạc với một phụ nữ Việt tại Diyarbakir, Đại sứ quán thông tin nhà chị bị sập nhưng may mắn chạy được ra ngoài và thoát thân. Còn 1 phụ nữ Việt tại Anada thì đến 16 giờ (theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ) chưa liên lạc được.
Theo lời anh Phương, ở các tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ nơi xảy ra động đất cơ sở hạ tầng không bằng ở Istanbul, phần lớn làm nông nghiệp. Hiện một số nơi cũng có mưa, tuyết nên công việc cứu hộ đang được khẩn trương thực hiện.
"Trận động đất này quá lớn, làm sụp hệ thống viễn thông liên lạc ở khu vực. Thời tiết hiện tại cũng khiến việc xây dựng lại trạm liên lạc gặp khó khăn", anh nói.
Một người bạn làm cùng với anh ở thành phố Istanbul cũng đang trên đường trở về nhà ở Hatay vì không liên lạc được với gia đình. Trước đó, sân bay tại Istanbul thông báo hủy toàn bộ chuyến bay 2 ngày qua vì lý do thời tiết, đêm nay, tại đây cũng chuẩn bị có tuyết mạnh hơn nên các chuyến bay vẫn chưa được nối lại.
Anh cho hay, hiện ở Istanbul, mọi người đang cập nhật thường xuyên qua báo đài xem miền Nam thế nào, nhiều kênh truyền hình tập trung đưa thông tin từ hiện trường. Những người có người thân hay bạn bè đi công tác tại khu vực này cũng đều hồi hộp xem tin tức.
"Người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ không đông, khoảng hơn 100 người, nhiều người thông thạo tiếng vì có thời gian dài sinh sống. Do vậy, các thành viên trong nhóm cộng đồng luôn sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán hỗ trợ, giúp đỡ đồng hương tại đây", anh chia sẻ.
Anh Bùi Xuân Mai (36 tuổi) – người Việt tại thành phố Istanbul đồng thời là Trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, không chỉ miền Nam, mà nhiều tỉnh, thành khác ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường xảy ra động đất. Do đó, những căn nhà xây sau này bắt buộc có tiêu chuẩn chống động đất.
"Vài ngày trước, các chuyên gia đã cảnh báo trước về khả năng xảy ra động đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thương vong, cường độ động đất thì không dự báo được. Ở đây động đất có thể xảy ra một tháng vài lần. Không ngờ lần này lại thiệt hại nghiêm trọng đến vậy", anh thở dài.
Sáng sớm, khi đọc tin tức trên các trang thông tấn địa phương, anh Mai còn thấy con số tử vong là hơn 70 người, nhưng càng về chiều, con số ấy lại càng tăng lên. Đến khoảng 16 giờ 30 theo giờ địa phương đã là hơn 1.000 người.
Vừa kể, anh Mai vừa hy vọng bình an đến với cộng đồng người Việt cũng như người địa phương. Anh luôn cầu nguyện con số thương vong sẽ dừng lại, mọi người mắc kẹt trong đống đổ nát sớm được cứu ra ngoài. Anh bộc bạch: "Quá kinh khủng. Trận động đất lần này rơi vào 4 giờ sáng, lúc ấy trời có tuyết, mọi người đang ngủ say, nhà sụp nên có thể đã không kịp chạy. Các lực lượng cứu hộ, cơ quan chức năng đang quyết liệt chạy đua thời gian cứu người sống sót dưới đống đổ nát. Tôi vừa xem trên kênh truyền hình, tiếng người kêu cứu dưới những lớp bê tông đổ nát, họ đã dùng kích thủy lực, đưa ra được 2 em bé còn sống ra ngoài. Thật xúc động!".
"Tôi cũng thông báo đến các em sinh viên Việt cũng như người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ để cập nhật tình hình. Ai nào ở khu vực bị ảnh hưởng bởi dư chấn động đất thì nhóm sẽ chủ động kết nối, hỗ trợ", anh chia sẻ thêm.