Nhiều cặp đôi không còn tình cảm nhưng vì một số lý do nên chưa chọn giải pháp chia tay. Chung nhà nhưng vợ chồng cư xử như người xa lạ, chỉ còn ràng buộc trên danh nghĩa về con cái, tài sản, sự nghiệp...
- Press Cup 2024 khu vực phía Nam: 12 đội đua tài trên sân cỏ
- Vì sao đi làm khỏe mạnh nhưng đi du lịch lại ốm?
Hơn 1 năm qua, vợ chồng không hạnh phúc nhưng chị C. ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ vẫn cắn răng chịu đựng. Trong 22 năm lập gia đình, chị đã từng 3 lần bỏ qua việc chồng ngoại tình, đến lần thứ 4, chịu hết thấu, chị tính đường ly hôn. Thời điểm đó, con trai lớn của chị 17 tuổi và con gái 12 tuổi. Khi biết chuyện, các con khóc lóc, không chịu chuyển nhà, đòi tiếp tục ở chung với cha.
Dù chồng tệ bạc với chị C. nhưng lại rất thương con. Chị cứ đắn đo bởi đã dồn hết công sức, tâm huyết tạo dựng sự nghiệp, tài sản… Nếu ly hôn, không chỉ thiệt hại vật chất mà còn ảnh hưởng nhiều vấn đề, nhất là cha mẹ hai bên. Cuối cùng, chị cùng chồng thỏa thuận “giấy tờ vẫn vậy”, còn thực tế không can thiệp vào cuộc sống riêng của nhau.
Từ đó đến nay, vợ chồng chị C. chung nhà nhưng không nói chuyện, ai đi đâu hay làm gì cũng không cần thông báo, việc của gia đình nào thì người đó tự lo, chỉ khi có chuyện liên quan đến con cái thì nhắn tin, ghi giấy hoặc thông qua các con báo lại. Đôi bên hiếm khi xuất hiện chung nơi công cộng, những bữa cơm đầm ấm hay cảnh cả nhà đưa nhau đi chơi đã thuộc về quá khứ. Mấy lần bị bệnh chị phải tự lo hoặc nhờ bạn bè chăm sóc. Các con thấy cha mẹ lạnh nhạt cũng buồn theo, chán nản, học hành sa sút.
Chị C. kể: “Bất đắc dĩ tôi mới chọn giải pháp này. Nói là mạnh ai nấy sống nhưng ra vô chung nhà cũng ảnh hưởng, tôi bị áp lực, mất ngủ, sức khỏe suy giảm. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi, tủi thân, nhưng thương con và muốn giữ danh dự gia đình thì phải chấp nhận. Tôi cũng chưa biết mình chịu đựng nổi bao lâu nữa”.
Tương tự chị C., khi vợ chồng trục trặc, nhiều người đã cân nhắc giữa được - mất khi ly hôn và đi đến quyết định sẵn sàng chấp nhận giữ lại gia đình dù chỉ là vỏ bọc...
Cả tháng nay, anh T. ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ kêu bán căn nhà để chia tài sản theo ý vợ cũ, anh cũng đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Chuyện vợ chồng đối với anh chỉ là những kỷ niệm buồn, bởi anh từng bị trầm cảm vì những đắng cay do vợ gây ra.
Trước đây, khi biết vợ có quan hệ ngoài luồng và còn lấy tiền nhà nuôi nhân tình, anh T. khuyên nhưng vợ không nghe. Khi anh định ly hôn thì đứa con trai duy nhất ngăn cản, sợ phía bạn gái biết cảnh nhà lục đục, không chấp nhận. Vợ chồng anh T. thống nhất đợi đến ngày con yên bề gia thất rồi tính tiếp. Anh T. làm thêm căn phòng, vợ chồng ở riêng, chuyện ai người nấy biết. Khi con cưới vợ xong anh lại “ráng” cho cháu có đủ ông bà. Cứ thế, gần 4 năm trời anh T. chôn chặt những tổn thương trong lòng, vùi đầu vào công việc. Nhiều đêm buồn quá anh ngủ lại cơ quan, không về nhà… Giữa năm nay, khi con trai có ý định sửa lại căn nhà vợ anh đề xuất bán, mua cho con căn nhà khác, phần còn lại cha mẹ chia dưỡng già và đôi bên thuận tình ly hôn.
Anh T. chia sẻ: “Ngẫm lại, tôi mất mát quá nhiều thứ. Chỉ ở trong cuộc mới hiểu nỗi khổ của cảnh sống có vợ mà như không. Nếu như được lựa chọn lại, tôi sẽ mạnh dạn chấm dứt ngay từ đầu, không để kéo dài như vậy”.
Khi biết chồng lập phòng nhì, chị N. ở quận Ninh Kiều - TP. Cần Thơ cân nhắc giữa được và mất khi chia tay. Không cam tâm chia tài sản mà chị đã bỏ rất nhiều công sức gần 15 năm gầy dựng, chị N. quyết định duy trì mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, cuộc sống không còn như xưa. Nỗi đau bị phản bội quá lớn, chị dọn qua ở chung phòng với con gái, yêu cầu chồng tự lo chuyện ăn uống, giặt giũ của bản thân, chi phí nuôi con chia đôi, những đóng góp khác cũng tính sòng phẳng, không can thiệp vào chuyện riêng của chị.
Cả năm qua, chị N. sống trầm lặng, bỏ mặc, không xuất hiện cùng chồng trong dịp lễ Tết, đám tiệc. Tình cảm như vào ngõ cụt, cảm xúc trơ lì, mọi chuyện xảy ra với chồng, chị N. chẳng mấy quan tâm. Ngược lại, chồng chị cũng cuốn theo những thú vui, bay nhảy bên ngoài. Khi các con muốn đi du lịch hè thì chị viện cớ không tham gia, nên các con cũng không còn hào hứng. Thấy cha mẹ lạnh nhạt như vậy các con cũng chán, đi học về là vào phòng riêng, vắng hẳn tiếng cười. Lắm khi ngôi nhà như nơi trọ, mỗi người một góc và chưa biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu...
Tiếp xúc với những cặp vợ chồng mà hôn nhân không còn sự gắn kết mới cảm nhận được sự chông chênh, chán chường xen lẫn tiếc nuối. Trong cuộc sống vợ chồng, mâu thuẫn là điều khó tránh. Nếu còn thương thì cố gắng hóa giải, nếu hàn gắn không được thì nên mạnh dạn chấm dứt. Đừng tiếc một mối quan hệ theo kiểu hình thức cho có mà bên trong chỉ toàn khổ đau, giằng xé, rồi tự đẩy mình vào bi kịch. Ðừng vì những cái được trước mắt mà để bản thân phải mất mát lớn hơn!