Trên hành trình kiếm tìm tri thức không hạn định, tài năng trẻ Việt năm châu luôn được thắp lửa và nuôi dưỡng giá trị dân tộc qua từng năm tháng ở xứ người.
- Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3
- Trước nghi vấn lộ đề thi môn ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh
Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam, năm 2017, Lê Âu Ngân Anh gây chú ý khi giành vương miện Hoa hậu Đại dương Việt Nam (hay còn gọi là Hoa hậu Đại dương). Sau đêm chung kết, hình ảnh đăng quang của nàng hậu 9X nhanh chóng “gây bão” khắp mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.
Phần lớn khán giả cho rằng vẻ ngoài của cô không phù hợp với tiêu chuẩn mà một hoa hậu nên có, cô không xứng đáng với vương miện và dành nhiều lời chê bai, chế nhạo, chỉ trích dữ dội.
Ít lâu sau, Lê Âu Ngân Anh tham gia cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2018 và giành ngôi Á hậu 4. Hành trình của cô tại đấu trường nhan sắc này cũng vướng phải nhiều ồn ào và không nhận được sự ủng hộ từ fan sắc đẹp quê nhà.
Sau khoảng thời gian "sóng gió", Ngân Anh lui về chuyên tâm theo đuổi con đường học vấn. Cô học tiếp lên thạc sĩ ngành Quản trị sự kiện quốc tế tại Đại học Salford (Anh quốc).
Khi tốt nghiệp, người đẹp có thời gian làm việc tại một công ty về đầu tư. Năm 2020, nàng hậu tiết lộ cô chính thức trở thành giảng viên trẻ nhất của Trường đại học Hoa Sen, giảng dạy các môn học về Quản trị sự kiện
Hiện Lê Âu Ngân Anh vừa bận rộn với công việc của một giảng viên, vừa duy trì các hoạt động trong làng giải trí.
TS. Phạm Huy Hiệu
Theo Tiền Phong, lựa chọn trở về nước vốn đã được TS. Phạm Huy Hiệu ấn định sẵn từ trước khi bắt đầu đi du học tại Pháp.
Trước lý tưởng “đi để trở về”, tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc về Khoa học Máy tính năm 2019, TS. Hiệu trở về Việt Nam phụ trách vị trí chuyên gia nghiên cứu và trưởng nhóm nghiên cứu cơ bản tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData).
Anh hiện là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe thông minh, Trường Đại học VinUni. “Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo nên được thị trường trả mức lương khá tốt, từ 100 đến 200 triệu đồng/tháng tùy từng tổ chức. Tôi vẫn có thể ở lại và cống hiến cho đất nước dưới nhiều hình thức tùy theo hoàn cảnh của mình”, TS. Hiệu nói.
Nhưng hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” đã luôn in sâu trong tâm khảm, nhất là mỗi khi TS. Hiệu đọc và theo dõi những công bố khoa học từ vấn đề thực tiễn Việt Nam có giá trị cao được cộng đồng học thuật thế giới công nhận.
Vì vậy, anh đã trở về để trực tiếp tham gia vào lực lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam, trực tiếp tìm hiểu các vấn đề cấp thiết, thách thức nhất để kết nối mọi người cùng nhau giải quyết nó.
TS Nguyễn Thành Đạt
Dẫn tin từ VietNamNet, tại Đại học Đà Nẵng, TS Nguyễn Thành Đạt (sinh năm 1988) là một trong những gương mặt trẻ truyền cảm hứng học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
TS Nguyễn Thành Đạt chia sẻ, hồi còn là học sinh anh từng mơ làm luật sư nhưng khi tốt nghiệp Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, anh lại chọn học ngành Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Bước vào năm thứ nhất đại học, anh nhận ra mình không thực sự hứng thú với ngành học này, kết quả học tập cũng không được như mong đợi. Muốn thử thách bản thân và thoả mãn ước mơ du học, anh quyết định đăng ký theo học ngành Kinh tế học của Đại học La Trobe (Australia), dù lúc đó được nhiều người đi trước tư vấn đây là một ngành học khó.
Tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, là thủ khoa đầu ra của ngành, anh Đạt được xét thẳng nghiên cứu sinh. Năm 2015, anh hoàn thành chương trình tiến sĩ tại đây. Dù có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài nhưng anh Nguyễn Thành Đạt chọn quay về Việt Nam.
Nói về quyết định về nước, anh Đạt chia sẻ, anh mong muốn được ở gần gia đình. Bên cạnh đó, trải qua thời gian sinh sống ở nước ngoài khá lâu, anh nhận thấy anh yêu thích cuộc sống và cống hiến tại Việt Nam hơn.
TS Cấn Trần Thành Trung
Theo Dân Trí, TS Cấn Trần Thành Trung sinh năm 1995, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) là chủ nhân giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Colombia năm 2013.
Anh nhận học bổng toàn phần tại Đại học Duke, Mỹ - trường ở top 7 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ, theo US News 2024. Tại trường đại học danh tiếng này, năm 2018, Trung tốt nghiệp thủ khoa ngành toán.
Trước khi trở về nước, anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học từ Viện Công Nghệ California, Mỹ. Theo Bảng xếp hạng THE 2024, Viện Công nghệ California xếp thứ 7 các trường đại học tốt nhất thế giới.
Trúng tuyển theo đề án VNU350, tiến sĩ Cấn Trần Thành Trung sẽ về giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
TS Nguyễn Thanh Tâm
Dẫn tin từ Tạp chí Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Thanh Tâm (SN 1987) hoàn thành luận án tiến sĩ ở Đại học Monash (Úc), sau đó giảng dạy tại Đại học Monash.
4 năm sau, nữ tiến sĩ trẻ quyết định trở lại Việt Nam để gần gia đình hơn và đưa những điều mình đã học được để phát triển giáo dục trong nước.