Ngoài 3 người con, bà Cúc còn nuôi thêm 3 đứa trẻ không phải ruột thịt, nhưng người phụ nữ vẫn vui vẻ, hạnh phúc, trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
- Hành vi con trai mua tiết lợn ‘dàn dựng’ bắt cóc, tống tiền mẹ có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù
- Tình tiết mới vụ tai nạn ‘cố tình lùi xe cán chết học sinh’ năm 2017: Sau nhiều năm kháng cáo, hiện tại ra sao?
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Cúc vào buổi trưa trời nắng chói gắt, cùng lúc này bà Cúc vừa bịt kín khẩu trang vội phóng xe máy lên trường để đón hai bé trai sinh đôi Trần Bảo Q. và Trần Bảo K. (8 tuổi) về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều bà Cúc lại đưa hai con đến trường để tiếp tục học tập cùng các bạn trang lứa.
Hai đứa trẻ, cách đây hơn 8 năm, ngay khi biết tin cô gái trẻ quê ở Kim Bảng, Hà Nam "lỡ lầm" định phá bỏ cặp thai nhi lúc ấy mới 2 tháng, bà cố gắng khuyên nhủ, hỗ trợ và nhận nuôi hai cháu từ khi lọt lòng do điều kiện người mẹ khó khăn, đi làm ăn xa.
"Tôi nhớ như in, hôm ấy mẹ cháu đã gọi điện (ai đó đã cho cố ấy số điện thoại của tôi -PV) chia sẻ. Vừa bấm máy thì đã nghe đầu dây bên kia vừa khóc vừa nói 'cô ơi cô cứu con với, cô cầu nguyện cho con con với'. Cô ấy bảo mới nghỉ học đi làm công việc không ổn định. Lúc này siêu âm có 2 thai đòi phá", bà Cúc nhớ lại.
Trong cuộc điện thoại, bà Cúc động viên cô gái trẻ bằng mọi cách giữ lại con, đừng phá bỏ. Trong cuộc điện thoại bà Cúc còn tâm sự rất nhiều và đem những câu chuyện, những tình huống xấu hệ lụy sau khi phá thai nên đã cảm hóa được cô gái.
"Lo sợ cô ấy dứt bỏ con, ngày nào tôi cũng điện thoại khuyên nhủ. Tôi còn vượt quãng đường 20-30km mang cho gạo để mẹ con ăn. Khi thai được 5 tháng, cô ấy đòi phá tiếp tôi lại khuyên tốt nhất giữ lại và cuối cùng cô ấy đã nghe mình và từ bỏ ý định phá thai", bà Cúc nhớ lại.
Chịu đựng cho đến ngày chuyển dạ, người mẹ trẻ không có một đồng nào, trong nhà không có tiền bà Cúc đi vay được 11 triệu đồng rồi vội vã vào bệnh viện.
Hai con trai Trần Bảo Q. (nặng 1,8kg) và Trần Bảo K. (1,7kg) chào đời trong niềm vui của bà Cúc và người mẹ. Hai cái tên được mọi người đặt tên vì sinh vào dịp 2/9.
Vì điều kiện kinh tế, người mẹ ngay sau sinh đã giao hai bé nhờ bà Cúc chăm sóc. Còn mình sau đó vào nam sinh sống, xây dựng hạnh phúc mới.
"Cả hai, Bảo Q. và Bảo K. sinh ra rất yếu do mẹ bé giấu thai nên để lại nhiều hậu quả. Trong suốt những tháng đầu, hai con chỉ ngủ trên vòng tay tôi cả ngày lẫn đêm nên thời gian đó tôi vô cùng mệt mỏi. Cả hai con mắt hơi kém và bị lác. Tôi cũng đưa con đi viện khám nhưng bác sĩ bảo cháu bị bẩm sinh nên không còn cách nào chữa trị, nếu kéo bên này thì lệch bên kia. Cũng vì thế mà hai con học hành cũng bị ảnh hưởng nhiều", bà Cúc thở dài.
Dù không phải hai đứa con cùng khúc ruột do mình đẻ ra, nhưng vợ chồng bà Cúc vẫn chung lòng yêu thương, các con của bà Cúc đùm bọc Bảo Q. và Bảo K. như em ruột.
"Chồng và các con tôi vẫn luôn bảo, các bé về nhà mình thì như ruột thịt rồi, không được ai phân biệt, nhà có thứ gì thì cùng sinh hoạt".
Thêm đứa nữa cũng đành lòng đón nhận
Bà Cúc nói đến đây chúng tôi hỏi thêm về tình hình học tập của hai đứa trẻ, người mẹ nhìn về các bé vui vẻ cười đùa nói: "Chúng nó nghịch như quỷ sứ. Ấy vậy mà luôn ngoan ngoãn nghe lời, chỉ cần nhắc cái là đâu ra đấy".
Nghe mẹ Cúc nói vậy, Q. quay sang khoác vai K. rồi thốt lên: "Mẹ của chúng con con là mẹ Cúc, chúng con yêu mẹ nhiều lắm".
Bà Cúc lại nói thêm, hai bé bị dị tật ở mắt, từng có người nặng lời dèm pha "Lác như thế nuôi làm gì tốn cơm tốn gạo". Nhưng nghe xong bà Cúc gạt đi cho qua chuyện. Gia đình bà nghĩ dù bé có tàn tật, mù lòa hay sao đi chăng nữa nếu còn sự sống sẽ cố gắng nuôi dưỡng nên người.
Bà Đỗ Thị Cúc (52 tuổi, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) làm nghề ve chai ở địa phương. Chính cái nghề ấy đã khiến người phụ nữ này gặp nhiều hoàn cảnh kém may mắn.
Sau những lần giúp đỡ các cô gái lỡ lầm, mang thai ngoài ý muốn, bà Cúc được nhiều người biết đến và chia sẻ cả số điện thoại của bà lên mạng xã hội.
Ngoài công việc thu lượm ve chai nhưng bà Cúc luôn sẵn sàng đón nhận ở bất cứ nơi đâu có người gặp khó khăn, cô gái nào gặp vấn đề đang chuẩn bị phá thai là bà chủ động tìm đến thuyết phục.
Bà Cúc bảo, nhiều cô gái chỉ sợ sinh con ra không có kinh tế để nuôi, hoặc có những trường hợp vì uất hận, nhưng theo bà nếu nghĩ như vậy chỉ trước mắt.
"Bỏ các con đi còn tội lỗi hơn nhiều, tiền thì có thể làm ra nhưng bỏ con đi sẽ ám ảnh cả đời", bà Cúc trải lòng và cho biết, gia đình bà sẵn sàng tạo điều kiện để các cô gái lỡ lầm có nơi trú ngụ, bà cũng sẵn sàng vay mượn để lo cơm ăn để phần nào họ bớt lo lắng.
"Mình cứ làm vì lương tâm, không ít cô gái mang thai ngoài ý muốn muốn phá bỏ tôi đã gặp trực tiếp khuyên nhủ, thậm chí gặp cả bạn trai cô gái để nói chuyện, thuyết phục. Không ít đôi do chính tôi là người mai mối, đỡ đầu. Tính đến nay tôi đã khuyên ngăn, giúp đỡ thành công hàng trăm trường hợp có ý định nạo phá thai", bà Cúc nói.
Bé gái hồi sinh trong túi ni lông bên vệ đường
Ngoài hai bé trai sinh đôi, cách đây 4 năm trong một lần đi nhặt ve chai phát hiện chiếc túi màu trắng rất lạ ở bên đường gần đê cầu Yên Lệnh, huyện Duy Tiên. Do cảm giác và có kinh nghiệm nên bà Cúc đến sờ và phát hiện cánh tay trẻ sơ sinh.
"Ban đầu tôi nghĩ bé đã chết chứ không nghĩ con là còn sống. Thấy con còn sống tôi thở phào rồi vội vàng cởi áo bao bọc cho con mang về lau rửa sạch sẽ rồi gọi bác sĩ tới nhà khám. Khám xong bác sĩ bảo con khoẻ, không sao cả tôi mới yên tâm, đồng thời báo chính quyền địa phương", bà Cúc kể, bé gái được phát hiện khoảng 21h, ngày 25/9/ 2018 (âm lịch), gia đình đặt tên là Đỗ Thị Hồng A.
Con trai bà Cúc sau đó cũng đã chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội để nếu mẹ bé A. thấy con thì đến đón. Tuy nhiên, sau đó rất nhiều người xa lạ tự nhận là người thân của bé nhưng xác minh thấy không đúng nên gia đình bà quyết định không trao cho.
Kể xong, bà Cúc dẫn chúng tôi ra trường mầm non nơi cháu A. đang học bán trú: "Bé rất ngoan, trong suốt một tháng trời tôi nuôi con không một tiếng khóc, ăn xong là ngủ. Giờ bé đã gần 4 tuổi tuổi, đáng yêu, xinh xắn, thông minh, biết quan tâm đến mẹ.", nghe bà Cúc nói xong, cô giáo của bé A. rất phấn khởi chia sẻ, bé A. ngoan, lại nhanh nhẹn và rất vâng lời cô giáo và hòa đồng với các bạn cùng lớp.
Cụ bà 91 tuổi, mẹ đẻ của bà Cúc vẫn còn minh mẫn kể: "Cái ngày nhận hai thằng bé về nuôi, tôi thấy nó (bà Cúc), vay mượn 11 triệu đấy, nhưng tôi bảo cứ cố gắng, tôi nghĩ nó làm việc tốt thì cứ ủng hộ", cụ bà tâm sự thêm, bản thân con gái bà cũng mồ côi cha từ sớm nên coi đây là cái duyên ông Trời đã định thì dù khó khăn vất vả đến đâu cũng đón nhận.
Bà Cúc tâm sự thêm, dù cuộc sống lúc nào cũng vất vả, nuôi thêm 3 đứa trẻ không liền khúc ruột do mình đẻ ra nhưng ngược lại gia đình bà rất ấm êm, hạnh phúc.
"Được cái là các bé rất ngoan, không mấy khi bị ốm đau, biết nghe lời. Tôi thì mới ốm xong, nhưng vì còn nhiều cái 'đuôi' nên cứ phải cố gắng", bà Cúc nói thêm.
Chồng bà Cúc là ông Trần Thuyến luôn ủng hộ vợ vì thấy việc làm của bà đem lại sự sống cho nhiều đứa trẻ, nhiều cặp đôi hàn gắn. Đi làm xa vào mỗi thời điểm, ông Thuyến luôn tích góp gửi tiền về cho bà Cúc chi tiêu việc chung của gia đình. Mặt khác, các con của bà Cúc luôn lấy mẹ làm hình ảnh mẫu mực và tấm gương lao động của bố nên cả 3 người con (2 trai, một gái) hiện tại đều rất chăm ngoan, chịu khó lao động và tham gia vào các công việc cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam xác nhận, bà Cúc hiện nay đang chăm sóc 3 đứa trẻ bị bỏ rơi.
Chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm các vấn đề, dịp Covid-19 vừa qua gia đình bà Cúc cũng như nhiều hộ khác thuộc khu vực phong tỏa, cách ly nên khó khăn, chính quyền cũng ưu tiên quan tâm đến các cháu.