Hơn 20 năm qua, ông Trương Lâm (69 tuổi) vẫn nắn nót viết tay "nhãn hiệu" cho từng gói đậu phộng tự rang. Trong căn nhà lụp xụp, ông vẫn mong có ngày vợ con sẽ quay trở về.
- Con trai 4 tuổi mất tích bí ẩn, mẹ đau đớn uống thuốc diệt cỏ tự tử: Người cha cập nhật thông tin đau lòng
- Nữ giáo viên mầm non trùm túi ni lông đen lên đầu học sinh tường trình gì?
Rất khó khăn để ông Trương Lâm có thể kể rành mạch câu chuyện về cuộc đời mình. Bởi lẽ, sau biến cố mất hết tài sản, những mảng kí ức trong ông đã trở nên rời rạc. Gần 70 năm cuộc đời, ông đã đi qua biết bao thăng trầm, giàu có lẫn nghèo khổ, hạnh phúc lẫn đớn đau. Ở tuổi xế chiều, mong mỏi lớn nhất của người đàn ông này là được sum vầy với vợ con, chuộc lại những lỗi lầm năm xưa.
"Người đàn ông kì lạ"
Ngôi nhà của ông Trương Lâm nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Duy (quận 8). "Kì lạ" là từ mà những người hàng xóm nói về người đàn ông này. Hằng ngày, người ta vẫn thấy ông đi nhặt ve chai, xin tiền nhưng chỉ nhận mỗi người 500 đồng. Đủ một bữa cơm, ông sẽ trở về nhà. Thi thoảng, hàng xóm mang gạo, nước ngọt qua để cho, ông từ chối không nhận.
Ráng chiều đổ xuống hiên nhà, ông Lâm lấy ghế ra trước cửa ngồi thẫn thờ. Thấy bóng người ghé thăm, ông liền bật dậy, sang nhà hàng xóm mua chai nước ngọt mời khách. "Mấy hôm nay, trời mưa ít nên không đủ nước để uống. Thông cảm nha", ông nói.
Căn nhà xệp xệ nơi ông sinh sống từng là hãng xà bông lừng lẫy một thời. Ông kể: "Tôi vươn lên từ nghèo khó. Những năm đầu lập nghiệp, tôi đạp xe đi giao xà bông khắp Sài Gòn. Có lúc đói quá, tôi rủ người anh em tấp vào lề đường mua chuối ăn. Hai đứa ngấu nghiến như … khỉ, ăn xong lấy sức đạp xe tiếp".
Nhờ chăm chỉ mà chẳng mấy chốc mà thương hiệu xà bông được nhiều người biết đến. Làm ăn phát đạt, ông mua nhà, một tay lo hết cho vợ con, gây dựng cơ ngơi được bao người ngưỡng mộ.
Khi có tất cả trong tay, ông lại vướng vào cờ bạc. Ông nhớ lại: "Hồi đó, tôi mê đua ngựa lắm. Ban đầu chỉ chơi cuối tuần, sau thì ngày nào cũng chơi. Tôi thua từ 1 đồng, 2 đồng, 3 đồng… rồi mất cả gia sản hồi nào không hay. Không còn vốn, cơ sở kinh doanh cũng không thể giữ được".
Vì một vài lí do, vợ con ông đã rời đi, chỉ còn mình ông sống trong căn nhà cũ. Khi nguôi ngoai đi nỗi đau mất đi mái ấm gia đình hạnh phúc và tài sản đã gây dựng, ông quyết tâm làm lại từ đầu.
Ông đặt tên thương hiệu đậu phộng của mình là "Thuận Phát". Mỗi tuần, ông chỉ đi bán khoảng 10 gói. "Thông qua nó, tôi muốn nói rằng mình đã bắt đầu lại từ đầu, và sẽ làm được. Ban đầu tôi bán 1.000 đồng/gói. Lần tôi bán "mắc nhất" là vào mùa dịch năm ngoái, người ta lên giá đậu phộng tận 60.000 đồng/kg, tôi buộc phải lên theo, bán 3.000 đồng/gói, nhưng bây giờ thì xuống lại rồi", ông bộc bạch.
Mong chờ một mái ấm
Cuộc trò chuyện kéo dài, bóng đêm bao trùm lấy căn nhà, chỉ còn ánh sáng tù mù phát ra từ chiếc đèn pin. Nhiều năm qua, ông đã sống trong cảnh không điện, không nước, không người thân. Theo lời ông lí giải, do bản thân không có tiền, cũng không muốn phiền hà đến ai nên chọn cách sống như thế.
Trong hàng trăm kí ức đầy chắp vá, có hai con số ông Lâm nhớ rõ nhất: 1990 và 1988. Đó là năm sinh của con gái và con trai ông Lâm. "Tôi vẫn ở trong căn nhà này để mong có ngày gặp lại con. Tôi biết cờ bạc không bao giờ mang lại lợi ích gì, nó chỉ làm mình lao đi như con thiêu thân mà thôi", ông Lâm nói.
Những lúc rảnh rỗi, ông lại lôi những tấm giấy trắng ra vẽ vời. Trên vách nhà, ông treo hàng chục tấm bản đồ lớn nhỏ được vẽ bằng chính kí ức của ông. Những con đường ngày xưa đi giao xà bông, tên quận ông thường đến nhất, con đường mà ông hay đạp xe đi chợ… Tất cả đều được ghi lại một cách chính xác.
Gần 70 tuổi, ông vẫn ấp ủ về một "thương hiệu đậu phộng" với mong muốn làm lại cuộc đời. Và sâu thẳm trong lòng, người đàn ông này vẫn chưa nguôi hy vọng vợ con sẽ trở về, cả nhà sẽ lại một lần nữa đoàn tụ bên nhau.
Theo lời chia sẻ một người hàng xóm, ông Lâm là người đàn ông rất "dị biệt". Dù được nhiều người đề nghị giúp đỡ nhưng ông nhất quyết từ chối. Trước đây, ông Lâm rất giàu có và là chủ hãng xà bông nổi tiếng. Tuy nhiên, xưởng đã tan rã sau đó, vợ con ông cũng không biết vì lí do gì mà không ở đây nữa.
Tháng 5/2020, UBND quận 8 (TP HCM) cho biết đã triển khai chi hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng loạt người dân đã nhận tiền hỗ trợ từ 750.000 đồng/trường hợp.
Tuy nhiên, một số trường hợp khó khăn đã từ chối nhận tiền hỗ trợ, trong đó có ông Lâm. Dù nhiều lần cán bộ đến tận nhà trao số tiền hỗ trợ nhưng ông Lâm liên tục không nhận và đề nghị dành phần quà đó cho những người khó khăn hơn.
Theo cán bộ phường 12, quận 8, ông Lâm sống độc thân trong căn nhà lụp xụp, không điện, không nước. Hàng ngày, ông Lâm đi khắp nơi nhặt ve chai, xin tiền mọi người để mua cơm. Tuy nhiên, vừa đủ tiền mua cơm ông sẽ ngưng nhận tiền. Thỉnh thoảng, ông rang đậu phộng bán kiếm thêm thu nhập.