Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an nêu rõ, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây tiếng nổ.
- Bắt gặp vợ ‘nhún nhảy’ với nhân tình trong cửa hàng, sau khi ép hỏi mới phát hiện bí mật động trời khiến hôn nhân đổ vỡ
- Thông tin bất ngờ vụ bé gái còn thở được đưa vào nhà hỏa táng ở Đồng Tháp
Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 và thay thế Nghị định 36/2009.
Tại điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, người dân cần phải lưu ý rằng theo quy định trong Nghị định này, Nhà nước đã phân loại pháo bao gồm pháo hoa và pháo nổ.
Trong đó, pháo hoa được Nghị định giải thích là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m.
Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m. Các loại pháo này được Nhà nước sử dụng trong các dịp lễ, Tết.
"Như vậy, theo quy định tại Nghị định này, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi... còn đối với các loại pháo hoa được đốt lên trời gây ra tiếng nổ là pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao vẫn bị cấm.
Người dân cần hiểu rõ về quy định này, tránh bị nhầm lẫn", luật sư Long nêu rõ.
Luật sư Long cũng nhấn mạnh, các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hay sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ (là loại có chứa thuốc pháo nổ) đều vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần xác định rõ loại pháo hoa nào được sử dụng để người dân nắm rõ.
Đồng thời, trong thời gian tới nhằm tránh việc người dân mua nhầm, sử dụng nhầm pháo hoa không được cho phép, cơ quan quản lý cần lưu tâm kiểm soát chặt các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân sử dụng chỉ là pháo hoa theo quy định.
Ngoài ra, luật sư lo ngại sau khi mở rộng quy định cho người dân được mua pháo hoa để sử dụng, thì sẽ xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này.
Vì thế, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa sau khi Nghị định có hiệu lực.
Một đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, nhấn mạnh, cần hiểu rõ, theo quy định của Nghị định, loại pháo hoa mà người dân sẽ được phép đốt là loại pháo hoa thường sử dụng ở các đám cưới hoặc sự kiện và khi đốt phát ra ánh sáng, màu sắc, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ.
Đối với loại quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ (pháo hoa nổ tầm thấp, pháo hoa nổ tầm cao - PV) vẫn bị cấm tuyệt đối sử dụng, vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm. Nếu người dân sử dụng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tuỳ theo hành vi, mức độ vi phạm.
Theo đại diện Cục, người dân khi tổ chức sinh nhật, cưới hỏi... muốn đốt pháo hoa không gây ra tiếng nổ thì không cần đăng ký với chính quyền và chỉ cần đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
“
Phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP:
Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kinh trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Nghị định 137 sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
”