Chấp nhận khiếm khuyết của bản thân, học cách thích nghi và vượt qua là cách mà cô gái trẻ Phương Linh tìm thấy niềm vui sống sau biến cố năm 18 tuổi.
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh 63 tỉnh, thành: Có tỉnh nghỉ 14 ngày
- Thí điểm ứng dụng tiện ích trên thẻ CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT tại Hà Nội
Cuộc sống bị bao trùm bởi bóng tối
"Tuổi 18 là tuổi đẹp nhất đời người. Bạn sẽ như thế nào nếu đôi mắt đột ngột nhoè mờ rồi chẳng còn nhìn thấy gì nữa?", Phương Linh (SN 1997, ngụ quận 12, TP.HCM) mở đầu câu chuyện.
Thời gian trôi qua, những giọt nước mắt của Linh đã được hong khô, cô đã nguôi ngoai cảm giác tủi thân, mặc cảm và chọn cách sống lạc quan với những niềm vui quanh mình. Linh sinh ra với đôi mắt bình thường như bao người. Đến năm 18 tuổi, cô cảm nhận mắt mình bị nhoè mờ, lâu dần dẫn đến tình trạng không đọc chữ được nữa. Sau khi đến bác sĩ, Linh nhận được kết quả rằng mình bị thoái hoá sắc tố võng mạc. Đây là một căn bệnh hiếm gặp và có yếu tố di truyền.
Phương Linh
"Lúc mới phát hiện bệnh, thị lực của tôi là 3/10. Tôi cảm tưởng như mọi thứ đã khép lại trước mắt mình, kì thi Đại học, tương lai bỏ ngỏ, không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Bạn biết không, từ một con người lành lặn, tôi trở thành cô gái khiếm thị, dò dẫm từng bước đi trong chính ngôi nhà của mình.
Đau lòng hơn, sau khi phát hiện tôi mắc bệnh, bố mẹ đã đưa em gái tôi đi khám và phát hiện con bé cũng có chứng bệnh giống tôi, chỉ là chưa có biểu hiện ra ngoài. Thời điểm ấy, tôi suy sụp tinh thần và khóc rất nhiều", Linh tâm sự.
Phương Linh (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi với khách hàng
Trong lần tình cờ, bố mẹ nhận được lời mời chữa bệnh cho tôi bằng phương pháp châm cứu. Thời gian đầu mọi thứ vẫn ổn, nhưng tầm khoảng vài tháng sau, thị lực mắt tôi đã bị tuột xuống còn 0.25/10, mọi thứ xung quanh bị bao trùm bởi màn mờ đục.
Tôi dường như gục ngã thêm lần nữa. Bố mẹ hết lời khuyên nhủ, động viên: "Con ơi, đừng bỏ cuộc"...
Bước ngoặt lớn nhất là khi bố mẹ tìm được mái ấm dành cho người khiếm thị và gửi Linh vào đó. Bố mẹ muốn cô sinh hoạt cùng các bạn bè khiếm thị, học hỏi nghị lực sống từ họ. Bước vào khuôn viên mái ấm, Linh thấy những đứa trẻ bất hạnh hơn bản thân mình, không có đôi mắt sáng ngay từ lúc lọt lòng.
"Tôi may mắn hơn họ, vẫn có 18 năm trên cuộc đời sống với đôi mắt bình thường. Từ đó, tôi mở lòng mình hơn. Một ngày nọ, tôi quyết định học chữ nổi, chấp nhận mình rằng mình là người khiếm thị và bắt đầu cuộc sống mới", Linh nói.
Cô gái trẻ yêu môi trường
Chúng tôi có hẹn với Linh vào một chiều tháng 7, tại cửa hàng mà cô làm việc. Từ 9 giờ sáng, Linh đã tỉ mẩn lau chùi kệ, sắp xếp lại mớ xà bông handmade, túi thời trang làm từ rác thải nilon... Tất cả đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Khách đến nhấn chuông từ cổng lớn, Linh liền nhanh chân chạy ra đón.
Linh hiện tại đã trở nên tích cực, vui vẻ
Linh kể, đây là nơi cô nhận được nhiều sự cảm thông nhất. Do không thể nhìn thấy được món hàng nên thỉnh thoảng, Linh phải nhờ mô tả lại đồ vật mà khách cầm trên tay hoặc nhờ di chuyển giúp vật dụng. Ấy vậy mà ai cũng thương, không ai bày tỏ sự khó chịu hay hằn học với cô.
"Sau năm học lớp 12, tôi mất 2 năm để học chữ nổi, tập thích nghi cuộc sống với đôi mắt không còn khoẻ mạnh. Tôi vào Đại học trễ hơn các bạn, theo ngành Tâm lí học. Ra trường, tôi cũng rất băn khoăn chọn việc nhưng cuối cùng lại quyết định tham gia Limart - Zero Waste, một trạm sống xanh dành cho người trẻ yêu môi trường. Đặc biệt nhất, đây lại là nơi làm việc của các bạn khuyết tật. Founder là chị Phạm Thị Kim Hằng, cô gái có người cha mù luôn dành lòng tin tuyệt đối cho người khiếm thị.
Nhiều bạn trẻ yêu thích mô hình sống xanh
Tại đây, tôi đã rất xúc động khi chứng kiến cô lao công giặt sạch từng túi nilon mang đến cho chúng tôi tái chế, những bạn trẻ í ới gọi nhau đem túi giấy, ống hút... đã qua sử dụng để đổi lấy nông sản sạch. Thậm chí, có chàng trai khuyết tật không xin được việc làm vẫn đến đây và gửi những vỏ lon, chai nhựa mà anh nhặt được trên đường.
Trước đây, tôi chỉ duy trì lối sống xanh của mình bằng cách hạn chế xài đồ nhựa, dùng bình nước cá nhân. Nhờ công việc này, tôi chứng kiến được những câu chuyện ý nghĩa, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đang diễn ra hằng ngày quanh mình. Mỗi ngày bước đến đây, trong tôi đều ngập tràn năng lượng sống tích cực“, Linh tâm sự.
Mỗi ngày, Linh vẫn đều đặn đón xe buýt từ quận 12 đến quận 1 để làm việc. Cô cười nói nhiều hơn, thấy yêu đời hơn. "Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra", Linh mỉm cười nói.