Từ một cô gái 16 tuổi liệt hoàn toàn 2 chân, bị trầm cảm một thời gian dài, chị đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống để làm mẹ đơn thân và tiếp tục hành trình tìm lại sự sống cho đôi chân bệnh tật.
- Bố co ro nằm sàn, nhường cả hai ghế cho con ngủ khiến dân mạng xúc động
- Chuyện tình xúc động của thầy giáo mù và cô gái mồ côi tại trung tâm bảo trợ trẻ khuyết tật
Tai nạn bất ngờ
Cách đây 12 năm, chị Hải lúc này là cô nữ sinh 16 tuổi sống cùng gia đình tại thôn Trực Hương, xã Trực Cường (Nam Định). Thời gian nghỉ hè, chị sang nhà ông bà nội chơi. Trong lúc trèo lên lên cây nhãn thì chị bất ngờ ngã từ trên cao xuống chấn thương.
“Nhà ông bà nội chị trồng nhiều cây lắm. Lúc đó chị trèo lên cây nhãn, không ngờ trèo phải cành sâu bị gãy, chị rơi xuống đất dẫn đến chấn thương lưng, vỡ đốt sống lưng D12. Chị được đưa đi bệnh viện, 6 ngày sau mới được phẫu thuật” – chị Hải chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình.
Những ngày đầu bị tai nạn, chị luôn cảm thấy đau đớn. Nằm viện khoảng 2 tháng, chị bắt đầu tập các bài tập phục hồi chức năng. Liên tục trong 4 năm liền, chị bền bỉ thực hiện các bài vận động hằng mong đôi chân bại liệt kia có tiến triển tốt.
Chị Hải tâm sự: “Lúc bị ngã thì cảm thấy đau thôi chứ không nghĩ gì nhiều. Thời gian sau chị phải bảo lưu kết quả học, sức khỏe yếu dần thì nghỉ học. Rồi chị đi tập vật lí trị liệu. Tập mãi suốt 4 năm mà không thấy kết quả, chị chán nản bỏ luôn”.
Khoảng thời gian này, cuộc sống gia đình chị tuy vất vả, bố mẹ làm nông cố gắng nuôi 4 em ăn học (chị Hải là con đầu) nhưng vẫn dành hết tình yêu thương cho chị. Trong thâm tâm cô gái đôi mươi vẫn khao khát được ra ngoài xã hội, được trải nghiệm những điều mới. Bố mẹ vì sợ chị khổ cực, thiệt thòi nên vẫn khuyên chị nên ở nhà. Bế tắc, tuyệt vọng, chị rơi vào trạng thái trầm cảm. Chị không giao tiếp với bất kì ai, cuộc sống của chị là những ngày buồn u ám.
Mãi cho đến năm 2013, khi em gái đi học Đại học tại Hà Nội, bố mẹ mới đồng ý cho chị lên thành phố. Từ đây, chị có dịp vào Trung tâm phục hồi chức năng để tập luyện, học nghề handmade và có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều cảnh đời như chị.
Vì con chập chững từng bước đi
“Chuyện tình duyên đối với những người như chị trắc trở lắm em ơi. Chị xác định không kết hôn và làm mẹ đơn thân từ đầu rồi” – chị Hải lặng lẽ tiếp nối câu chuyện khi kể về sự ra đời của con trai nhỏ.
Chị cũng từng yêu nhưng không dám mơ về một gia đình toàn vẹn. Năm 2015, chị sinh bé Đặng Hoàng Gia Bảo, tên gọi ở nhà là Gấu. Một điều may mắn với chị là thời điểm sinh con, cả gia đình hai bên nội ngoại đều đến thăm nom. Sau này, vì nhiều lý do cá nhân, chị chủ động không liên lạc với bố bé Gấu.
“Nhiều người nghĩ người như chị chăm con sẽ cực khổ nhưng chị thấy bình thường thôi. Chị coi việc mất đi đôi chân là bình thường rồi, phải tập làm quen với nó và tập trung năng lượng nuôi con. Từ ngày có con, cuộc sống của chị có ý nghĩa hơn nhiều lắm. Đi đâu, làm gì cũng chỉ nhớ con” – chị Hải xúc động.
Cơ duyên khiến chị quyết tâm trở lại con đường trị liệu cũng nhờ con trai nhỏ. Chị kể, trong một lần đón con bằng xe gắn máy ba bánh, khi ngang qua trường cấp 1 học sinh ùa ra quá đông đã khiến chị bị lạc tay lái, hai mẹ con ngã xuống đường. Nhờ có người đi đường đỡ dậy, chị và con trai vẫn an toàn.
Sau cú ngã trên đường, chị quyết định tìm lại sự sống cho đôi chân bại liệt. Gửi con cho ông bà ngoại ở quê, chị tìm đến phòng phục hồi chức năng và tiếp tục miệt mài ngày đêm từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối để tập luyện. Những ngày đầu, có khi chị tập đến 11 giờ đêm. Nhưng lần này, chị không còn cảm thấy mệt nữa.
Mỗi khi nhớ con, những lúc đôi chân không chịu nghe lời, chị lại gọi điện về nghe con nói, rồi lại vực dậy bản mình. Vừa đi trị liệu, chị vừa buôn bán những mặt hàng nhỏ để kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Điều kỳ diệu nhất chính là chị cảm nhận được sự hồi sinh từ đôi chân bại liệt đã 11 năm.
Trên trang cá nhân, chị hạnh phúc chia sẻ với bạn bè: “Hai chân từ lúc là một cành cây khô không sự sống, bây giờ chân đã nở ra, mạch máu đã về, đã có được những cử động nhẹ nhàng. Hy vọng tràn trề và bây giờ em tin là không gì không thể hồi phục”.
Đối với chị, biến cố lớn nhất chị đã trải qua, giờ đây không có gì có thể đánh gục ý chí của chị. Từng là người phụ nữ bại liệt mang thêm căn bệnh trầm cảm, chị Hải giờ đây đã tự tin hơn trong cuộc sống. Câu chuyện của chị đã giúp truyền động lực cho những người cùng cảnh ngộ như chị năm xưa.