Thời tiết mùa hè nắng như đổ lửa nhưng vẫn không ngăn được bước chân của người mẹ quê Long An ngày nào cũng mất 5 tiếng đồng hồ trên xe buýt đưa con trai đi học tận Sài Gòn. Gần 1 năm qua, bằng tất cả tình yêu thương, chị nhẫn nại từng chút một cùng con chiến đấu với chứng tự kỷ.
- 10 kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn bố mẹ cần dạy trẻ ngay từ bây giờ
- 4 cách hay không ngờ dạy trẻ hình thành tư duy độc lập theo ý kiến chuyên gia
Khi chứng tự kỷ bất ngờ gọi tên con mình
Chị N.N.D. là cô giáo trường làng, 36 tuổi, sinh sống và dạy học tại quê nhà huyện Cần Đước (Long An). Năm 2006, chị kết hôn với người bạn đồng trang lứa. Anh làm viên chức, chị làm giáo viên. Con trai đầu kháu khỉnh chào đời năm 2008 khiến gia đình hai bên ngập tràn niềm vui. Sáu năm sau, chị sinh bé M. Em trông bụ bẫm, đáng yêu hệt như anh hai.
Cuộc sống bận rộn của đôi vợ chồng trẻ cùng hai con nhỏ cứ thế trôi đi. Chưa đầy năm, bé M. đã biết nói. Bé lém lỉnh, nói nhiều suốt ngày như sáo. Thế nhưng, khi bước sang tuổi lên 2, em bỗng dưng có những dấu hiệu bất thường.
“Chưa thôi nôi M. nói nhiều lắm, nói toàn từ ghép. Chưa đầy 18 tháng M. đã nói cả câu. Nhưng được 18 tháng chị cảm thấy con có gì đó rất khác. Con không nói nhiều từ như trước nữa. Đôi mắt con không nhìn chị như lúc xưa. Đỉnh điểm của sự việc là khi chị đưa M. đi tắm, đến ao nước sâu thì con cứ muốn lao xuống. May mẹ túm gáy lại, trầy xước gáy nhưng giữ được con. Khi thấy con có hành vi nguy hiểm cho bản thân, chị đưa M. đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1” – chị D. tâm sự với Phụ nữ & Gia đình.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận M. có dấu hiệu rối loạn tự kỷ, không có khả năng tập trung. Áp lực của chị lúc này là phải làm sao quan sát và theo dõi con về hành vi và ngôn ngữ để bác sĩ có hướng điều trị.
Gia đình, người thân không ai mắc hội chứng này. Vậy mà con trai chị mắc phải. Chị tất tả vừa đi dạy, vừa chăm con, vừa đọc đủ mọi loại tài liệu, sách báo và các biện pháp điều trị chứng tự kỷ.
Thấy con tuy ngồi cùng các bạn nhưng không chơi chung, chỉ ngồi im chơi một món đồ chơi mà không hề có sự giao tiếp cùng các bạn, lòng người mẹ càng thêm đau xót.
Gian nan hành trình cùng con đến lớp
“Chị chỉ mong con ý thức được những thứ cơ bản nhất để bảo vệ bản thân. Nhưng tại thời điểm ấy, con hoàn toàn không làm chủ được hành vi của mình, ngôn ngữ hạn chế. Chị lại đưa con đi tái khám ở bệnh viện” – chị D. tiếp tục câu chuyện.
Trong lúc bế tắc, chị gặp lại người bạn cũng có con mắc hội chứng tự kỷ như bé M. Bé này sau khi được mẹ cho đi học tại trường chuyên biệt để được can thiệp bằng các phương pháp giáo dục, tình trạng đã cải thiện rất nhiều. Nghe lời bạn, chị cho con ghi danh tại trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí tại TP.HCM.
Nhà chị D. ở tận huyện Cần Đước (Long An), cách TP.HCM hơn 60 cây số. Mỗi buổi sáng chị đón 3 tuyến xe buýt lên thành phố đưa con đến trường rồi về để kịp giờ lên lớp. Buổi chiều sau giờ giảng, chị lại lên đón con về.
Chị tâm sự: “Những ngày trong tuần, chị đưa con trai về nhà anh trai tại thành phố. Sáng sớm, đưa con đến trường thì chị đi xe buýt về đi dạy. Dạy xong, chị lại lên với con rồi về nhà anh trai. Cuối tuần sẽ cho bé về chơi với ba, anh trai và ông bà”.
Sau khoảng thời gian hơn 2 tháng, hành vi và ngôn ngữ của bé phần nào cải thiện. Chồng chị lúc này khuyên nên để con ở nhà. Thế nhưng, bằng linh cảm của người mẹ, chị biết con vẫn chưa ổn. Vẫn phải kiên trì một thời gian nữa thì mới mong con thực sự hòa nhập, thực sự bước vào thế giới này.
Chị D. trải lòng: “Chồng chị nghĩ can thiệp bấy nhiêu là đủ rồi. Con đã trở lại bình thường rồi. Còn chị lại nghĩ xa hơn. Đây mới là bước khởi đầu cho con. Nên chị càng phải cố gắng. Bản năng làm mẹ mách chị phải cứu con đặng hòa nhập với cuộc sống! Chị không ngại gian khổ, chỉ mong con mình bình thường như con người ta”.
Bản thân chị biết chồng nghĩ cho vợ con nhưng là một người mẹ, chị cần phải cố gắng. Mỗi người phụ nữ, mỗi người mẹ đều có một câu chuyện. Và câu chuyện của chị là đồng hành cùng cậu con trai 3 tuổi chiến đấu với hội chứng tự kỷ mà không một lời oán thán, kêu ca.
Ấy vậy mà 11 tháng ròng rã cũng trôi qua như chớp mắt…
“Hoàng tử bé” trong lớp học của trẻ chuyên biệt
Ở lớp, M. được các cô gọi với biệt danh “hot boy” vì có nước da trắng, gương mặt bầu bĩnh, cặp má phúng phính cùng đôi mắt đen mở to.
Lớp học của M. chỉ có 9 bạn. Mùa hè này, M. và một người anh hơn 2 tuổi sẽ được ra trường vì sự tiến bộ trong suốt quá trình được các cô can thiệp về hành vi và ngôn ngữ.
Cô Tuyết – giáo viên phụ trách lớp học cho biết: “Cả trường ai cũng yêu quý em bé M. cả. Tiếp xúc với M. không ai là không cảm mến em từ lần gặp gỡ đầu tiên. Ngày mới đi học, M. vẫn chưa nhận thức được nhiều nhưng biết khóc thút thít khi nhớ mẹ. Sau vài tuần M. đã bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh. Biểu cảm gương mặt của em cũng sinh động hơn!”
Trong cuộc trò chuyện với cô Tuyết tại giờ tâm vận động cho lớp, thỉnh thoảng vẫn có những bé không kiểm soát được hành vi, lao đến liên tục đòi được chụp ảnh và xem ảnh của chính mình. Có bé còn lao đến ôm chặt người viết toan tốc hết váy áo. Cô Tuyết cho biết, bé này bị rối loạn hành vi giới tính. Nhưng khi các cô bảo: “Không được!", bé sẽ biết và dừng lại ngay.
Việc cùng cha mẹ ra thế giới bên ngoài đối với trẻ tự kỷ ở đây là một điều xa xỉ. Các em không kiểm soát được hành vi của mình, liên tục hoạt động. Có em sẽ tự làm đau cơ thể mình mà không thể nhận thức. Trường hợp của M. sau thời gian can thiệp đã có những tiến bộ rõ rệt, cô Tuyết chia sẻ.
Vốn ngôn ngữ của M. đã phong phú hơn, em biết cách giao tiếp cùng cô, các bạn và mọi người xung quanh. Khi tham gia các hoạt động ở lớp, em biết nắm tay bạn cùng dắt đi.
“Bé M. sắp tốt nghiệp rồi nên các cô cũng nhớ lắm. Nhưng như vậy là thành công của các cô. M. có thể trở về đi học bình thường với bạn bè được rồi! Không biết có còn nhớ nơi này không!” – cô Tuyết vừa cười vừa ôm M. trìu mến.
M. là cậu bé may mắn khi được mẹ phát hiện sớm để kịp thời can thiệp, khắc phục hội chứng tự kỷ. Bằng tấm lòng của một người mẹ, chị D. muốn kể cho những bà mẹ khác nghe về quá trình cùng con chiến đấu với hội chứng này và muốn nhắn nhủ chỉ một câu đơn giản: “Các mẹ hãy cố gắng quan tâm con nhiều hơn! Chú ý quan sát con để nhận ra những dấu hiệu bất thường có nguy cơ xảy đến!”
Rồi đây, chị D. sẽ lại đưa con đến lớp, nhưng là lớp mẫu giáo trường làng. M. lại tiếp tục hát, kể chuyện và đọc thơ cho mẹ nghe để bù đắp lại quãng thời gian mẹ D. đẫm mồ hôi vất vả.
“Người tưởng chừng ở thế giới nào, bỏ đi rồi nhưng các em lại trở về thế giới hiện tại….”
Đó là lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Thùy – Hiệu trưởng trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí. Cô cho biết, đối với người bị bệnh tự kỷ, thời gian điều trị thường tính bằng đơn vị năm. Một năm, ba năm, năm năm, mười năm, thậm chí là cả đời…. Có trẻ không thể nhận thức được thì các cô vẫn can thiệp dạy các em những công việc tự chăm sóc bản thân.
Trường hợp của bé M. là ca điều trị thành công đáng mừng. Trong vòng 1 năm, não bộ của em đã có sự điều chỉnh về vùng ngôn ngữ và hành vi theo trật tự.
Cô Thùy cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân vừa được các nhà khoa học phát hiện ra là do mờ nhiễm sắc thể số 5. Việc can thiệp sớm ở những trẻ này cực kỳ quan trọng và cần thiết.
“Ngày nay y học hiện đại quá, những đứa trẻ sinh non 28 tuần vẫn được các y bác sĩ cứu sống. Tuy nhiên, não bộ các em chưa hoàn thiện dẫn đến việc gây rối loạn chức năng sau này. Việc người mẹ đang mang thai căng thẳng triền miên, bao nhiêu máu nuôi não bộ mẹ làm cơ thể con thiếu hụt dưỡng chất cũng dẫn đến việc con phát triển không bình thường… Càng sớm càng tốt, các bà mẹ phải cho con đi điều trị ngay!” – cô Thùy thông tin.