Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người

Xã hội 22/02/2018 07:23

Đánh xong đôi giày cho khách, tôi đói lả, khụy xuống. Thấy tôi như vậy, một người lao công gần đó đã tặng tôi chiếc bánh mỳ chị vừa mua với giá 10 nghìn đồng. Cầm chiếc bánh trong ngày đầu năm mới, tôi xúc động vô cùng”, anh Hoàng Xuân Thành, một bệnh nhân chạy thận, kể.

Chúng tôi đến thăm xóm trọ đặc biệt ở 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào một ngày cuối năm. Người ta gọi nơi đây là "xóm chạy thận" vì nhiều năm qua, những bệnh nhân suy thận mãn tính đã tập trung về đây, thuê nhà sinh sống để chạy thận theo định kỳ.

Ở đây có 121 bệnh nhân đồng nghĩa với 121 mảnh đời khác nhau. Họ cùng ăn, ở, chạy thận với khát vọng kéo dài sự sống.

Đánh giày để mưu sinh, chữa bệnh

Thuê căn nhà trọ đầu ngõ là bà Nguyễn Thị Oanh (64 tuổi, quê Hải Dương) lên Hà Nội chạy thận đã 9 năm nay.

Đôi mắt hoe đỏ, bà Oanh kể: “Ở đây ai cũng một thân một mình chống chọi với bệnh tật. Cô đơn và tủi thân nhưng chúng tôi phải chấp nhận. Căn bệnh này không phải điều trị ngày một, ngày hai, không có điều kiện thay thận thì phải chạy suốt đời.

Mấy tháng đầu, chúng tôi còn có người nhà chăm sóc nhưng về sau người thân cũng về. Chúng tôi ở đây vừa chữa bệnh vừa tranh thủ đi làm thêm. Có người thì đi làm nghề thu mua đồng nát, có người chạy xe ôm, người trẻ hơn thì đi đánh giày”.

Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Oanh (64 tuổi, quê Hải Dương). Ảnh: Diệu Bình

Anh Hoàng Xuân Thành (SN 1985, quê Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng chạy thận đã hơn 7 năm qua. 

Một ngày cách đây 7 năm đang khỏe mạnh, anh bỗng nhiên bị đau đầu, mệt mỏi. Lên Hà Nội khám, anh được các bác sĩ kết luận bị suy thận phải nhập viên gấp.

Kể từ đó, cuộc đời của anh gắn liền với những tháng ngày mệt mỏi vì chạy thận triền miên. Thương con đau yếu bệnh tật, bố anh từ quê lên Hà Nội để chăm sóc, đỡ đần con trai.

“Lúc biết mình bị bệnh, tôi đau đớn lắm. Từ một thanh niên khỏe mạnh, tôi bỗng nhiên trở thành gánh nặng cho gia đình.

Ở quê, bố mẹ tôi chỉ làm ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Vì thế được một thời gian, bố tôi cũng phải về để đi làm chứ không thể sống cùng con ở đây mãi được.

Mỗi tháng tôi mất 1,5 triệu tiền thuê nhà trọ nên phải đi đánh giày kiếm sống. Lúc đau ốm quá thì nhờ hàng xóm dìu tới viện”, anh Thành chia sẻ.

Theo đó, hàng ngày anh Thành dành khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ để mang bộ đồ nghề đánh giày lang thang các khu phố Hà Nội để mưu sinh. Có những ngày bụng đói, tay đau, anh chỉ kiếm được 50 nghìn đồng.

“Có ngày may mắn hơn tôi tìm được người đồng ý đánh giày nhưng khi đánh giày xong họ kiếm cớ chê bai rồi quỵt tiền.

Tôi nhớ nhất là lần đánh mấy đôi giày cho những vị khách ở một con ngõ gần khu Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tôi đánh những đôi giày rất cẩn thận thế mà khi nhận lại, họ đuổi tôi và không chịu trả tiền”, người bệnh nhân nói.

Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người - Ảnh 2
Anh Hoàng Xuân Thành (SN 1985, quê Thanh Sơn, Phú Thọ). Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên người đàn ông này cũng tâm sự bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên gặp những vị khách tốt bụng.

“Họ biết tôi bệnh tật nên rất thương. Mỗi lần thấy tôi, dù giày chưa bẩn nhưng họ vẫn gọi vào để đánh giày. Có người đánh giày chỉ hết 10.000 đồng nhưng sẵn sàng chi 200.000 đồng cho tôi”, anh Thành cho biết.

Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là khi anh đi làm trong một ngày đầu năm mới cách đây 2 năm.

“Sau khi chạy thận vào buổi sáng, buổi chiều tôi tranh thủ đi đánh giày. Vì là ngày đầu năm nên khách thường đi chơi nhà họ hàng và thăm thú chùa chiền. Tôi nhìn cảnh đó mà chạnh lòng nghĩ đến gia đình mình ở quê nhà.

Tuy nhiên tôi cố gạt bỏ hết mọi tâm sự để làm việc. Khi tôi đánh xong đôi giày cho khách thì bỗng nhiên người lả đói, khụy xuống.

Thấy tôi như vậy, một người lao công đang quét rác gần đó đã đến gần và tặng một chiếc bánh mỳ chị vừa mua với giá 10.000 đồng trước đó để ăn trưa. Cầm chiếc bánh mỳ trong ngày đầu năm mới, tôi thấy xúc động vô cùng”, anh Hoàng Xuân Thành kể lại. 

Nên duyên từ 'xóm chạy thận'

Bên cạnh nhưng nỗi buồn của xóm chạy thận, những người ở con ngõ 121 Lê Thanh Nghị còn kể về những mối tình đẹp nên duyên từ nơi bệnh tật này.

Đó là cặp vợ chồng chị Vương Hoàng Anh (SN 1984, quê Hải Dương) và anh Trần Văn Học (SN 1983, quê Nam Định).  

Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người - Ảnh 3
Anh Học và chị Hoàng Anh. Ảnh: Thanh Hải

4 năm trước, họ cùng chạy thận ở bệnh viện. Tuy cùng phòng bệnh nhưng hai người không mấy chú ý tới nhau. Đến một lần họ đi chơi với nhóm bạn ở xóm chạy thận mới chính thức quen nhau.

Chị Hoàng Anh tâm sự: “Bản thân tôi cũng biết mang căn bệnh suy thận trong người là không còn nhiều thời gian nữa, nên khi thấy anh Học cùng hoàn cảnh, tôi thương anh vô cùng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là tình thương giữa những người cùng mắc trọng bệnh mà thôi.

Sau lần cả nhóm đi chơi, hát hò về tôi quyết định chuyển chỗ ở tại nhà người quen để đến xóm trọ này. Khi tôi đến, anh Học đã cầu hôn tôi. Lời cầu hôn của anh khiến tôi bất ngờ và suy nghĩ rất nhiều, vì hạnh phúc nhưng cũng vì tủi thân.

Tôi nghĩ không sống được bao lâu thì lấy nhau chỉ đem lại muộn phiền, vất vả cho nhau nhưng anh ấy nói cả hai cùng hoàn cảnh sẽ đồng cảm để chia sẻ với nhau”.

Món quà đầu năm từ nữ lao công khiến bệnh nhân chạy thận lặng người - Ảnh 4
Chị Hoàng Anh đnag trò chuyện với người dân trong xóm trọ. Ảnh: Thanh Hải

Sau đó, họ cùng về một nhà. Hàng ngày, anh Học chở chị Hoàng Anh tới bệnh viện chạy thận, rồi cùng nhau trở về tổ ấm.

Qua 4 năm, tình cảm của họ càng ngày càng gắn chặt và được gia đình hai bên ủng hộ.

Chia sẻ về chuyện làm đám cưới, chị Hoàng anh tâm sự: “Với những người khác, họ có nhiều thời gian sống bên nhau để mà thương yêu, giận dỗi còn chúng tôi thì khác.

Chúng tôi biết thời gian không còn nhiều nên kể từ ngày gặp nhau, chúng tôi luôn tâm niệm tình cảm là quan trọng nhất. Đám cưới hay tờ đăng ký kết hôn không có nhiều ý nghĩa với cả hai".

Xót cảnh những người con xa xứ khóc nức nở vì Tết không thể về quê

Trong khi hàng triệu người Việt đang tận hưởng những ngày Tết ý nghĩa bên gia đình thì ở một đất nước xa lạ, có những người con không thể trở về, sum họp với người thân.

TIN MỚI NHẤT