Lý giải tâm lý 'ác phụ' đầu độc xyanua ở Đồng Nai: Nhắm vào cả những cháu nhỏ vô tội, 'ảo' quyền lực nên giết người 'quen tay'

Xã hội 09/07/2024 10:01

Vì tội ác lần đầu trót lọt nên Nguyễn Thị Hồng Bích tiếp tục giết người để trừng phạt những người mà mình không vừa ý.

Theo thông tin từ Tạp chí Người Đưa Tin, những ngày qua, vụ án Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) gây ra vụ án sát hại chồng cùng nhiều cháu nhỏ do những mâu thuẫn trong gia đình với bố mẹ các cháu khiến dư luận bàng hoàng.

Vụ án rúng động xảy ra, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi như: Tại sao trong vụ án, nghi phạm liên tục sát hại nhiều người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ? Vì sao đối tượng lại “ra tay” những cháu nhỏ không có mâu thuẫn với mình?...

Lý giải tâm lý 'ác phụ' đầu độc xyanua ở Đồng Nai: Nhắm vào cả những cháu nhỏ vô tội, 'ảo' quyền lực nên giết người 'quen tay' - Ảnh 1
Bích xuống tay với cả những đứa cháu vô tội - Ảnh: Dân Trí

Lý giải về những vấn đề trên, Th.s luật Lê Bảo Ngọc, tác giả sách “Chuyện tâm lý trong phòng pháp lý" cho hay, trong vụ án trên, nghi phạm Bích có sự phát triển tâm lý tội phạm trong một thời gian dài. 

Người đầu tiên bị đầu độc chính là chồng với lý do mâu thuẫn trong gia đình. Bích khai rằng, chồng cờ bạc. Vụ đầu độc giết chồng này là dấu mốc đầu tiên trong hành trình phạm tội của Bích. 

Khi một người phạm tội lần đầu, ngay cả khi đã lên kế hoạch kỹ lưỡng thì vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, sự việc không bị bại lộ, mọi người tin rằng chồng Bích chết do bệnh tật. 

Điều này đã giúp Bích tự tin hơn, cảm thấy giết người rất dễ dàng, hơn nữa cô ta còn nhận được tiền bảo hiểm để tiêu xài. Khi gây án quá thuận lợi và không bị phát hiện, người phạm tội sẽ có “ảo tưởng” rằng phương thức gây án là hoàn mỹ và nảy sinh tâm lý kiêu ngạo. 

Lý giải tâm lý 'ác phụ' đầu độc xyanua ở Đồng Nai: Nhắm vào cả những cháu nhỏ vô tội, 'ảo' quyền lực nên giết người 'quen tay' - Ảnh 2
Giết chồng trót lọt, Bích tiếp tục ra tay tàn nhẫn với nhiều người thân trong gia đình - Ảnh: Dân Trí

Sau khi phạm tội lần đầu, tâm lý phạm tội của con người sẽ phát triển theo hai hướng. Thứ nhất, chuyển biến lành tính (không tiếp tục gây án) hoặc phát triển ác tính (tiếp tục phạm tội). 

Ở đây, Bích thuộc trường hợp thứ hai. Vì tội ác lần đầu trót lọt nên cô ta tiếp tục giết người để trừng phạt những người mà mình không vừa ý. 

Khác với sự đấu tranh tâm lý khi lần đầu gây án, những lần sau, thủ phạm sẽ ngày càng quen tay. Cảm giác tự tin tăng lên, nỗi lo lắng ngày càng ít đi, ràng buộc đạo đức cũng giảm. 

Điều này tạo nên sự ổn định tâm lý khi phạm tội, không còn thấy sợ hãi hay tội lỗi, đồng thời sinh ra cảm giác quyền lực, sẵn sàng ra tay vì những mâu thuẫn vặt.

Cần lưu ý trong vụ án, Bích có mâu thuẫn với chị dâu và em gái. Thay vì trực tiếp đầu độc hai người đó, Bích chọn cách đầu độc con của họ. Đây không chỉ là hành vi trút giận mà còn mang ý đồ hành hạ tâm lý. 

Bích muốn chứng kiến cảnh chị dâu và em gái đau đớn vì mất con và tận hưởng cảm giác thỏa mãn khi hai người đó không biết là mình hại. Ngoài ra, những người cháu còn nhỏ nên dễ dụ dỗ hơn. Trong vụ án, Bích và các cháu không phải người có mâu thuẫn trực tiếp nên điều đó giúp cô ta có thể tránh khỏi nghi ngờ.

Lý giải tâm lý 'ác phụ' đầu độc xyanua ở Đồng Nai: Nhắm vào cả những cháu nhỏ vô tội, 'ảo' quyền lực nên giết người 'quen tay' - Ảnh 3
Trước khi tước đoạt mạng sống của chồng và hai cháu ruột, Bích thường xuyên chia sẻ hình ảnh hạnh phúc lên mạng xã hội - Ảnh: VTC News

Th.s Lê Bảo Ngọc cho biết, đầu độc là một trong những phương thức gây án phổ biến của nữ giới. Do sự khác biệt về tâm lý và thể lực nên hoạt động phạm tội của phụ nữ có sự ảnh hưởng rõ rệt của đặc điểm giới tính, đặc biệt là trong các tội phạm bạo lực. 

Hành vi đầu độc là cố ý, không phải vô ý. Đặc điểm của tội phạm đầu độc là trước khi giết nạn nhân, thủ phạm đã có thời gian chuẩn bị kế hoạch, chọn thuốc độc, chọn thời điểm thích hợp, chờ nạn nhân ăn uống đồ có độc. Đây chính là quãng thời gian để cân nhắc xem có nên giết người hay không, nên một khi xuống tay thì tội phạm đã chắc chắn về quyết tâm giết người.

Người thường xuyên thực hiện cùng một tội ác thường sẽ hình thành đặc điểm riêng về cách thức, phương pháp, phương tiện phạm tội – tức là hành vi gây án của họ đã có tính cá nhân hóa và lặp lại thói quen. 

Những đặc điểm này mang tính nhất quán, tương tự nhau, đồng thời phương thức gây án sẽ tiếp tục được cải thiện và nâng cấp theo quá trình tích lũy kinh nghiệm phạm tội. Như vụ án trên, Bích thực hiện tội ác ngày càng tự nhiên, chuyên nghiệp hơn. 

Như đã đưa tin trước đó, theo báo Dân Trí, ngày 5/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về tội Giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai nhận thông tin tố giác từ quần chúng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh Nguyễn Thị Hồng Bích liên quan đến bệnh của người cháu ruột.

Lý giải tâm lý 'ác phụ' đầu độc xyanua ở Đồng Nai: Nhắm vào cả những cháu nhỏ vô tội, 'ảo' quyền lực nên giết người 'quen tay' - Ảnh 4
Sau thời gian tích cực điều trị, lọc máu, nạn nhân trong vụ nghi bị đầu độc bằng chất xyanua ở tỉnh Đồng Nai xuất viện ngày 8/7 - Ảnh: Lao Động

Theo thông tin điều tra ban đầu, do mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, Bích đã mua Xyanua để đầu độc cháu ruột là N.H.B.T. (SN 2006, trú tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch).

Liên quan đến cái chết của 5 người trong gia đình trước đó, đến nay, Bích đã thừa nhận dùng Xyanua đầu độc khiến 3 người tử vong, gồm chồng, 2 cháu. Công an tỉnh Đồng Nai đang làm rõ 2 trường hợp tử vong còn lại là cha ruột và con trai Bích.

Xuống tay giết người thân bằng xyanua: Bi kịch từ suy nghĩ mù quáng, rùng mình chất kịch độc được bán công khai, dễ như mua... rau

Vô cớ giết người ngoài còn không lý giải nổi, huống hồ tới người thân nhất trong gia đình là chồng và con ruột mà đối tượng còn dám hạ độc.

TIN MỚI NHẤT