Làng cổ Kẻ Vẽ, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nôi nổi tiếng với truyền thống khoa bảng qua nhiều thế hệ, hiện vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm.
- Đến Hà Nội dịp lễ 30/4 - 1/5 không thể bỏ qua 5 điểm check-in mang đậm dấu ấn lịch sử
- Bé 7 tháng tuổi bị viêm phổi, suy hô hấp cấp do sởi biến chứng
Làng Kẻ Vẽ – ngôi làng cổ có truyền thống khoa bảng
Làng cổ Kẻ Vẽ thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là một trong những ngôi làng cổ kính, giàu truyền thống văn hóa – hiếu học bậc nhất Thủ đô. Với lịch sử hơn 500 năm, nơi đây nổi bật không chỉ bởi kiến trúc cổ độc đáo mà còn bởi những đóng góp lớn lao cho nền giáo dục và văn hóa nước nhà.
Làng sở hữu hệ thống di tích phong phú như đình, chùa, nhà thờ họ và nhiều ngôi nhà cổ. Nổi bật là Đình Vẽ – trung tâm tâm linh và văn hóa của làng được xây từ thời nhà Lê. Đình mang dáng dấp hình rồng đặc biệt: Tam quan ngoại là đầu rồng, hai giếng tròn tượng trưng cho mắt rồng, còn các mái đình tạo hình thân rồng. Bên trong còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ tranh sơn màu thời Lê, chuông đồng đúc năm 1833 và 45 đạo sắc phong cổ.

Ngoài các công trình tâm linh, làng còn có hàng chục ngôi nhà cổ, nhiều căn có tuổi đời hơn 100 năm, mang kiến trúc pha trộn giữa truyền thống Việt và phong cách Pháp. Những công trình này được người dân gìn giữ cẩn trọng như một phần hồn cốt làng quê.
Đông Ngạc còn nổi danh là “làng tiến sĩ”, gắn với câu ca: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Tính đến hết thời Nguyễn, làng có 21 tiến sĩ văn, 1 tiến sĩ võ và nhiều cử nhân, tú tài. Các danh nhân tiêu biểu có thể kể đến như Phan Phu Tiên, Hoàng Minh Giám, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Thế Giai... Những người con ưu tú này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc.

Truyền thống hiếu học còn được thể hiện ngay trong kiến trúc từ cổng làng, cổng ngõ đến cổng nhà đều mang hình dáng tháp bút – biểu tượng của tinh thần học tập. Có tích kể rằng, học trò làng xưa ngồi đọc sách dưới cổng đông như hội, khiến người dân ví von là “Đống Ếch” – vì tiếng đọc vang lên râm ran như tiếng ếch kêu.
Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều di tích và nhà cổ ở Đông Ngạc đang xuống cấp. Dù vậy, người dân vẫn chủ động đóng góp, tu bổ và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng đề án bảo tồn và khuyến khích người dân lập hồ sơ công nhận di tích, nhằm có cơ sở pháp lý để bảo vệ di sản.
Ông Lê Văn Đôn – Trưởng ban Di tích Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Kẻ Vẽ là vùng đất ‘địa linh nhân kiệt’, từ thời Lê đến Nguyễn đã có tới 26 tiến sĩ, nhiều người đỗ liền hai khoa như cụ Phan Phu Tiên. Hiện nay, dù quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ, nhưng làng vẫn còn khoảng gần 100 căn nhà cổ, trong đó có ngôi nhà xây từ năm 1605 và nhà cụ Hoàng Tướng Hiệp được vua ban vẫn được các thế hệ của dòng họ Hoàng gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay.”


Làng cổ Kẻ Vẽ không chỉ là một điểm đến hấp dẫn về văn hóa – du lịch, mà còn là biểu tượng sống động của truyền thống hiếu học và tinh thần gìn giữ di sản của người Hà Nội. Bảo tồn Kẻ Vẽ cũng chính là gìn giữ một phần căn cốt văn hóa Thăng Long – Hà Nội trong dòng chảy hiện đại hôm nay.