Từ chàng trai tài năng, cú tai nạn bất ngờ khiến tương lai anh Hải đột ngột khép lại, sống thực vật gần 9 năm ròng. 9 năm ấy là hành trình tình yêu vô bờ bến...
- Xót xa cảnh 2 con gái oằn mình trên giường bệnh sau vụ tai nạn mẹ ra đi mãi mãi
- Bị xe tông nguy kịch tính mạng khi đang giúp người bị tai nạn
Hôm nay là ngày đầu tiên của năm thứ 9, anh Trần Văn Hải (35 tuổi, thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) phải sống cuộc đời tàn phế sau cú tai nạn tàu hoả bất ngờ.
9 năm ấy là hành trình tình yêu vô bờ bến của cha mẹ dành cho anh, là sự kiên trì bền bỉ đến kinh ngạc và chứa đựng cả những điều diệu kỳ.
Bạc đầu sau 1-2 đêm vì nghĩ con sẽ chết
Không kể trời rét buốt hay mưa rào, sau công việc ở trường cấp 2, những ngày này, bác Trần Văn Công (61 tuổi, bố anh Hải) vẫn hàng ngày đi xe máy từ Mỹ Đức lên BV Bạch Mai vào mỗi chiều tối để cùng vợ tắm rửa và ngủ lại với con trai.
Chiếc giường quá nhỏ chỉ đủ cho con trai và vợ ngủ. Bác Công lấy tạm xe lăn của con, kê thêm chiếc ghế dưới chân để ngủ tạm, cứ thế 2 tuần nay.
Bác kể, từ khi bị tai nạn ngày 10/1/2010 đến nay, đây là BV thứ 5 anh Hải ở lại điều trị. Chuỗi ngày nằm viện - về nhà vẫn cứ lặp lại nhưng chưa bao giờ bác dâng trào hy vọng như lần này.
Giọng đầy tự hào, bác Công kể, anh Hải từng là học sinh lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ĐH Bách khoa Hà Nội ngành cơ khí, anh Hải đạt giải nhất tư vấn viên giỏi toàn quốc và trở thành trưởng phòng kĩ thuật của một hãng xe lớn tại VN khi mới 27 tuổi.
Song hạnh phúc quá ngắn. Chưa đầy 3 tháng sau kết hôn, vợ chồng anh Hải gặp tai nạn trên đường đi xe máy về quê ngoại lễ Tết. Cú tông mạnh khiến anh Hải bất tỉnh, được chuyển vào BV E cấp cứu rồi chuyển tiếp sang BV Việt Đức trong tình trạng chảy máu lan toả, vỡ trán, tai gần đứa lìa. Vợ anh Hải bị gãy xương đùi cũng phải phẫu thuật.
Khi đó, điểm hôn mê glasgow của anh Hải xuống rất thấp, chỉ còn 3-4 điểm, máu chảy nhiều không thể phẫu thuật. Sau đó phải mở khí quản, nằm hồi sức tích cực, thở máy 3-4 tháng ròng, mỗi ngày 10 triệu nhưng vẫn bất động.
“Những ngày đầu tiên, tôi không dám để vợ nhìn con vì sợ bà ấy sẽ ngất. Cú sốc bất ngờ khiến tôi ngồi khóc lặng cả đêm, không ngủ được. Sau 1-2 đêm tóc bỗng bạc trắng, tiều tuỵ đến không thể nhận ra vì nghĩ con mình sắp chết”, lời bác Công.
Hành trình kiên trì khiến cả xã bất ngờ
2 năm sau đó, anh Hải được chuyển qua BV 103, 198, 108, Bạch Mai để điều trị nhưng lần nào cũng chỉ được từ 1-2 tháng lại phải ra viện, phần vì hết tiền, phần vì BHYT không cho nằm lâu.
Nghĩ nếu về quê con sẽ chết, bác Công cùng vợ luân phiên xin nghỉ dạy, thuê nhà trọ tại Từ Liêm để con nằm lại, hàng ngày thuê bác sĩ đến tiêm bổ não, tập vật lý trị liệu và thay ống xông.
Ròng rã 2 năm trời, anh Hải vẫn nằm bất động, ăn xông qua ống, người liên tục co giật nên phải buộc tay chân 4 góc giường.
Bác Hương (59 tuổi, mẹ anh Hải, giáo viên mầm non) kể thêm, một ngày nọ, có bạn của vợ đến thăm, nghe lại bài hát quen thuộc vợ mở và những lời hỏi han, anh Hải bỗng nhiên khóc nấc lên, bừng tỉnh. Cả nhà ôm nhau khóc nức nở.
Đang kể đến đây, anh Hải bỗng trào nước mắt, giơ tay muốn giải thích thêm. Nói từng tiếng khó nhọc, nhờ mẹ dịch: “Mẹ có biết vì sao con khóc không? Vì con thương Phương quá (vợ anh Hải)”.
Sau ngày đó, gia đình đưa anh Hải về quê tự điều trị, ngày ngày 2 bà mẹ xay cháo bơm cho anh Hải 8 bữa. Ngoài giờ dạy học, cứ hễ nghe ai mách ở đâu là bố mẹ anh Hải đưa con đến chữa.
Vợ chồng ông giáo từng đưa con vào tận Hà Tĩnh từ 4h sáng, thuê trọ gần 2 năm ròng để xoa bóp bấm huyệt cho con. Sau đó có hơn 1 năm bốc thuốc nam, bấm huyệt của thầy gần nhà. 5 năm trôi qua, anh Hải vẫn chỉ nằm.
2 năm sau đó, bố mẹ tiếp tục thuê người đến nhà tập luyện rồi theo chữa ông lang gần nhà và đón thêm một thầy lang khác từ Cao Bằng xuống với hy vọng tràn trề.
“Có hôm trời tối, 3 người lai nhau trên xe máy đến nhà thầy bấm huyệt, không may bị ngã xuống vực sâu khiến tôi bị gãy tay còn bố Hải bị rạn xương sống”, bác Hương kể.
Cứ thế 8 năm qua, có được đồng nào cha mẹ anh Hải đều dành hết cho con chữa trị. Căn nhà nhỏ cũ kĩ không có đồ đạc gì cũng được đem đi cầm cố để vay ngân hàng. Đến nay chi phí đã hết hơn 2 tỷ đồng, đến tháng sau sẽ đến hạn trả.
Bố anh Hải chia sẻ, tài sản lớn nhất của gia đình hiện nay là chiếc xe Wave mua năm 2009 từ phần lương chắt chiu của anh Hải gửi tặng bố mẹ.
Từ chỗ nằm liệt giường, anh Hải dần ngồi dựa được vào xe lăn. Mới đây bạn bè biết tin nên chuyển tiếp anh Hải lên TT Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai để điều trị. Thương bố mẹ, thương vợ, anh Hải đang quyết tâm tập luyện từng ngày. Dù ngủ hay thức, lúc nào anh Hải cũng đeo chiếc đồng hồ vợ tặng bên mình.
TS Đỗ Đào Vũ, Phó GĐ TT Phục hồi chức năng cho biết, anh Hải bị di chứng nặng sau tai nạn. Gặp lại sau 8 năm, bản thân anh cũng bất ngờ vì hầu hết các trường hợp sống thực vật như vậy nếu không chăm, không kiên trì chỉ sống được 1-2 năm rồi tử vong.
Anh Hải hiện vận động khó khăn do tăng trương lực cơ, co cứng, đụng dập não lan toả nên bị liệt cả 2 bên nhưng bên trái nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, sau hơn 2 tuần điều trị, từ chỗ ngồi phải dựa ghế, giờ anh Hải đã có thể ngồi thẳng, rồi tập nói, tập viết đến tập đứng, tập đi, dù từng chút nhưng nhẫn nại và kiên trì khiến cả xã đều bất ngờ.
“Đây là trường hợp mà người nhà và bệnh nhân có quyết tâm, tâm huyết và hy vọng rất lớn khiến chúng tôi rất khâm phục. Mục tiêu của gia đình và chúng tôi là làm sao để chàng trai tài năng và nghị lực ấy có thể tự phục vụ tốt các nhu cầu cá nhân, đó đã là điều hạnh phúc lắm rồi”, BS Vũ chia sẻ.
Tuy nhiên anh cho biết, sẽ cần thêm nhiều thời gian, ít nhất trong hơn 1 năm nữa và cần thêm chi phí do BHYT chỉ thanh toán trong trần giới hạn.
“
Mọi đóng góp ủng hộ anh Hải có thể gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Cô Định Thị Minh Hương, trú tại thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. ĐT: 0983.878.382
Số tài khoản: 2205205024158, chủ TK: Đinh Thị Minh Hương, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank, chi nhánh Mỹ Đức.
“