Mới đây, Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an đã đưa ra một số góc nhìn để giải mã về động cơ gây án, cũng như biện pháp ngăn chặn đối với hành vi bạo hành trẻ em.
- Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Dì ghẻ bị khởi tố tội 'Giết người', bố ruột dự sẽ phải đối mặt với tình huống pháp lý nào?
- NÓNG: Công an TP.HCM quyết định khởi tố bổ sung tội 'Giết người' và 'Che giấu tội phạm' trong vụ bé gái 8 tuổi tử vong
Theo chia sẻ thông tin từ báo Doanh nghiệp và tiếp thị, Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tàn ác trong các vụ việc bạo hành bé gái 8 tuổi vừa qua là hậu quả từ sự khởi phát "sân" và "si" trong người phạm tội.
Cụ thể, việc người phạm tội không biết trẻ em thuộc đối tượng được bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật, người lớn có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ cho sự phát triển bình thường, lành mạnh của các con. Đồng thời, họ cũng không biết rằng việc tác động cơ học vào cơ thể còn non nớt, khả năng chịu đựng hạn chế sẽ rất dễ để lại những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, trong đó nguy cơ tử vong là rất cao.
Cùng với đó, họ không biết đến "tứ giác quản lý cảm xúc", gồm kiểm soát "tâm, thân, khẩu, ý" để kiềm chế không bùng nên cơn giận dữ và có hành động nguy hiểm mỗi khi trẻ mắc lỗi hay gặp điều trái ý. Khi án mạng đã xảy ra, cơn "sân hận" lắng xuống, đối diện với hậu quả chết người, tù tội, nhiều người mới thấy sợ hay ăn năn, nhưng đã muộn.
Nguyên nhân tiếp theo khiến việc bạo hành với trẻ diễn ra trong suốt thời gian dài chính là sự vô cảm của những người xung quanh. Nhiều người vẫn mang quan niệm việc dạy con là chuyện nhà người ta, xen vào là không được phép, cũng có thể là do suy nghĩ có "rỗi hơi" mới lo chuyện bao đồng. Điều này khiến cho các hành vi bạo hành gia đình với phụ nữ, trẻ em không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn duy trì nếp suy nghĩ kỷ luật bằng bạo lực với trẻ em là điều cần thiết. Nhiều người viện dẫn câu xưa "thương cho roi, cho vọt" để giải thích cho thói quen dùng vũ lực, đòn roi mỗi khi trẻ nghịch ngợm, trái ý hay kết quả học tập không như mình mong muốn. Tuy nhiên, ranh giới giữa dạy bảo và trút giận rất mong manh. Do đó, những gì có tính chất tàn tích cổ hủ, đi ngược lại với quyền cơ bản của con người, cần phải thay thế, loại bỏ. Trong đó, việc lạm dụng đòn roi để giáo dục con người thay vì tình thương yêu của cha mẹ, là vi phạm đạo đức và pháp luật về quyền trẻ em.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.