Hành khách ngồi ngổn ngang dọc lối đi giữa xe; 2-3 người lớn chung một chiếc giường bé xíu; khi công an kiểm tra, hành khách phải trốn trong nhà vệ sinh.., đó là hình ảnh trên chuyến xe giường nằm trở lại thủ đô sau kỳ nghỉ lễ.
- Hà Nội: 3 người ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đúng dịp nghỉ lễ 30-4
- Hà Nội: Khói lửa khét lẹt từ tiệm cắt tóc sâu trong hẻm khiến nhiều người dân hoảng loạn
Sáng 1/5, tại các cùng đường quốc lộ 1A qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá,… hàng nghìn hành khách đổ xô bên đường tìm bắt xe các tuyến ra các tỉnh phía Bắc.
Lên chiếc xe nằm chất lượng cao của nhà xe Kha Sơn có lộ trình từ Nghệ An ra Hà Nội, phụ xe xếp cho người viết và một số hành khách vị trí cuối cùng dọc hai bên hàng lang của xe.
Tưởng rằng với số khách chật cứng, chiếc xe sẽ chạy thẳng. Tuy nhiên, chưa đầy 10 phút sau, tài xế tiếp tục tấp vào lề đường đón thêm nhiều hành khách khác và bắt đầu ghép gường. Có gường ghép đến 3 người khách.
Nhà xe muốn kiểm tra, thu tiền vé phải đu bám trên thanh đỡ giường nằm tầng hai. Không ít phụ nữ nôn ói, mệt lả. Giá vé bình thường 200 nghìn đồng/người ngày lễ bị nâng lên 250 nghìn đồng/người dù nằm gường hay lối, nằm hay ngồi.
Để vận hành những “chuyến xe bão táp”, tha hồ chèn ép, nhồi nhét hành khách mà không bị phản ứng, chỉ cần khi lên xe hành khách nào có ý kiến hay phản ứng lập tức bị nhà xe này “hỏi thăm” hoặc đuổi thẳng xuống xe.
Chuyến hành trình khá dài từ Nghệ An ra Hà Nội, các tài xế xe khách và cánh lơ xe dùng khá nhiều chiêu để né công an. Các xe chạy ngược chiều nhau thường có những ký hiệu bằng tay để báo cho nhau biết phía trước có CSGT làm việc hay không.
Khi qua những điểm đó, hành khách ngồi ở hành lang bị lơ xe lùa vào một chỗ khuất của xe hoặc nằm sát xuống sàn tránh tầm quan sát từ bên ngoài.
Em Trần Đình Khánh, sinh viên trường Đại học Thương Mại, Hà Nội bức xúc cho biết: “Lần nào cũng vậy, cứ vào thời điểm lễ, tết em đi xe về lúc nào cũng bị nhồi nhét hai, ba người ngồi một ghế. Lúc em lên ở bến thì được ngồi một ghế thế nhưng hễ cứ rời bến được một đoạn là nhà xe bắt đầu bắt khách. Tiền xe thì tăng cao mà chỗ ngồi thì chật chội”.
Tình trạng khách hàng quá tải không chỉ xảy ra ở nhà xe Kha Sơn, ở các bến xe Hà Tĩnh, Bến xe Vinh, người dân chen lấn, xô đẩy nhau để mua vé đi vào các tỉnh phía bắc. Anh Nam, quê Hà Tĩnh, một khách mua vé đi Hà Nội tâm sự: “Từ sáng đến giờ chen mãi, gọi cả chục nhà xe mà hết vé. Về quê được mấy ngày lễ mà khổ sở quá. Sang năm chắc không muốn về nữa. Đi bị nhồi nhét nhưng mình còn trẻ, thương phụ nữ, trẻ nhỏ phải đi xe trong dịp này lắm”.