Hành trình trốn khỏi 'nanh vuốt' bọn buôn người ở Campuchia của nam thanh niên 19 tuổi: Chỉ vì tin 'việc nhẹ lương cao' mà suýt 'một đi không trở lại'

Xã hội 08/08/2024 09:30

Hầu hết người Việt Nam sang Campuchia đều thuộc diện xuất cảnh trái phép. Dưới chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" người lao động đã bị các đối tượng lừa gạt đưa vào các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo.

Theo thông tin từ báo Dân Trí, ngày 7/8, Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, một nam thanh niên 19 tuổi vừa trốn thoát khỏi bọn buôn người ở Campuchia, trở về Việt Nam an toàn.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, ngày 15/6, bà N.T.H. (trú xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) đến Công an huyện Duy Xuyên trình báo về việc tối ngày 10/6, con trai bà là N.V.D. (19 tuổi) liên lạc cầu cứu gia đình vì bị các đối tượng xấu lừa sang Campuchia cưỡng bức lao động.

Nhóm buôn người yêu cầu gia đình chuyển 70 triệu đồng để chuộc D. về.

Nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, Công an huyện Duy Xuyên báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam và chuyển nội dung đến Phòng Cảnh sát hình sự để phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Sở Ngoại vụ, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, xử lý.

Tiếp nhận vụ việc, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn gia đình biện pháp, cách thức bảo đảm an toàn; hướng dẫn D. một số phương án thoát thân trong quá trình đợi cơ quan chức năng can thiệp.

Hành trình trốn khỏi 'nanh vuốt' bọn buôn người ở Campuchia của nam thanh niên 19 tuổi: Chỉ vì tin 'việc nhẹ lương cao' mà suýt 'một đi không trở lại' - Ảnh 1
Nhiều người trẻ vì tin cái bẫy việc nhẹ lương cao mà bị bọn buôn người bán sang Campuchia, khó trở về - Ảnh: ANTV

Ngày 21/7, lợi dụng sơ hở, D. bỏ trốn thành công từ Campuchia về Việt Nam. Qua làm việc, D. trình bày bản thân lên mạng xã hội tìm việc làm và được giới thiệu việc làm lương cao tại Campuchia.

Ngày 6/6, D. đi xe khách vào bến xe Miền Đông, TPHCM, rồi liên lạc với một người phụ nữ (không rõ lai lịch) có tài khoản Facebook tên là "Bông Em".

Sau đó, D. được xe taxi chở đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, rồi tiếp tục đổi sang chiếc xe ôm để di chuyển theo đường tiểu ngạch qua biên giới Campuchia.

Khi sang Campuchia, D. bị cưỡng ép lao động và bị bán sang nhiều công ty khác nhau. Các đối tượng yêu cầu, nếu không muốn làm việc nữa, gia đình phải gửi tiền chuộc. Sau đó D. trốn thoát về Việt Nam thành công.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, đây là một trường hợp rất may mắn được trở về với gia đình, trong số các trường hợp người dân bị các đối tượng dụ dỗ xuất cảnh trái phép rồi bị cưỡng bức lao động mà đơn vị tiếp nhận trong thời gian qua.

Hành trình trốn khỏi 'nanh vuốt' bọn buôn người ở Campuchia của nam thanh niên 19 tuổi: Chỉ vì tin 'việc nhẹ lương cao' mà suýt 'một đi không trở lại' - Ảnh 2
Mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm mua bán người - Ảnh: báo Pháp luật Việt Nam 

Dẫn tin từ báo Người Lao Động, hầu hết người Việt Nam sang Campuchia đều thuộc diện xuất cảnh trái phép. Dưới chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" người lao động đã bị các đối tượng lừa gạt đưa vào các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo. Khi bị đưa vào đây, người lao động phải sống, làm việc trong môi trường giam giữ, bóc lột sức lao động. Khi phát hiện bị lừa đảo, bóc lột, người lao động muốn tự giải thoát ra ngoài là rất khó khăn. Ở nơi đất khách quê người, không am hiểu về pháp luật, không có sự trợ giúp, không có tiền, nhiều người tuổi vị thành niên nên rất khó tự giải thoát.

Cơ quan chức năng xác định "không phải hàng chục, hàng trăm mà có thể hàng nghìn người" đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn. Việc giải cứu những lao động này cũng không dễ dàng khi sự vụ đều ở bên kia biên giới. Có những cơ sở nằm giữa rừng sâu, ngụy trang thành điểm sản xuất. Người ngoài không thể biết được những gì đang xảy ra phía trong. Nhìn bề ngoài giống như một doanh nghiệp sản xuất nhưng bên trong lại là "địa ngục" của sự bóc lột mà các cơ quan chức năng cũng khó phát hiện. quá trình kiểm tra xác minh gặp khó khăn.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có hiệp định song phương với Campuchia về phòng, chống buôn bán người. Tuy nhiên trong số người xuất cảnh trái phép cũng có người là nạn nhân của mua bán nhưng cũng có người không phải là nạn nhân vì vậy không được điều chỉnh trong văn bản pháp luật này. Hầu hết những người xuất cảnh trái phép sang Campuchia do nghe theo lời mời chào trên mạng, tự ý xuất cảnh, sau đó mới biết mình bị lừa. Khi biết bị lừa thì lại bị giam giữ, cơ  quan chức năng Việt Nam muốn xác minh giải cứu đưa họ về  phải  có sự phối hợp nhiệt tình của phía bạn. Nên việc đi sang được Campuchia thì dễ nhưng việc giải cứu đưa về Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Ham tìm 'việc nhẹ lương cao', 2 thiếu niên 17 tuổi bị lừa bán sang Campuchia

Công an tỉnh Đồng Nai vừa giải cứu 2 người bị lừa bán sang Campuchia khi đang trên đường di chuyển đến bến xe Miền Đông thuộc địa bàn TP.HCM.