Gian nan hành trình 'lấy lại năng lượng' sau kỳ nghỉ Tết

Xã hội 12/02/2025 07:04

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều người quay trở lại guồng quay công việc với tinh thần uể oải, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để lấy lại năng lượng sau Tết?

Mệt mỏi sau kỳ nghỉ Tết

Sau 10 ngày nghỉ Tết với những buổi ăn chơi, họp mặt gia đình và giấc ngủ kéo dài đến trưa, Nguyễn Thu Hiền (26 tuổi), nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội vẫn cảm thấy uể oải và chưa sẵn sàng quay lại công việc.

Công việc của Hiền liên quan đến các dữ liệu và con số nên yêu cầu sự tỉnh táo và tập trung tối đa để đảm bảo chất lượng công việc trong suốt 8 tiếng đồng hồ ngồi máy tình. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột từ không khí nghỉ ngơi, thư giãn sang môi trường làm việc căng thẳng khiến Hiền cảm thấy bị "sốc".

"Quanh năm làm việc trong căng thẳng, vậy nên mỗi ngày nghỉ tôi đều rất trân trọng, nhất là những kỳ nghỉ dài như Tết. Vậy mà 'chớp mắt' đã hết kỳ nghỉ. Những ngày đi làm trở lại, tôi đã cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi và không có tinh thần làm việc", Hiền chia sẻ.

Gian nan hành trình 'lấy lại năng lượng' sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 1
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người mệt mỏi, uể oải khi quay trở lại với công việc (Ảnh minh hoạ)

Còn với Bùi Xuân Nam (28 tuổi, Hà Nội), dù đã chuẩn bị tâm lý cho việc quay trở lại công việc hàng ngày sau những ngày ăn, ngủ, chơi thoải mái, nhưng Nam vẫn không thoát khỏi cảm giác uể oải, lười biếng khi nghĩ tới chu trình lặp đi lặp lại sáng dậy sớm đi làm, chiều tối về nhà khiến anh chỉ muốn kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết.

Nam cho hay, sau gần 10 ngày nghỉ Tết, anh quen với việc thức khuya xem phim, tụ tập cùng bạn bè và ăn nhậu triền miên. Việc quay lại nhịp sống thường ngày bỗng trở thành thử thách.

“Năm nào, mình cũng phải mất vài ngày đến cả tuần để xốc lại tinh thần làm việc. Ra Tết chỉ muốn được đi du xuân, cafe tán gẫu với bạn bè, được nghỉ ngơi vì trong những ngày Tết mình cũng khá bận rộn khi tiếp khách rồi đi chúc Tết mọi người. Lúc mình muốn được nghỉ ngơi nhất lại là thời điểm quay trở lại công việc. Với tâm lý mệt mỏi, chán nản nên công việc cũng kém hiệu quả hơn trước”, Nam chia sẻ.

Không chỉ người đi làm mà ngay cả những sinh viên cũng cảm thấy hụt hẫng khi kỳ nghỉ lễ kết thúc. Phùng Thị Thanh (19 tuổi, quê Vĩnh Phúc) vẫn chưa lấy lại được tinh thần sau khi được nghỉ Tết tới 3 tuần.

“Đang ở nhà với bố mẹ, chỉ ăn, chơi rồi ngủ, không lo nghĩ gì, thì giờ phải quay lại thành phố vùi đầu vào sách vở. Có những hôm vì mệt mỏi, uể oải quá nên em đã đi học muộn vì không thể dậy sớm”, Thanh tâm sự.

Làm gì để lấy lại năng lượng sau kỳ nghỉ dài?

Theo bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, sau kỳ nghỉ Tết, không ít người rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng, muốn tiếp tục nghỉ ngơi và khó bắt nhịp lại với công việc.

"Những ngày nghỉ Tết mang lại sự thư giãn, tâm lý thoải mái, khiến nhiều người hình thành tâm lý kháng cự với nhịp sống và công việc trước đó. Vì vậy, khi quay lại làm việc, họ dễ cảm thấy chán nản, trống rỗng và mất động lực", bác sĩ Thu chia sẻ.

Gian nan hành trình 'lấy lại năng lượng' sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh 2
Nên liệt kê danh sách công việc cần ưu tiên, kế hoạch cụ thể (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, những ngày nghỉ lễ, mọi người thường bị xáo trộn nhịp sinh hoạt bởi liên tục liên hoan, đi chơi, thức khuya, dậy muộn, ăn uống không đúng bữa. Điều này khiến cơ thể thường dễ mệt mỏi, uể oải.

Theo bác sĩ Hồng Thu, tình trạng này còn có tên gọi là "post-vacation depression", tức trầm cảm sau nghỉ lễ. Dấu hiệu bao gồm cảm giác uể oải, khó ngủ, đau mỏi vai gáy, thắt lưng, khó tập trung công việc, tinh thần đi xuống.

Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ công việc và kế hoạch học tập của nhiều người sau kỳ nghỉ, lạm dụng chất kích thích, là yếu tố thúc đẩy chứng trầm cảm, lâu dài dẫn đến các chứng rối loạn tâm thần. Hơn thế, tình trạng cạn kiệt năng lượng sau Tết có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe vốn có.

"Ai cũng cần một khoảng thời gian để quay lại nếp sống thường ngày sau một kỳ nghỉ dài, đặc biệt là những người đi làm xa, rời thành phố để về quê nhà ăn Tết", bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương nói.

Vì vậy, vị bác sĩ cho rằng mọi người không nên quá căng thẳng, nên dành thời gian để bản thân thích nghi từ từ.

Cách hiệu quả nhất là liệt kê danh sách công việc cần ưu tiên, kèm kế hoạch thực hiện chi tiết. Trong đó, ưu tiên những việc đơn giản, dễ thực hiện. Thay vì căng thẳng suy nghĩ, hãy vừa làm việc vừa dùng một loại đồ uống yêu thích thư giãn. Ngoài ra, có thể chia sẻ những lo lắng, dự định của mình với người thân, đồng nghiệp để tinh thần được giải tỏa, tránh tâm lý kháng cự với việc phải đi làm.

Về thói quen sinh hoạt, người dân nên quay lại lịch trình ngủ - thức khoa học, đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Việc duy trì giờ giấc ổn định giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục và tăng cường sự tỉnh táo. Tập thể dục cũng là cách hiệu quả để giảm cảm giác trì trệ.

Quy định mới về dạy thêm: Chỉ giải quyết phần ngọn

Chỉ đến khi nào chúng ta có một nền giáo dục thực sự hạnh phúc cho người học, khi đó, dạy thêm, học thêm nếu có mới thực sự là nhu cầu chính đáng của xã hội.

TIN MỚI NHẤT