Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trong thời gian tới, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao, có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày; nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở tất cả quận huyện.
- NÓNG: Chốt đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ Quốc khánh năm 2022
- NÓNG: Thêm quốc gia Đông Nam Á phát hiện ca nhiễm Omicron, đã tiêm chủng đầy đủ
Thông tin trên Vietnamnet, sáng nay (9/12), tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, các đại biểu chất vấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm qua, định hướng của TP trong giai đoạn tới.
ĐB Nguyễn Thanh Bình, nêu việc sau ngày 27/4, số ca bệnh bình quân là 2 con số, từ khi thực hiện Nghị quyết 128 đến nay thì bình quân 3 con số/ngày. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết dự báo tình hình dịch ở Thủ đô thời gian tới, đặc biệt trong diễn biến xuất hiện biến chủng Omicron như thế nào?
ĐB Nguyễn Thanh Nam cho rằng có những hạn chế của y tế cơ sở thời gian qua và đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết Sở có tham mưu những gì cho TP để nâng cao giải pháp hệ thống y tế cơ sở?
ĐB Nguyễn Quang Thắng cho biết, hiện TP đã xây dựng nhiều kịch bản phòng chống dịch, trong đó có 100.000 ca F0. Ông đặt câu hỏi về khả năng hiện tại để đáp ứng số giường ở cấp độ 4 như nào? Khả năng vận chuyển cứu thương trường hợp có 100.000 ca bệnh? Giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm?...
Trước những chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, trong thời gian gần đây, đặc biệt từ 11/10 ca mắc Covid-19 tăng cao, riêng ngày 6/12 là 774 ca. Dự báo tình hình số ca tiếp tục tăng cao, có thể 1.000 ca/ngày.
Theo bà Hà, dịch đã lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm cao tại tất cả quận huyện; có thể xuất hiện biến chủng Omicron, khả năng lây nhiễm rất nhanh.
“Dự báo tình hình số ca mắc tiếp tục tăng cao, khoảng 1.000 ca/ngày. Dịch lan trong cộng đồng, lây nhiễm cao tại tất cả quận huyện, có thể có cả biến chủng Omicron, lây nhiễm cao hơn”, báo Thanh Niên dẫn lời bà Hà.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, tỷ lệ tiêm 2 mũi đã rất cao, hầu hết ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động.
Nói về nguyên nhân, Giám đốc Sở Y tế nêu, do mầm bệnh ở cộng đồng, địa hình phức tạp, giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại, người nhập cảnh, khí hậu mùa đông xuân thuận lợi để vi rút phát triển, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin… Song bà Hà cho rằng, nếu quyết tâm tập trung, có giải pháp đồng bộ, đồng thuận của người dân thì vẫn cơ bản kiểm soát được.
Cũng theo bà Hà, biến chủng Omicron đã được ghi nhận nhiều nơi trên thế giới, có nhiều đột biến gene nhất, dự báo lây lan mạnh hơn, song chưa có dữ liệu chứng minh có thể gây bệnh nặng hơn. Theo thông tin hiện nay, vắc xin vẫn có thể bảo vệ người dân trước biến chủng này. Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến Omicron, song thành phố vẫn cập nhật thông tin để có giải pháp phù hợp.
“Thành phố đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh, phân luồng khoa học để không quá tải. Bệnh nhân nhẹ không triệu chứng điều trị tại nhà, tại cơ sở. Hiện 90 - 92% bệnh nhân không có triệu chứng; tỷ lệ bệnh nhân nặng chỉ khoảng 1,2%; tỷ lệ tử vong thấp, khoảng 0,34%”, báo Thanh Niên bà Hà.
Số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 tăng nhanh:
Giai đoạn trước khi giãn cách (từ 27.4 đến 23.7) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng.
Giai đoạn giãn cách (từ 24.7 đến 20.9) ghi nhận 3.276 ca (trung bình 56,4 ca/ngày) với 898 ca ngoài cộng đồng.
Giai đoạn phòng chống dịch trong tình hình mới (từ 21.9 đến 10.10), ghi nhận 114 ca, trung bình 5,7 ca/ngày, với 8 ca cộng đồng.
Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (tính từ 11.10) đến 8.12, ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ca cộng đồng.