Fake news, câu like từng như một thứ dịch bị tẩy chay, xa lánh từ thời Covid-19 thì nay lại nọc nòi trở lại giữa tâm lũ. Đời thật bị biến thành… phim giả, kịch… fake, là trò câu like rẻ tiền, đáng xấu hổ giữa lúc đồng bào đang hấp hối nguy nan.
- Thực hư bức ảnh người đàn ông dầm mình trong nước lũ, cố gắng giữ chiếc chậu nhựa có vợ và con
- Lào Cai: Hơn 70 người chạy lên rừng, dựng lán tránh lũ và sạt lở
Một bức ảnh mà nếu mới quan sát, ai cũng có thể rơi nước mắt vì tình cảnh khốn khổ của một gia đình chạy lũ. Vợ địu con ngồi trong chiếc chậu nhựa, nước mắt dàn giụa, ghì lấy vai chồng giữa bốn bề nước lũ. Anh chồng hai tay giữ chặt chậu, gương mặt lo lắng, ánh mắt đầy… hy sinh.
Bức ảnh đi kèm dòng status: “Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát chưa bao giờ nguôi ngoai”.
Sau khi được đăng tải, đã có hàng vạn lượt like, chia sẻ trên mạng xã hội đi kèm rất nhiều status, comment bày tỏ thương cảm và những lời có cánh cho người đàn ông được xem như người hùng giữa mùa lũ. Rằng trong cơn hoạn nạn mới biết sự hy sinh của người chồng, người cha lớn đến nhường nào. Rằng, rồi đây, mỗi đứa con lớn sẽ hiểu… lòng cha ấm áp như biển thái bình. Rằng, thế giới rộng lớn của người đàn ông chính là ngôi nhà của họ…
Đáng nói, nhiều người được xem là có kinh nghiệm sống, trải nghiệm mưa lũ cũng hết lời ca ngợi, xem đó như một hình ảnh đẹp giữa mịt mùng bão lũ. Có người còn ví von vui với kiệt tác điện ảnh Titanic hay bức ảnh như một tác phẩm nghệ thuật với bố cục, hình ảnh ấn tượng.
Cuối cùng, sau tất cả đó là sản phẩm dàn dựng của một youtuber. Không phải đời, đó chính xác là phim giả, là kịch "fake", là trò câu like rẻ tiền, đáng xấu hổ giữa lúc đồng bào đang hấp hối nguy nan.
Không thể trách những người vội vã khen ngợi bởi trong hoạn nạn, nếu những hình ảnh như thế có thật, ai cũng có thể xúc động bật thành lời. Và chỉ đến khi chính quyền địa phương lên tiếng, hình ảnh trên là do vợ chồng một youtuber “chế tạo” thì cộng đồng mới… té ngửa. Thật tội nghiệp cho đứa trẻ còn ẵm ngửa đã bị biến thành diễn viên bất đắc dĩ cho một thước phim giả câu like giữa mùa lũ.
Vừa có thêm một cậu bé nữa ở Mèo Vạc, Hà Giang bị người dùng mạng xã hội đưa ra làm trò giữa tâm lũ. Cô giáo của em sau đó đã phải lên tiếng giải thích, đó là hình ảnh em khóc khi nhớ mẹ và nó diễn ra từ năm ngoái. Ấy vậy mà nhiều người đã vội tin, vội chia sẻ nội dung cho rằng, em bé ở vùng lũ cất tiếng khóc xé lòng vừa bị mất cả cha lẫn mẹ.
Bất luận với mục đích gì, việc câu like, đưa tin giả giữa lúc thiên tai bão lũ đều là việc làm bất nhân, bất nghĩa. Đặc biệt, đưa trẻ em ra để lấy nước mắt của cộng đồng là hành động đáng lên án.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp thiên tai, dịch dã, fake news và câu lik lại tràn lan trên mạng. Nó như một thứ “dịch” mà vắc-xin dường như chưa đủ liều. Từ câu like tăng tương tác trang cá nhân đến đưa tin giả để trục lợi từ thiện mỗi ngày một nhiều thêm. Có trường hợp “tay nhanh hơn não” nhưng cũng có trường hợp “mất não” hoặc não trạng bị biến dạng nên “cào phím, quăng bom” để thể hiện cái tôi cá nhân ích kỷ, hẹp hòi.
Trong lúc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” đang được cuộn trong từng lon gạo, mớ rau, hộp bánh, thùng mỳ thì vẫn có kẻ đi lạc vào cái “bọc trăm trứng”, nở ra những hình hài dị dạng.
Chế tài xử phạt có thể chưa đủ mạnh để răn đe đám người ham sống ảo ấy nhưng dư luận và chính thế giới ảo sẽ dạy cho họ những bài học thật.