Theo một báo cáo của đơn vị tham vấn McKinsey, Đông Nam Á có khả năng sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn của biến đổi khí hậu so với các khu vực khác trên thế giới.
- Thiếu tiền tiêu xài, nam thanh niên vác dao bầu cướp xe ôm
- Ấm lòng “quầy hàng thực phẩm 0 đồng” ở Đà Nẵng
Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết, biến đổi khí hậu là một thách thức quan trọng mà Đông Nam Á phải đương đầu khi khu vực này đang tìm cách mở rộng nền kinh tế và vẫn là động lực tăng trưởng chính của thế giới.
Đại dịch virus corona đang "cho thấy rõ tầm quan trọng của việc thấy được rủi ro và khả năng phục hồi đối với đời sống và sinh kế, và khi thế giới tập trung vào việc phục hồi sau đại dịch, điều quan trọng là không bỏ qua sự tác động của khí hậu", Jonathan Woetzel, giám đốc Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, người đang dẫn đầu cuộc nghiên cứu này, cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo của McKinsey cho biết các quốc gia châu Á có mức GDP bình quân đầu người thấp hơn sẽ gặp nhiều rủi ro nhất và người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là bởi vì họ bị ảnh hưởng từ khí hậu khắc nghiệt một cách trực tiếp hơn những người giàu có. Họ dựa nhiều hơn vào công việc ngoài trời và tài nguyên thiên nhiên, trong khi họ cũng ít phương tiện tài chính hơn để thích nghi.
McKinsey cũng nêu bật một số hiểm họa khí hậu tiềm tàng mà các quốc gia ở Đông Nam Á phải đối mặt. Họ đưa 1 số quốc gia khu vực này vào nhóm "Châu Á mới nổi" trong báo cáo, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Các nước trong khu vực sẽ trải qua sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm. Từ năm 2050, từ 8% đến 13% GDP trung bình năm ở bất kỳ quốc gia nào có thể gặp rủi ro do nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Khả năng diễn ra những trận mưa lớn có thể tăng gấp 3 hoặc 4 lần vào năm 2050 ở Indonesia.
McKinsey cho biết một lợi thế mà Đông Nam Á, và rộng hơn là nhiều khu vực đang phát triển của châu Á, là cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang được xây dựng. Điều đó mang lại cho các quốc gia này cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn với những biến đổi khí hậu khắc nghiệt và có thể chống chọi với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
"Giống như tất cả các nơi khác trên thế giới, châu Á cũng có thể góp phần giảm lượng khí thải; khoa học khí hậu cho chúng ta biết rằng sự ấm lên sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi đạt mức phát thải ròng bằng không", báo cáo cho biết.
"Nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể khai thác tinh thần đổi mới, tài năng và sự linh hoạt của khu vực này, thì châu Á có thể dẫn đầu phản ứng toàn cầu với rủi ro khí hậu bằng cách thích ứng và bằng cách giảm nhẹ những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất", báo cáo này cho biết thêm.