Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng dịch vụ vệ sinh, làm sạch nhà đã "vào mùa". Những người làm nghề này phải "chạy sô" vì nhu cầu rất lớn. Công việc thời vụ tưởng chừng "hốt bạc" này cũng lắm chuyện vui buồn.
- Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có thể xảy ra rét đậm, rét hại
- Mức thưởng Tết Nguyên đán 2018 sẽ tăng nhiều so với năm trước
"Đắt sô" ngày giáp Tết
Vào mỗi dịp cuối năm, gia đình nào cũng có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa, làm sạch đồ dùng để đón Tết, do đó đây cũng là dịp dịch vụ vệ sinh, làm mới nhà cửa trở nên bận rộn.
Những ngày cuối năm, rất khó khăn để chúng tôi nói chuyện được với những người làm nghề này, bởi họ còn mải "chạy sô". Những cuộc nói chuyện chỉ được vài phút là họ báo bận vì "khách hàng" gọi. Chúng tôi phải vào vai đi tìm kiếm người dọn vệ sinh ngày Tết thì anh Nguyễn Việt Thắng (SN 1987, Phú Thọ) mới bắt đầu mở lòng hơn. Anh bảo đợt này nhóm của anh nhận được khá nhiều "đơn hàng".
Anh Thắng cho biết, trước đây anh làm tại một công ty vệ sinh ở Hà Nội, nhưng vì thông qua công ty nên thu nhập của anh cũng không cao. Vì thế, anh quyết định về Việt Trì (Phú Thọ) và thành lập một nhóm chuyên đi dọn dẹp vệ sinh nhà cao tầng trong những ngày giáp Tết.
"Nhóm của tôi có khoảng 5-7 người, chủ yếu tuyển chọn những bạn sinh viên trẻ, vì đây là công việc thời vụ. Ngày bình thường rất ít việc, chỉ đến cận Tết mới "đắt sô" như vậy. Hơn nữa, nhiều gia đình cũng có giúp việc, nên họ chỉ thuê chúng tôi theo giờ và vệ sinh những nơi nguy hiểm, phải leo trèo", anh Thắng chia sẻ.
Cũng theo anh Thắng, có những ngày anh nhận việc của gần chục gia đình và nhóm của anh phải chia nhỏ ra. "Khách hàng thuê dọn dẹp nhà cuối năm toàn là người khá giả nên họ rất kỹ tính. Vì thế một ngôi nhà 3 tầng thôi là chúng tôi dọn dẹp cũng phải mất 3 tiếng đồng đồ. Phải làm sạch từng góc nhỏ. Hơn nữa, khi làm tất cả các vật dụng phải để nguyên vị trí, không được xê dịch. Tiền công mà nhóm của anh nhận được là 100.000 đồng/giờ. Có ngày chúng tôi làm liên tục từ sáng đến tối, trưa tranh thủ ăn vội bát cơm, mẩu bánh mỳ. Cuối năm là dịp kiếm tiền nên phải cố gắng", anh Thắng kể.
Cũng giống như anh Thắng, chị Trần Thị Trâm (SN 1981, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, chị làm nghề dọn dẹp vệ sinh ngày Tết này đã được gần 5 năm vì thế chị có rất nhiều mối quen. Chị Trâm bảo, nghề này Tết đến thì "hút khách" nhưng những ngày trong năm thì "ế" lắm, nếu không đi kiếm việc khác thì chết đói.
Chị Trâm nhớ về những ngày đầu tiên đi làm: "Nghề này giống như đi "làm dâu trăm họ", nếu không cẩn thận, tỉ mỉ thì vừa không lấy được tiền lại mang tiếng oan. Tôi nhớ lần đầu khi dọn vệ sinh cho một gia đình tại khu Cầu Giấy với mức giá 50.000 đồng/tiếng, chủ nhà yêu cầu tôi làm sạch bộ bàn ghế sofa.
Tuy nhiên, nhà có trẻ con nên ở ghế sofa có dính kẹo cao su rất khó làm sạch. Tôi liền nghĩ ra cách dùng mũi dao nhọn cạy hết phần kẹo dính ở ghế đi. Không may, mũi dao nhọn cắm mạnh quá làm rách ghế, chủ nhà thấy thế la ầm ĩ lên.
Tôi cuống cuồng không biết làm sao, miệng lắp bắp nói lời xin lỗi. Nhưng, chủ nhà không chịu bỏ qua, một mực bắt tôi phải đền tiền, cuối cùng trong người tôi có bao nhiêu tiền phải đưa cho chủ nhà và coi như hôm ấy làm không công".
Hễ chủ mất đồ là... đau tim
Chuyện nghề của những người dọn dẹp nhà cửa thuê ngày Tết khiến tôi tò mò. Hôm sau, trong vai người đi dọn nhà thuê, tôi theo chị Trâm đi làm tại một nhà ở khu vực Hà Đông (Hà Nội). Đồ nghề của chị rất đơn giản, chỉ là vài chiếc khăn lau, 2, 3 lọ nước tẩy rửa khác nhau được đựng trong một cái làn, một cây lau nhà và đôi găng tay.
Nhìn căn nhà 4 tầng bám đầy bụi bẩn khiến tôi thấy ái ngại nhưng chị Trâm bảo: "Vậy là còn khá sạch sẽ đấy, nhanh tay thì chỉ nửa ngày là xong. Có nhà ở lâu, đông người, thuê làm lần đầu mới mất nhiều công sức, giá tiền vẫn chỉ có vậy. Sờ đến đâu thấy cáu bẩn đến đó, đánh cọ mãi có khi hai, ba ngày mới xong, khiến hai bàn tay tứa cả máu, đeo găng tay thì càng khó làm hơn.
Mỗi loại vết bẩn phải lựa chọn một lọ nước tẩy rửa khác nhau, làm công việc này sức thôi chưa đủ, phải dùng cả mẹo nữa. Nhiều gia đình quần áo của con cái họ mình cũng phải thu dọn hộ. Bóng đèn mạng nhện giăng đầy, phải tìm ghế thật cao để lau chùi cho họ". Vừa nói chuyện với tôi, đôi tay chị Trâm thoăn thoắt lau tủ, bàn ghế, giường, sàn nhà, cánh cửa. Xong chị quay ra đánh sạch bếp, nồi niêu, xoong chảo. Chị lau từ tầng 4 xuống tầng 1, kiên trì, nhẫn nại không bỏ qua bất kỳ ngóc ngách nào.
Chị Trâm kể, nhiều lần chị đi làm, đang dọn dẹp ở tầng 4 thì nghe thấy chủ nhà hét toáng lên và kêu mất đôi bông tai. "Vị chủ nhà ấy chạy ngay lên tầng 4 nơi tôi đang dọn dẹp để hỏi, nhưng tôi chưa hề đi vào căn phòng đó. Tôi liền bảo chủ nhà bình tĩnh, đợi khi tôi dọn dẹp xong sẽ tìm lại cho chị ấy.
2 tiếng sau đó, chủ nhà cứ đi theo tôi từng bước một, như để canh chừng, sợ tôi lấy thêm thứ gì đó. Khi dọn đến phòng ngủ của chủ nhà, tôi đã dọn rất tỉ mỉ, cẩn thận và phát hiện ra đôi bông tai được vứt ở dưới chân giường. Tôi biết, đây là ý thử thách của chủ nhà, nhưng tôi cảm thấy chạnh lòng dù chủ nhà đã xin lỗi. Tính cẩn thận, chịu khó và trung thực luôn là điều chúng tôi đặt lên hàng đầu", chị Trâm tâm sự.
Chị Trâm còn cho biết, có lần chị đã khiến cả gia chủ một phen hú vía vì.... ngất xỉu: "Đó là vào Tết năm ngoái, trước khi đến nhà đó thì tôi đã đi lau dọn ở mấy nhà rồi. Trong quá trình lau cầu thang ở bên trong tôi đã thấy hoa mắt, chóng mặt nhưng khi ấy chủ nhà bảo trước giờ tối phải xong nên tôi cố làm, thế là trong lúc bước lên cầu thang tôi bước hụt, ngã xuống bất tỉnh, may là tôi mới chỉ đang lau ở tầng 1 nên sau khi được người nhà đỡ, xoa dầu thì tỉnh lại. Khi tôi tỉnh gia chủ vội vàng đưa tiền và cho tôi về luôn, mặc cho tôi một mực xin làm".
Vừa nói chuyện với tôi chị Trâm vừa làm việc, chỉ sau gần 3 tiếng dưới đôi tay chị Trâm, căn nhà 4 tầng phòng nào cũng sáng bóng. Chủ nhà tỏ vẻ hài lòng và tặng thêm chị Trâm một đôi găng tay.
Chia tay chị Trâm, anh Thắng để họ có thời gian tiếp tục "gánh" nỗi lo nhà sạch cho nhiều gia đình đón Tết. Họ nói rằng, mong muốn của họ là được thấy chủ nhà đón Tết trong một không khí thơm tho, sạch sẽ và đầm ấm nhất.