Càng về đêm, những tiếng khóc hờ của thân nhân 4 nạn nhân trong vụ điện giật tử vong càng nghe rõ. Thôn nghèo Hưng Dương xưa nay vốn bình yên giờ trở nên đau đớn đến lạnh lẽo trước những tiếng khóc than ai oán.
- Lời kể của nữ sinh may mắn sống sót trong vụ điện giật trước cổng trường: Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai kịp chạy
- Sửa bồn nước, 2 cha con cùng bị điện giật tử vong
Chiều tối 26/10, trong lúc thi công cột để kéo cáp viễn thông ở cánh đồng giáp ranh giữa hai xã Cẩm Lạc và Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), bốn công nhân gồm Phạm Văn Lành (SN 1977), Phạm Văn Tình (SN 1972), Nguyễn Đức Ngoãn (SN 1962) và Nguyễn Văn Cường (SN 1995) bị điện giật tử vong.
Các nạn nhân là những người nông dân nghèo ở thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng. Trong đó ông Lành và ông Tình là hai anh em ruột.
Con trai như hóa điên khi mất cha
Trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào thôn Hưng Dương xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đêm nay chật kín xe và người qua lại. Từng chiếc xe cứu thương lần lượt hú còi trên đường làng leo lét vài bóng đèn cùng những lời than khóc ai oán như muốn xé tan màn đêm yên bình của vùng quê nghèo.
Sự ra đi quá bất ngờ của 4 người dân lành khiến cho người thân và hàng xóm láng giềng đau xót không nguôi. Bởi chỉ vài tiếng trước, 4 nạn nhân còn vui đùa ăn uống cùng gia đình, nhưng khi trở về có người thân hình chẳng còn nguyên vẹn.
Thấy chiếc xe đưa thi thể ông Tình về dựng phía ngoài cổng, người vợ Nguyễn Thị Hòa cùng cô con gái Phạm Thị Thanh kêu gào đau đớn. Họ la hét, vật lộn giữa đám đông rồi bà Hòa ngất lịm đi khi thấy thi thể chồng được đưa vào đặt ở góc giường lạnh lẽo.
“Anh về đi, về với mẹ con em đi. Lúc trưa mới còn ăn cơm cùng nhau mà giờ sao em kêu không nghe vậy. Anh đi rồi ba mẹ con em biết sống sao, con Thanh chuẩn bị cưới, còn thằng Tùng mới sang Hàn Quốc làm việc. Giờ em biết nói với con nó như nào đây anh...”, bà Hòa gọi tên chồng trong tuyệt vọng.
Người thân ông Tình cho biết, ông Tình có hai người con là Phạm Thị Thanh và Phạm Xuân Tùng. Gần một năm trước, Tùng đi XKLĐ tại Hàn Quốc và gia đình dự định tháng tới sẽ tổ chức đám cưới cho con gái nhưng nào ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng.
Cách nhà ông Tình vài bước chân, là nhà của em trai Phạm Văn Lành. Trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp là tiếng khóc thảm thiết như xé tan cả bầu trời của hai cậu con trai Phan Văn Bình (lớp 11) và Phan Văn Thành (lớp 9) và người vợ.
Do sự việc quá bất ngờ, khiến cậu con trai Thành không dám tin vào sự thật. Đứa bé Thành dường như hóa điên khi thấy mọi người đưa bàn ghế, mua giường về chuẩn bị lo hậu sự cho cha mình.
“Cha con đã chết đâu mà mọi người đóng giường. Đừng ai làm gì nữa, cha con còn sống, con xin mọi người. Cha nói tối làm xong rồi về nhà nên con sẽ đợi”, Thành vừa nói vừa chạy xung quanh nhà la hét như muốn tìm lấy một chút hi vọng rằng cha cậu sẽ về.
Những tiếng khóc xé lòng nơi xóm nghèo
Đêm muộn, hàng trăm người dân thôn Hưng Dương xã Cẩm Hưng vẫn túc trực ở nhà các nạn nhân để hỗ trợ lo hậu sự. Bao trùm khắp thôn là những tiếng khóc thảm thiết của người thân các nạn nhân trước cái chết đầu đau xót.
Cách nhà ông Lành khoảng 50m, người thân nạn nhân Cường đang tổ chức lo hậu sự. Nằm bệt giữa nền nhà, bà Trần Thị Khươm (mẹ Cường) gào khóc gọi tên con trai trong vô vọng, còn bà Nguyễn Thị Tuyết (bà nội Cường) chỉ đứng phía ngoài la hét mà không dám tin vào sự thật.
Cố bình tĩnh lại, bà Tuyết cho biết, Cường là người anh trai cả trong gia đình có hai anh em. Bố và em trai Cường vào miền Nam làm thuê nên chỉ có hai mẹ con ở nhà. Vốn là chàng trai hiền lành, ít nói và cam chịu nên chưa bao giờ mọi người nghe Cường than vãn bất cứ điều gì.
Cũng do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học xong cấp 3 Cường vào miền Nam để làm công nhân. Mới đây, Cường trở về quê nhà với dự định sẽ đi du học sinh tại Nhật Bản, tuy nhiên khi đang đi làm thuê để kiếm tiền học thì bị gặp nạn.
“Hôm trước nó nói với tôi là muốn kiếm thêm tiền để học tiếng đi Nhật nên xin đi theo phụ hồ, dựng cột điện cùng mấy người ở xóm. Bình thường Cường ít nói, không bao giờ than vãn nên khi nghe tin tôi như chết đứng vậy ”, bà Tuyết nghẹn ngào nói.
Tìm về nhà nạn nhân Nguyễn Đức Ngoãn vào giữa khuya. Thi thể ông Ngoãn được đưa về đặt ở góc sân, người thân gào khóc đau đớn, bà Chu Thị Duyên (vợ ông Ngoãn) được hàng xóm đút cháo để hồi sức.
Ông Ngoãn có 3 người con gái tuy nhiên cô con gái út đột ngột qua đời do bệnh ung thư khi lên lớp 4. Hai con gái lấy chồng xa xứ, chỉ có đôi vợ chồng nghèo bám ríu lấy nhau trên mấy mảnh ruộng để sống.
“Bình thường họ làm ruộng, nhưng khi có người thuê làm gì thì họ nhận cùng nhau rồi đi làm công theo tính theo ngày. Khi nhận được tin, cả làng chúng tôi bỏ ruộng đồng để chia nhau ra phụ các gia đình tổ chức đưa các nạn nhân về”, anh Nguyễn Đình Tú, trú tại xóm Hưng Dương cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên cho biết, 4 nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm nông và thường xuyên nhận đi làm nghề dựng cột điện.
Ngay sau sự việc xảy ra, chính quyền địa phương phối hợp cùng cơ quan chức năng đưa các thi thể nạn nhân về nhà, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 11 triệu đồng để lo chi phí mai táng. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.