Nằm khuất trên một góc đường trong cơn mưa lớn ở Sài Gòn, cụ bà ngồi co ro bên chiếc thùng xốp đựng đầy hủ mắm, cố nhíu con mắt lờ mờ của mình để quan sát và hi vọng một ai đó sẽ ghé đến mua giúp cụ một phần..., nhưng có lẽ chẳng ai biết đến sự tồn tại của cụ.
- Tưởng đứa trẻ bị bỏ rơi ở khu vui chơi, nhưng khi tìm thấy người bố thì tất cả chỉ biết ôm mặt bật cười vì một lý do
- Báo Anh viết về sự hồi phục thần kì của bệnh nhân 91, độc giả Anh ca ngợi Việt Nam "không ngớt"
Người ta thường bảo, người già sẽ được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu. Nhưng đâu đó trong cuộc đời này, có những cụ già hàng ngày vẫn lầm lũi cho cuộc sống mưu sinh.
Ngồi ở một góc đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), cụ bà co rúm người lại trong cái lạnh của cơn mưa chiều rồi cố nhíu đôi mắt lờ mờ của mình nhìn dòng người qua lại.
Đã 4 năm nay, người dân xung quanh khu vực 351 đường Chu Văn An đã quen thuộc với hình ảnh cụ Phan Thị Mỳ (85 tuổi, quê gốc Phú Yên) lọm khọm bê từng hủ mắm để bán cho khách qua đường. Dù cụ có con cháu đầy đủ nhưng cuối đời vẫn lấy vỉa hè, lề đường làm nơi nương náu, kiếm sống qua ngày.
"Ngoại có nhà tình thương, sống cùng với thằng con trai và con dâu nhưng nó không thương, ngoại bán mắm được mấy năm rồi con, mấy nay mưa lớn, chỗ này ngập nước, ướt lắm nhưng ngoại không dám nghỉ, ở nhà rồi thì lấy cái gì mà ăn", ngoại Mỳ nghẹn ngào nói.
Theo ngoại Mỳ, sau khi người chồng qua đời, ngoại một tay nuôi đứa con trai duy nhất của mình ăn học thành tài. Đến khi con trai lấy vợ, sinh con, cứ ngỡ rằng cuộc đời ngoại sẽ bớt cực khổ, sống những năm tháng cuối đời được an nhàn, hạnh phúc bên con cháu, nhưng nào ngờ vì một lý do nào đó, ngoại không thể sống hòa hợp được với con cái.
"Thằng con trai nó nghe lời vợ, không có thương ngoại, 2 đứa cháu nội cũng vậy, khổ lắm con ơi, giờ ngoại sống được ngày nào hay ngày đó, đâu còn gì nữa đâu mà trông mong...", ngoại Mỳ bật khóc.
Đưa đôi tay co rúm đan vào nhau vì lạnh, ngoại Mỳ vừa nhìn những hủ mắm phía trước, thỏ thẻ: "Mắm này ngoại lấy tận Phú Yên, ngon lắm, con mua về ăn với cơm nóng, ngoại bán chỉ 20 - 25 ngàn thôi. Mua giúp ngoại 1 hủ, mấy nay mưa hoài, ngoại bán không được".
Một ngày mưu sinh của ngoại bắt đầu từ lúc sáng sớm kéo dài đến chiều muộn, để di chuyển từ nhà ra chỗ bán, ngoại đi xe ôm hết 10.000 đồng. Hôm nào có người ghé mua, ngoại kiếm được vài chục ngàn, còn như mấy bữa nay ế, ngoại phải chịu lỗ tiền xe ôm.
"Giờ ngoại ngày nào cũng ra đây, còn sức khỏe thì ngoại đi làm, sống thêm được ngày nào hay ngày đó", bà Mỳ tâm sự.
Với số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, ngoại Mỳ chỉ đủ trang trải tiền ăn uống, sinh hoạt, riêng đôi mắt ngoại không còn thấy rõ như trước, phần khớp chân sau một tai nạn trở nên yếu dần đi, từ mấy năm nay, ngoại đã không thể đi bộ được nhiều.
"Lúc trước còn khỏe ngoại còn bưng thùng mắm đi bán, chứ giờ chỉ còn ngồi một chỗ, nắng mưa gì cũng không dám đi xa vì sợ té. Ngoại chỉ lo một ngày nào đó không còn đi lại được, con cái không lo thì không biết tính sao...", ngoại Mỳ rớt nước mắt.
2h chiều, cơn mưa Sài Gòn bất chợt lại nặng hạt, loay hoay với chiếc áo mưa cũ mèm đã thấm nước, ngoại Mỳ lấy trong giỏ hộp cơm trắng kèm theo miếng thịt mỡ, đôi tay run run ăn vội bữa cơm, nghẹn lại.
Có lẽ với ngoại Mỳ lúc này, cuộc sống mỗi ngày chỉ gói gọn xung quanh những hủ mắm nhờ tình thương, sự giúp đỡ của người đi đường. Nghẹn lòng trước hoàn cảnh của ngoại, tôi nắm đôi bàn tay lạnh ngắt của bà, lấy 2 chai mắm rồi nhét vội vài trăm nghìn để gửi ngoại. Ghé sát vào tai tôi, ngoại Mỳ thỏ thẻ hỏi:
"Con đưa ngoại chi nhiều dữ vậy, 2 chai này có 50 ngàn thôi, ngoại không lấy đâu" rồi ứa nước mắt, cảm ơn tôi.
Có lẽ với nhiều người, số tiền vài trăm ngàn không nhiều nhưng với ngoại Mỳ, nó đủ để bà có được cơm ngon vài bữa.
Chia tay ngoại Mỳ, trên đường về nhà tôi cứ đinh ninh mãi. Thương cho ngoại giữa cơn mưa tầm tã của Sài Gòn, tấm áo mưa cũ kỹ chẳng đủ ấm nhưng ngoại vẫn cứ đứng đó - một góc đường Chu Văn An để bán từng hủ mắm mưu sinh.