Sau đám cưới, không thấy con trai đâu, gia đình ông Bồi, bà Chục cuống cuồng đi tìm nhưng không có kết quả. Đến ngày ông bà nhắm mắt xuôi tay, con trai vẫn chưa trở về.
- Giải cứu 23 học sinh bị mắc kẹt ở suối Tiên khi đi du lịch
- Hé lộ nguyên nhân khiến bé gái bị trói tay, treo lơ lửng trên trần nhà không khỏi khiến người khác phẫn nộ
Đứa trẻ 10 tuổi chạy theo đám rước dâu, lạc nhà 20km
Vào một ngày tháng 2 âm lịch năm 1974, một đứa trẻ 10 tuổi nhưng thân hình gầy gò, nhỏ bé như 7 tuổi đi đám cưới cùng gia đình, sau đó đi theo đám rước dâu rồi lạc mất. Đứa trẻ đó tên là Đỗ Văn Giồng.
Giồng hoảng loạn, không nghĩ được gì, cứ thế chạy thục mạng 40km trong mấy ngày liền, từ thôn Tử Đông, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đến tận chợ Mát (Hải Dương).
Ở đây, Giồng gặp một người phụ nữ. Biết Giồng bị lạc, đói khát, kiệt sức, người phụ nữ này thương tình dẫn về nhà ở thôn Phú Khê, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, tính ra cách nhà của Giồng 20km. Sau đó, người phụ nữ giao Giồng cho bà Đỗ Thị Nguyệt nuôi dưỡng. Đêm đầu tiên ở nhà bà Nguyệt, Giồng đau chân nên khóc suốt, miệng liên tục gọi tên bố mẹ, anh, em.
Bà Nguyệt là vợ liệt sĩ, nhận giấy báo tử của chồng được 2 năm. Bà vốn đã có 2 người con gái nhưng bà vẫn muốn nhận nuôi thêm một người con trai cho khuây khỏa. Giồng về nhà bà Nguyệt, được mẹ nuôi và các chị yêu thương, chăm lo, được dạy dỗ tử tế. Bà Nguyệt đặt cho Giồng một cái tên mới là Đỗ Văn Nam.
Nam nhớ được tên bố mẹ, nhớ mình có một người anh trai tên Giống, hai người em tên Loan và Dũng. Mẹ anh cao, gầy. Nhưng địa chỉ nhà ở đâu thì Nam không nhớ được.
Học hết lớp 8, Nam xin ra Hà Nội đi làm. Đến năm 1989, anh Nam đã là một người đàn ông trưởng thành, về quê lấy vợ ngay cạnh nhà. Suốt mấy chục năm qua, vợ chồng anh Nam chung sống thuận hòa, hạnh phúc, sinh được 3 người con, có cửa hàng kinh doanh tạp hóa, đồ gia dụng.
Cuộc sống yên ấm rồi, anh Nam lại càng nhớ về gia đình ruột thịt. Sâu trong tâm trí, anh mong được gặp lại bố mẹ và các anh em, được biết cội nguồn của mình, có nơi đi lại.
"Ai sinh ra trên đời cũng mong mỏi được gặp bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác, nhưng mình chưa gặp được, số phận mình thế thì phải chịu thế thôi", anh Nam nói, mắt ngân ngấn lệ. Được sự nhất trí của mẹ nuôi, anh Nam đã gửi thư về chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" nhờ tìm kiếm thân nhân.
Bố mẹ tìm con nhưng vô vọng và điều kỳ diệu sau 48 năm
Lại kể về bố mẹ ruột của anh Nam (tức Giồng). Tối đó khi dọn cơm ra, tìm mãi mà không thấy con đâu, ông bà huy động tất cả mọi người đi tìm. Những ngày sau đó, ông Đỗ Văn Bồi (bố ruột của Giồng) không ngừng đi tìm con. Ai chỉ đâu, ông đi đó, có khi đi cả tháng mới về. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chạy vạy vay mượn đến đổ nợ, chỉ mong sao tìm được con trai. Nhưng mọi nỗ lực của gia đình đều vô vọng.
Vài năm sau, ông Bồi đưa vợ là bà Chục cùng các con đi kinh tế mới lên Tây Nguyên. Cả gia đình sống ở huyện Ia Grai, Gia Lai. Năm 1992, bà Chục qua đời khi mới 60 vì bị đau dạ dày mà gia đình không có điều kiện chạy chữa. 10 năm sau, ông Bồi cũng qua đời sau một cơn tai biến, không kịp trăng trối với các con điều gì.
Ba anh em của anh Nam là anh Giống, chị Loan, anh Dũng hiện tại đều sống ở Ia Grai. Mọi người bám vào nương rẫy, ai cũng đã có cuộc sống riêng.
Nhờ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" kết nối, anh Nam đã tìm được người thân vào tháng 3/2022. Do thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh nên gia đình đã có một cuộc đoàn tụ online nhưng cũng không kém phần xúc động.
Khi gặp nhau, hai bên mừng mừng tủi tủi, các anh em đều nhận thấy anh Nam có gương mặt rất giống người cha đã khuất. Bốn anh em kể cho nhau nghe về cuộc sống, về những biến cố đã xảy ra. Anh Giống, chị Loan, anh Dũng gửi lời cảm ơn đến bà Nguyệt đã cưu mang anh Nam, cảm ơn chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã giúp máu mủ, ruột thịt được gặp lại nhau.
"Em mừng lắm, gần 50 năm được gặp lại anh, em toại nguyện lắm. Bố mẹ nơi chín suối cũng được yên lòng, không còn luyến tiếc điều gì nữa", chị Loan nức nở. Cả nhà hứa hẹn khi dịch bệnh qua đi sẽ gặp nhau bằng da bằng thịt.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly