Xác định theo đuổi sư phạm mầm non, cô giáo Đàm Thị Hiên (Trường Mầm non Liên cơ, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng giáo viên phải tập làm quen với việc tiếp nhận những cuộc gọi từ phía các phụ huynh về con trẻ kể cả khi tối muộn.
Đàm Thị Hiên, là một trong số 64 thầy cô giáo trên cả nước góp mặt tại lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây.
Ấn tượng đầu tiên về cô Hiên là vẻ ngoài xinh xắn và trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 30.
Sinh năm 1987, vào ngành sư phạm mầm non đến nay đã hơn 8 năm nhưng những ký ức thuở mới ra trường khi lần đầu tiên tiếp xúc với trẻ vẫn đọng sâu trong tâm trí Hiên như mới ngày hôm qua.
“Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ khi vừa tốt nghiệp ra trường, tôi được giao một lớp có 35 trẻ mới đến lớp, các bé khóc rất nhiều. Do lạ lớp và lo sợ vì xa bố mẹ nên phải đến hơn chục cháu cứ 'cô đi đâu thì trò theo đấy' khiến tôi dở khóc dở cười. Đến giờ ngủ, các cô phải bế trên tay một lúc mấy cháu, rồi ôm vỗ về chứ cô không thể chợp mắt”, Hiên nói.
Những ngày đầu tiên ấy, trong đầu Hiên dường như lúc nào cũng có tiếng khóc con trẻ. Chưa lúc nào phải chứng kiến cảnh xung quanh nhiều cháu nhỏ khóc như vậy, lúc đầu bản thân cô giáo trẻ cũng có chút chùn lòng. Nhưng rồi nhờ sự chia sẻ, động viên của mẹ, Hiên quyết tâm theo đuổi nghề bởi nhận ra rằng “chẳng có nghề nào không có khó khăn”.
Hinn cho biết, nghề mầm non vất vả khi các học sinh còn rất nhỏ, chưa ý thức được nhiều, chính vì thế các cô giáo phải như một người mẹ khi phải phục vụ các cháu từ đầu tới cuối.
Song đổi lại, cô cũng tìm thấy được niểm vui khi được làm việc trong môi trường đầy ắp tiếng nói cười của con trẻ.
“Nếu yêu trẻ thì việc dạy chúng cũng giúp chúng ta luôn thấy tâm hồn tươi trẻ”, câu nói này như phần nào giải đáp cho cái ngỡ ngàng của tôi về vẻ ngoài trẻ trung của cô giáo.
Thời gian đầu có thể trẻ chưa quen và quấy khóc, nhưng nếu giáo viên tạo được sự gần gũi, khi trẻ đã quen rồi thì cô trò sẽ gắn bó, hòa đồng một cách rất tự nhiên.
Đó hẳn cũng là động lực để cô giáo trẻ không chỉ vượt qua những khó khăn mà còn được tuyên dương ngày hôm nay khi có những cách dạy, bí quyết giúp trẻ cảm thụ âm nhạc được tốt hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong mỗi giờ dạy học, Hiên giúp các em nhỏ được thể hiện hết cá tính âm nhạc và năng lực của mình về cảm thụ.
Ngoài ra, cô giáo Hiên cùng các đồng nghiệp cũng tìm cách áp dụng các phương pháp hiện đại như sử dụng công nghệ thông tin, trình chiếu hình ảnh, phim tư liệu để các bé được xem và trải nghiệm nhiều hơn.
“Nếu chúng ta phát hiện được tố chất của các cháu ở độ tuổi mầm non thì có thể tạo điều kiện cho các cháu phát triển khả năng sau này. Cần giáo dục trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi đầu đời, bằng tình yêu thương và lúc nào chúng tôi cũng coi các cháu như con của mình để hướng dẫn trẻ làm từ việc nhỏ đến thực hành các kỹ năng cần thiết”.
Điều khiến Hiên trăn trở là hiện nhiều phụ huynh vẫn coi nhẹ ngành mầm non.
“Có người nghĩ giáo viên mầm non chỉ việc trông trẻ, nhưng thực tế chúng tôi phải dạy trẻ rất nhiều kỹ năng cơ bản để tự phục vụ bản thân trong môi trường mới. Các cô phải dạy đi dạy lại, còn trẻ chóng nhớ nhưng cũng mau quên”.
Hằng ngày, sau giờ dạy căng thẳng ở trên lớp, về nhà, cô giáo trẻ vẫn luôn tinh thần trực điện thoại tới 10h tối để tiếp nhận và giải đáp những ý kiến của phụ huynh. Hiên xác định đây là một việc bình thường và tất yếu với nghề nghiệp nhiều trách nhiệm của mình.
“Có thể trên lớp trẻ không có biểu hiện gì nhưng tối về, gia đình mới phát hiện có biểu hiện bất thường và gọi điện cho cô. Khi đó, mình vẫn phải trao đổi lại, giải thích với phụ huynh những biểu hiện của trẻ trên lớp. Đây thực sự là một trong số những áp lực của nghề nhưng cần tập làm quen để thấy đó là việc bình thường mà nghề của mình phải đối mặt.
Mong sự cảm thông từ phụ huynh
Hơn 8 năm công tác, cô giáo Hiên cho rằng những sự cố ở bậc mầm non là điều không thể tránh khỏi và cần được sự cảm thông từ phụ huynh với việc trông trẻ.
“Phụ huynh có người quan tâm, chia sẻ, người chưa đồng tình, nhưng bản thân tôi thấy rằng nếu chân thành trao đổi nhẹ nhàng thì họ cũng chia sẻ. Với những phụ huynh khó tính thì giáo viên phải tìm cách trao đổi từ từ, trực tiếp để tìm sự thông hiểu”.
Cô Hiên chứng kiến nhiều sự việc về các cô giáo mầm non được đưa lên mạng xã hội, chia sẻ tràn lan và rồi mọi người hiểu theo những hướng khác, có khi là được "vống" lên nhiều so với thực tế.
“Giờ nhà nào cũng ít con cũng vì thế mà phụ huynh có tâm lý chung coi con mình hơn vàng ngọc. Bản thân chúng tôi cũng có con và khi đi gửi con ở các lớp mẫu giáo cũng có tâm lý như thế. Nhưng nếu không may làm trẻ xây xước hay không bao quát, để ý hết tất cả các cháu thì khi xảy ra sự việc, giáo viên nên trao đổi chân thành và rõ ràng với các phụ huynh. Để qua đó giải thích và nhận những lỗi thuộc về mình và xin lỗi phụ huynh”.
Theo cô Hiên, chỉ khi thông tin được đảm bảo hai chiều giữa nhà trường và gia đình mới có thể nâng cao được chất lượng giáo dục và chăm sóc cho chính các cháu.
Trước những thông tin của xã hội về cô giáo mầm non, các cô giáo cũng phải luôn giữ được tâm trạng bình tĩnh bởi nếu bị lay động thì sẽ không thể nào đối mặt và tiếp tục được với công việc hằng ngày.
“Nếu chỉ vì những sự việc như vậy mà mình nhụt chí, chán rồi bỏ nghề hay có tư tưởng tiêu cực thì không thể nào hoàn thành tốt công việc của mình”
Luôn tự đặt mình trong bối cảnh đổi mới giáo dục, Hiên cho rằng vai trò của giáo viên cần đổi khác.
“Trước dạy trẻ gần như thụ động, giáo viên truyền kiên thức và yêu cầu trẻ phải nắm kiến thức đó. Nhưng giờ đây, giáo viên chỉ là người tìm tòi và gợi mở và trẻ sẽ phải thực hành rất nhiều, kể cả từ bậc mầm non. Trước đây thì dạy chung, nhưng giờ chúng tôi cho các em thực hành trải nghiệm theo nhóm theo năng lực của trẻ. Trẻ năng lực tốt thì sẽ phân nhóm cho thực hành nhiều hơn, các em chậm hơn sẽ ở nhóm khác với mục tiêu thấp hơn. Hoạt động theo nhóm thì trẻ không chỉ phát triển năng lực mà còn cả sự tự tin”.
Đi sớm về muộn, Hiên có thể yên tâm bám trụ lại được với nghề cũng nhờ nhận được sự chia sẻ và cảm thông từ gia đình, đặc biệt là của chồng.
Công việc nhiều áp lực nên cô giáo chỉ có thể tranh thủ vào những ngày nghỉ cuối tuần dành thời gian quan tâm hơn cho gia đình và con cái.
“Đã làm nghề này phải xác định chấp nhận một áp lực như thế. Điều cần để vượt qua mọi khó khăn là luôn phải suy nghĩ tích cực".