Sau khi đọc thông tin gia đình em Phạm Song Toàn bật khóc, muốn chuyển trường mới cho con khi kỳ thi học kỳ đang đến gần, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: "Tại sao em lại phải chuyển đi? Tại sao lại là em mà không phải là cô giáo?".
- Nữ sinh 'tố' cô giáo không giảng bài muốn chuyển trường: Học sinh nào còn dám lên tiếng?
- Em Phạm Song Toàn và gia đình xin chuyển trường sau khi “tố” cô giáo không giảng bài
Câu chuyện cô giáo Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy môn toán tại lớp 11A1, trường THPT Long Thới suốt vài tháng liền lên lớp chỉ viết nội dung bài học lên bảng, không giảng dạy, không giao tiếp với học trò, lặng lẽ như một cái bóng trên bục giảng là chuyện buồn của ngành giáo dục.
Sự im lặng của các thầy cô khi giận, bực tức với học trò có lẽ trong đời học sinh, hầu như không ai chưa từng gặp. Nhưng, sự im lặng kéo dài đến mức đáng sợ, khiến người nghe rùng mình, không thể hình dung nổi như trường hợp này có lẽ là điều chưa từng có.
Vấn đề ở chỗ, nó chỉ được người ta biết đến khi học sinh Phạm Song Toàn, trong một buổi tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM đã dũng cảm đứng dậy phản ánh hiện thực mà em chứng kiến nhiều ngày.
Khi nói được vài lời, em bật khóc nức nở. Em khóc vì cảm thấy bị tủi thân. Em khóc vì lo sợ. Em khóc vì bị khủng hoảng thực sự. Đó là điều bình thường đối với lứa học trò đang độ mới lớn, diễn biến tâm lý phức tạp.
Nhưng tôi tin, giọt nước mắt của em còn thể hiện một sự dồn nén, tức tưởi, đó là không hiểu vì lý do gì mà cô giáo lại làm như vậy? Và không hiểu tại sao, sự việc ấy lại kéo dài đến mức đáng sợ thế?
Ngay sau khi nghe câu chuyện được kể trong tiếng nấc của em, các ngành, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Những người cần lên tiếng đều đã lên tiếng. Sự việc có phần đã được làm sáng tỏ, với lý do, chỉ vì cô giáo kia nghe một học sinh cũ nói là sẽ bị ghi âm phần giảng của cô để đưa lên mạng theo kiểu "bóc phốt"?
“
Điều xót xa hơn, đó là, không hiểu vì sao, sau khi em Toàn đã dũng cảm đứng lên nói ra một sự thật khủng khiếp bị che giấu bấy lâu ấy, em lại trở thành "cô bé cô đơn"?
Chiến Văn
“
Tôi cũng chỉ đọc được lời trần tình của cô giáo kia trên báo chí, và thực sự cũng chưa hiểu cụ thể cái lý do mà cô đưa vì thấy nó thiếu thuyết phục quá. Bởi đơn giản, nếu cô giáo đàng hoàng, có trình độ, thương yêu học sinh, ăn mặc đúng tác phong, giảng bài theo chuẩn nghiệp vụ thì sợ gì học trò quay phim phát tán?
Đây tôi nghĩ là cái cớ, lý do khó có thể chấp nhận được. Nhưng thôi, đó lại là chuyện khác.
Điều xót xa hơn, đó là, không hiểu vì sao, sau khi em Toàn đã dũng cảm đứng lên nói ra một sự thật khủng khiếp bị che giấu bấy lâu ấy, em lại trở thành "cô bé cô đơn", trong khi lẽ ra em phải được đón nhận như là một "người hùng"?
Theo như tâm sự của gia đình em, sau khi sự việc vỡ lở, trong khi hình thức kỷ luật chính thức dành cho cô giáo "câm lặng" kia chưa được đưa ra, thì Phạm Song Toàn đã bị bạn bè "cô lập" trên mạng xã hội.
Hàng loạt những lời bêu riếu, chỉ trích em đã được đưa ra. Đến mức, gia đình phải quyết định chuyển em đến một ngôi trường khác, khi mùa thi cuối kỳ đã sắp đến gần, chỉ vì sợ rằng nếu tiếp tục ở lại em sẽ nhận được sự ghẻ lạnh, thậm chí trả đũa của ngay chính bạn học của mình, chưa kể đến các "thế lực" khác?
Chính bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã thừa nhận rằng, bà cũng được nghe thông tin về việc em Toàn bị bạn bè cô lập, và còn lo ngại thêm nếu năm nay trường bị mất điểm thi đua, những áp lực, trách nhiệm từ các phía dồn lên vai em sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Và bà sợ rằng, đôi vai mảnh mai, non nớt kia sẽ không gánh đỡ nổi. Vì vậy, bà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng làm thủ tục để chuyển em đến ngôi trường mới.
Việc bà Thu sát sao, quan tâm, lo lắng cho "người hùng" Song Toàn xét ở góc độ nào đó đã thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo đối với cô học trò, nhưng xem ra, nó khiến nhiều người day dứt, lo lắng hơn là phấn khởi. Bởi khi nghe chia sẻ về sự lo ngại của bà Thu, nhiều người sẽ chung câu hỏi: Vậy ra, ngay cả trong môi trường giáo dục, điều tốt đẹp, hành động đúng đắn, dũng cảm vẫn không có chỗ đứng, nó không được ủng hộ?
Sự thật đã sáng tỏ. Điều em Song Toàn mạnh dạn chia sẻ là chính xác. Những tưởng thông tin quý giá ấy nó như chiếc kim chích vào quả bóng im lặng khổng lồ suốt bấy lâu nay, để mọi thứ vỡ òa ra trở lại bình thường, thì người dũng cảm phải được tôn vinh, bảo vệ xứng đáng chứ?
Chẳng có lẽ những bạn học của Song Toàn, các em đã quá quen với những giờ học "câm lặng" rồi, nên thành ra yêu thích nó chăng? Hay các em cũng được ai đó đứng sau "giật dây" để buộc phải quay lưng lại với người bạn dũng cảm của mình? Hay còn lý do nào khác nữa?
Còn việc xếp loại thi đua cuối năm, thử hỏi việc để xảy ra một tiền lệ xấu chưa từng có trong ngành giáo dục diễn ra trong thời gian dài như vậy, liệu tập thể cán bộ, giáo viên, đoàn thể của Trường THPT Long Thới có xứng đáng để được biểu dương hoặc nhận những lời khen thưởng, tôn vinh không?
Cái chữ "thành tích, thi đua" ở trường học nó lớn đến mức khiến một cô học trò dũng cảm, chỉ muốn được học tập trong môi trường bình thường phải lo lắng chuyển đi chỗ khác, sau khi làm "người hùng bất đắc dĩ"?
Tại sao người chuyển đi lại là em? Đến giờ, trong đầu tôi vẫn dồn dập những câu hỏi ấy và chưa có lời đáp. Theo tôi, lẽ ra người phải chuyển hoặc không nên xuất hiện trong ngôi trường ấy nữa phải là cô giáo "câm lặng" kia chứ không phải bất cứ ai khác.
Và em Toàn, phải được tiếp tục học tập trong ngôi trường thân yêu mà mình đã gắn bó, với biết bao kỷ niệm, trước sự ngưỡng mộ, yêu thương của bạn bè thầy cô. Đó mới là sự công bằng và đúng đắn.
Còn nếu em Phạm Song Toàn chuyển đi, dù với bất cứ lý do gì, đó là thất bại của các cơ quan chức năng và tập thể nhà trường.
Trong môi trường sư phạm mà nó không chứa đựng những con người dũng cảm, không chấp nhận sự đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, thử hỏi ngôi trường ấy rồi sẽ ra sao?
Ngôi trường ấy đang chứa trong đó điều gì, và nó sẽ đào tạo ra những thế hệ học trò như thế nào cho xã hội? Có lẽ, cơ quan chức năng nếu thật sự quan tâm cần nên tiếp tục làm rõ!