Ngày 23/3, một số phật tử đến chùa Ba Vàng với mong muốn được 'gọi vong, cúng oan gia trái chủ' nhưng không được.
- Phó Ban PG Quảng Ninh: Trụ trì chùa Ba Vàng quỳ sám hối trước Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhiều lần xong đâu lại vào đấy!
- Nghi vấn chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán: Công an sẽ triệu tập bà Phạm Thị Yến
Chiều 23/3, dòng người từ các tỉnh vẫn tiếp tục đổ về chùa Ba Vàng vãn cảnh, công đức.
Tuy nhiên những người dân ở đây cho biết, so với thời điểm trước, những ngày gần đây sau khi xuất hiện thông tin về việc truyền bá ‘vong báo oán’ nhằm trục lợi ở chùa Ba Vàng, số người đến chùa đã giảm.
Bãi đỗ xe của chùa cũng còn khá nhiều chỗ trống, một điều hiếm so với thời gian trước đây.
Ông Khảm (SN 1959, TP. Uông Bí), xe ôm trước cổng chùa, cho biết: ‘Ngày trước, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc các ngày lễ, Tết khách đến chùa nườm nượp. Vào dịp Tết, đoạn đường dẫn vào chùa thường xuyên tắc nghẽn.
Đợt cao điểm, tôi chạy xe ôm không hết việc đưa người từ ngoài đường quốc lộ vào chùa Ba Vàng. Thời điểm đó, tôi kiếm được 2 triệu đồng/ngày nhưng 3 hôm nay chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng’.
Trước cổng chùa, lực lượng an ninh liên tục hướng dẫn việc dừng đỗ xe. Trong sân chùa, an ninh và bảo vệ của chùa cũng liên tục nhắc nhở trường hợp du khách về chùa chụp ảnh, quay phim không đúng quy định.
Trong vai người có nhu cầu muốn được cúng vong, giải ‘oan gia trái chủ’, một người phụ nữ phụ nữ trong bộ áo màu lam hướng dẫn PV địa điểm để đăng ký.
Căn phòng nằm ở tầng 1, phía bên phải chùa nhìn từ ngoài vào có đề tấm biển ‘Ban tri khách’ là nơi để các phật tử có nhu cầu cúng vong giải ‘oan gia trái chủ’.
‘Em xuống đó, họ hướng dẫn, thủ tục đơn giản lắm. Số tiền giải ‘oan gia trái chủ’ tùy tâm của mình, tùy nghiệp của mình. Nếu mình không cúng tiền bằng thực tài thì lên đây làm công quả. Trường hợp của tôi cũng tương tự. Tôi đứng ở khu vực bảo tàng của chùa, thấy rác, bẩn thì quét và lau chùi’, người phụ nữ này cho biết.
Bà cũng thông tin thêm, những người làm công quả ở đây mỗi người mỗi công việc. Người dọn vệ sinh, người đi trồng cây, người chăm hoa, nhổ cỏ…
‘Chúng tôi ăn uống và tu tại chùa. Sáng dậy sớm tụng kinh, ăn sáng xong chúng tôi nhận công việc. Mỗi người phân công một việc, hợp theo tuổi và sức khỏe của từng người. Nếu mình yếu thì sẽ công việc nhẹ, thanh niên khỏe mạnh sẽ làm công việc nặng’, bà nói thêm.
Khi người phụ nữ này đang chia sẻ, lập tức có một người trong trang phục của chùa tiến tới nhắc nhở, người phụ nữ trên liền dừng việc chia sẻ thông tin với PV và quay trở lại công việc của mình.
Theo hướng dẫn của người làm công quả tại chùa, chúng tôi có mặt tại căn phòng có đề biển ‘Ban tri khách’.
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông trong trang phục màu lam đặc trưng của chùa, đeo tấm thẻ có dòng chữ ‘Thẻ cư sĩ’ đang ngồi trước máy tính.
Người này đưa cho mỗi người đến một tấm phiếu để điền các thông tin cá nhân và yêu cầu với nhà chùa. Sau khi nghe chúng tôi trình bày người thân đau ốm trong thời gian dài, người này cung cấp chúng tôi một trang web mang tên của sư trụ trì chùa Ba Vàng.
Theo người đàn ông này, trong trang web này có hướng dẫn sắp lễ như thế nào, bài tu tập như thế nào. Mỗi ngày, người bệnh nên dành thời gian đọc và nghe Pháp để hiểu được nguyên nhân bệnh tật và sám hối.
Người này khuyên: ‘Chị bảo bố mẹ chịu khó tu tập, nghe Pháp thật nhiều. Mình phải sám hối bởi cái gì cũng có nguyên do của nó. Kiếp trước mình có nghiệp ác nên nay phải tu tập’.
Khi chúng tôi đề cập về việc gọi vong cúng ‘oan gia trái chủ’, người này nói: ‘Vừa rồi các chị cũng biết được thông tin, có những bài báo nói sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của chùa’...
Khi người này đang chia sẻ thì một người phụ nữ trong ban tiếp đón của Ban tri khách 'nhắc nhở: ‘Nói rằng thời gian này đông quá, nhà chùa không có chỗ ở’.
Đồng thời, người này cũng tỏ ý hiện tại chùa Ba Vàng dừng việc gọi vong cúng ‘oan gia trái chủ’. Khi đề cập muốn biết về thời gian chùa tiếp tục hoạt động trên, đại diện của Ban tri khách cho biết: ‘Chị cứ về tu tập. Sau 49 ngày, chị gọi điện về chùa (theo 2 số điện thoại chùa cung cấp) để biết thêm thông tin. Tạm thời thời điểm này, chúng tôi chưa có thông tin’.
Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: ‘Nếu các hoạt động như ‘thỉnh vong’, gọi hồn tại chùa Ba Vàng kiểu như: Ai muốn thoát nạn thì phải 'trả nợ' cho ‘vong’ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa... được chứng minh là thật thì đây đều là hoạt động mê tín dị đoan, nhằm trục lợi.
Nếu đúng là có các hành vi truyền bá ‘vong báo oán' ở để thu tiền thì điều đó đã cấu thành các tội hành nghề mê tín, dị đoan và cưỡng đoạt tài sản.
Hành vi này hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan theo Khoản 2 - 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.