Theo ông Nguyễn Đức Chung, độ nhạy và độ chính xác của test nhanh Covid-19 cũng ở mức tương đối vì chủ yếu tìm kháng thể dựa trên mức độ virus.
Test nhanh không phải biện pháp duy nhất xác định các ca mắc Covid-19
Chiều 6/8, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP và lãnh đạo các, quận, huyện, thị xã…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ ngày 25/7 đến nay, qua rà soát, người dân khai báo và tổ dân phố, phường xã báo cáo đã có trên 94.000 người đi về từ Đà Nẵng, Quảng Nam.
Về công tác xét nghiệm, bộ test nhanh do Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội từ giai đoạn 2, đã dùng 20.000 test cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên, lần này số lượng người cần test trên 94.000 nhưng số lượng test chỉ có 80.000.
"Test này độ nhạy và độ chính xác theo hướng dẫn của đơn vị cung cấp và Bộ Y tế là xét nghiệm kháng thể, độ nhạy tương đối chứ không phải tuyệt đối.
Do vậy, BN 714 dù được phường Phúc Diễn test nhanh âm tính nhưng xét nghiệm PCR lại dương", Chủ tịch Hà Nội đánh giá.
Nhấn mạnh điều này, ông Chung khẳng định sự công khai minh bạch, cho rằng đây là giải pháp kịp thời, test nhanh nhằm khoanh vùng dương tính nhiều, vùng có người đi từ Đà Nẵng về để có biện pháp chặt chẽ hơn, nhưng đây không phải biện pháp duy nhất.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các bệnh viện phải phân luồng, khám chữa theo quy định của Bộ Y tế.
"Chúng tôi đã họp và phê bình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, do BN 714 khi đến khai báo y tế ngày 19/7, có sốt đáng lẽ bệnh viện phải làm xét nghiệm RT-PCR nhưng lại hướng dẫn người này lên bệnh viện phổi, lịch trình phức tạp", ông Chung thông tin.
Từ các thông tin trên, Chủ tịch Hà Nội cho hay, CDC Hà Nội đang mượn máy tách (test) chiết tự động với công suất 3.500 mẫu/ngày; 7 máy xét nghiệm RT-PCR công suất 7.000/ngày.
Ngoài ra, có các BV Bạch Mai, BV Đại học Y, BV Nhi và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Nếu huy động hết có thể xét nghiệm 9.000-10.000 test/ngày.
Thông tin lại về virus ở Việt Nam thuộc chủng mới, có đột biến, gây nguy hiểm hơn, ông Chung, bày tỏ dịch sẽ có diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh 714 có lịch trình phức tạp và chuyến bay VN 7198, TP đề nghị nâng nguy cơ thêm một mức.
Bộ Y tế cũng đã đồng ý với quan điểm và khuyến cáo với Hà Nội khi tất cả những người đi từ vùng dịch từ ngày 14-29/7 sẽ được xét nghiệm RT-PCR.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống vào cuộc với tinh thần "xác minh nhanh, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm nhanh".
Trong giai đoạn này phải xác định các bệnh nhân không có triệu chứng nên chỉ qua xét nghiệm mới biết có nhiễm Covid-19 hay không, nên công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Tất cả các trường hợp đi từ Đà Nẵng ra đều phải xét nghiệm và cách ly tập trung nếu có sốt, ho, khó thở; F2 phải cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe.
"Tối nay, TP sẽ tiếp nhận 10.000 bộ kit test RT-PCR từ đơn vị tư, ngày mai CDC Hà Nội sẽ giao cho 8 quận trung tâm. Với số người từ Đà Nẵng ra đông thì phải cần 60.000 bộ kit như thế này", ông Chung nói.
Nếu như tất cả TP quyết liệt, cùng với xét nghiệm nhanh, không có ca nhiễm mới thì sau 10 ngày nữa (tức là qua ngày 15/8), Hà Nội tương đối an toàn. Còn nếu có những ca nhiễm mới thì rất khó lường, khi đó cần có biện pháp mạnh hơn, nâng cấp hơn", ông Chung nhận định.
Có sự chủ quan trong chống Covid-19 từ ca bệnh 714
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ rõ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã phân tích trường hợp bệnh nhân 714 tại Bắc Từ Liêm "đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người" trong thời gian dài, điều này cho thấy có sự "lơ là, chủ quan" trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
"Công tác chống dịch đợt 1, 2 Hà Nội đã phòng chống dịch rất tốt, tích cực với sự ý thức cao của người dân.
Tuy nhiên ngày 5/8, ở Bắc Từ Liêm phát sinh bệnh nhân 714 với lịch sử dịch tế rất phức tạp, tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều nơi trong đó có 5 bệnh viện, cơ sở y tế tại Hà Nội.
Cho đến giờ thành phố vẫn chưa khoanh vùng hết F1 của ca bệnh này, chưa nói đến các trường hợp F2", ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, ở giai đoạn chống dịch cao điểm của thành phố hồi tháng 3, 4/2020, Hà Nội coi các trường hợp bị bệnh về hô hấp là nguy cơ cao buộc phải xét nghiệm, xem xét cách ly.
Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân 714 (đi Đà Nẵng từ 14 đến 17/7), về Hà Nội ngày 19/7 đã xuất hiện ho, nhưng vẫn đi nhiều nơi, vẫn vào bệnh viện.
"Đấy có phải là chủ quan không? Chúng ta đã kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch chưa? Tại sao lại để trường hợp này trong nhiều ngày đi 4 quận nội thành, về Nam Định, Thái Bình đấy có phải là chủ quan không?", ông Huệ nêu.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong giai đoạn cao điểm hồi tháng 3, 4/2020.
"Chúng ta kích hoạt các hệ thống này theo diễn biến dịch, cao hơn một mức so với phương án phòng dịch đề ra. Đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố nâng mức cao hơn nữa đối với khu vực có ổ dịch. Mức này cao hơn mức của thành phố", ông Huệ nói.
Ông Huệ cho hay, hiện Hà Nội đang thực hiện phòng chống dịch theo mức độ Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, do vậy cần nâng cao mức độ phòng chống dịch ở một số khu vực, một số địa bàn có nguy cơ cao theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
"Phải áp dụng nguyên tắc 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đổi tượng'. Đối với các trường hợp F1, có triệu chứng ho, sốt hoặc đi về từ vùng dịch phải được rà soát, kiểm soát chặt chẽ.
Những địa bàn nào không phát hiện có F1, F2, có triệu chứng nghi ngờ thì người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền phải chịu trách nhiệm. Thành uỷ rất nhấn mạnh cái này", Bí thư Hà Nội yêu cầu.
Ông Huệ cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần làm gồm: tổ chức kỳ thi THPT an toàn; tập trung nhân vật lực để chống dịch, cũng như chi viện, hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam; Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh…