Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin "cháy chung cư Carina nhưng 2 tiếng sau cảnh sát PCCC mới có mặt".
- Cầu siêu cho các nạn nhân vụ cháy chung cư Carina
- Vụ cháy chung cư Carina: Hơn 40 người vẫn chưa thể xuất viện
“Khói mù mịt, không có đèn báo cháy, không có chuông báo cháy. Những người dân đập cửa báo cho nhau biết, chúng tôi soi đèn pin, điện thoại mò mẫm trong đêm, không một ai hướng dẫn. Cảnh sát PCCC tới quá trễ, phải 2 tiếng sau mới tới. Nếu họ tới sớm hơn, con số thương vong tại chung cư Carina sẽ không nhiều như vậy” - những thông tin chia sẻ liên tục trên mạng xã hội.
Thông tin trên lại được một vài cư dân Carina xác nhận nhưng ngay lập tức bị những người xung quanh bác bỏ: "Bịa đặt. Hai tiếng sau họ mới tới chắc cháy hết cả chung cư rồi. Sáng thấy các chú cứu hỏa mặt mũi đen nhẻm, nằm vật ra bãi cỏ ngủ mê mệt mà thương" - chị Hà, block C chung cư, nói.
Khi nghe câu chuyện này, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, không phản bác ngay mà giải thích bằng luận cứ khoa học.
Ông nói: Theo lý thuyết, cháy lan là cháy lan 1 m trong một phút, sau 10 phút con số đó sẽ tăng lên gấp đôi, một phút sẽ là 2 m, tuy nhiên thực tế mức độ lan nhanh hơn nhiều.
Ở nước ngoài đã thử nghiệm cháy căn hộ, người ta chỉ cho một mồi lửa nhỏ ngay ghế nệm trong phòng khách, chỉ hơn bốn phút đã cháy trụi căn phòng. Mà không phải cháy lan từ từ, đến một nhiệt độ nhất định những đồ đạc xung quanh tự bốc cháy. Chỉ bốn phút hơn, lửa bao trùm cả căn phòng.
Ông khẳng định đa phần nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà họ chết vì bị ngạt khí. Ở điều kiện bình thường, người ta có thể nín thở vài chục giây nhưng trong điều kiện nguy hiểm, mất bình tĩnh, thời gian có thể nín thở còn ngắn hơn nữa. Chỉ cần hít phải vài ba hơi khí độc là đủ choáng váng, ngất xỉu.
“Tôi kể lại câu chuyện trên để các bạn thấy đó chỉ là một mồi lửa rất nhỏ, còn trong vụ cháy Carina (quận 8), vụ cháy bắt nguồn từ chiếc xe máy, nguy hiểm hơn rất nhiều. Trong hầm xe lúc đó có hơn ngàn xe máy, ô tô. Mỗi xe là một quả bom xăng. Nếu hai tiếng sau cảnh sát PCCC mới tới, liệu hầm xe đó có còn và thương vong có dừng lại ở 13 con người?...”.
Bên cạnh đó, theo điều lệnh, một phút sau khi tiếp nhận thông tin báo cháy từ trung tâm chỉ huy, cảnh sát PCCC phải lập tức xuất xe.
“Có nhiều lý do khiến người dân khi xảy ra cháy nổ không gọi ngay 114: lo lắng quên mất phải gọi, sợ bị phạt, tự dập, dập không được mới gọi cảnh sát PCCC… Tôi khẳng định lại, không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân, chữa cháy không mất tiền. Bởi vậy, khi xảy ra cháy nổ, phải gọi ngay 114” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết Cảnh sát PCCC nhận tin báo cháy lúc 1 giờ 27 phút, đến hiện trường lúc 1 giờ 34 phút, mất bảy phút để có mặt chữa cháy từ lúc nhận tin. Đến 2 giờ 10 phút sáng thì đám cháy được khống chế và 2 giờ 27 phút cùng ngày thì đám cháy được dập tắt hoàn toàn.