Cảnh báo: 'Tội phạm' công nghệ cao gia tăng, những 'chiếc bẫy' tinh vi trên MXH khiến người dùng 'mất tiền' trong 'một nốt nhạc'

Xã hội 10/11/2021 08:51

Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có sự gia tăng nhanh cả về số lượng và tính chất nguy hiểm. Những “chiếc bẫy” tinh vi luôn được những kẻ xấu giăng sẵn trên MXH, ứng dụng ví điện tử.

Thời gian gần đây, hoạt động lừa đỏa, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Từ chiêu trò giả mạo tên, hình ảnh người khác để đi lừa mượn tiền người quen của họ, kẻ xấu đã tạo ra một cách lừa mới để tiếp tục giăng bẫy nhiều người dùng.

Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, những kẻ lừa đảo đứng sau chiêu trò lừa đảo đã lợi dụng thông tin cá nhân, hình ảnh, đặc biệt là các giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu của người dùng bị lộ trên mạng (hoặc do nhiều người dùng chủ động "khoe"). Cụ thể, với thông tin cá nhân có được từ giấy tờ này, kẻ xấu sẽ tạo ra các tài khoản Facebook, Zalo giả mạo cho trùng tên.

Sau đó, lợi dụng tính năng cho mở tài khoản ngân hàng, thẻ ATM nội địa hoàn toàn qua mạng của nhiều ngân hàng hiện nay, kẻ xấu có thể dùng các giấy tờ này để mở tài khoản. Sau đó, chúng cung cấp tài khoản ngân hàng này cho nạn nhân để họ chuyển tiền đến, rồi tìm cách rút tiền hoặc chuyển tiếp đi nơi khác và trục lợi. Nạn nhân có truy ra thì cũng chỉ là một tài khoản đúng tên nhưng khác chủ mà thôi. Với hàng chục nghìn thông tin chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người Việt Nam từng bị cơ quan chức năng phát hiện đem rao bán trước đây, kẻ xấu hoàn toàn có thể tạo ra rất nhiều tài khoản Facebook, Zalo, ngân hàng giả mạo để đi giăng bẫy.

lua dao 1
Chiêu thức lừa đảo vô cùng tinh vi - Ảnh: Internet

Trường hợp của chị A.N. (TP.Thủ Đức, TP.HCM) - bán quần áo qua mạng là một ví dụ. Chị cho hay, nhiều người quen đã bị lừa tiền bởi một kẻ mạo danh chị qua tài khoản ứng dụng Zalo. Trước đó, nhiều người quen của chị nhận được lời mời kết bạn trên Zalo với lý do "tạo tài khoản mới để kết nối với bạn bè, không buôn bán". Tài khoản này đương nhiên có tên, hình đại diện là của chị N.. Sau đó, tài khoản mạo danh nhắn tin mượn tiền những người quen. 

"Chúng đã dùng một tấm hình chụp tự sướng trên trang Zalo của tôi để nhá lên trong cuộc gọi video ngắn hòng thuyết phục nạn nhân tin đó chính là tôi gọi", chị N. cho biết.

Thứ hai, kẻ xấu cung cấp tài khoản ngân hàng để nhận tiền mượn đúng y chang họ tên chị N.. "Đây là thủ đoạn khó tin nhất của kẻ lừa đảo nhưng đã dụ được không ít bạn bè tôi chuyển tiền. Không biết bằng cách nào mà chúng có thể tạo được một tài khoản ngân hàng với họ tên hoàn toàn trùng với tôi, chỉ khác số tài khoản mà thôi", chị N. nói.

Ngoài ứng dụng zalo, nhiều đối tượng còn giăng bẫy trên nên tảng MXH Facebook, thậm chí là ví điện tử.

lua dao 2
Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, trong đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, không ít đối tượng cũng sử dụng chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi nhằm bỏ túi khoản tiền không hề nhỏ. Dẫn tin từ báo Pháp luật TP.HCM, nắm được nhu cầu cần mua sắm các hàng hóa thiết yếu của người dân trong thời gian giãn cách xã hội như: Thực phẩm, vật tư y tế… các đối tượng xấu đã xâm nhập vào các nhóm Zalo, Facebook của các khu dân cư, các cộng đồng kinh doanh hàng hóa thiết yếu, chiêu dụ người mua bằng cách đăng tin bán các sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường và nhận ship đến địa chỉ của khách hàng.

Lấy lý do tránh tình trạng khách bùng hàng cũng như đảm bảo giữ giá tốt nhất của đơn hàng đó, các đối tượng không ngừng thúc giục, yêu cầu người mua phải chuyển khoản đặt cọc trước.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của khách, các đối tượng cắt liên lạc, không giao hàng theo như thỏa thuận ban đầu.

Thậm chí, có trường hợp đối tượng còn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất hàng nên vội vàng chuyển tiền, nhưng rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.

Nguyên tắc đơn giản để tránh bị lừa

Nhiều chiêu lừa luôn được làm mới nhưng nếu giữ nguyên tắc thì, theo các chuyên gia, sẽ không thể mất tiền.

Với chiêu trò mạo danh người quen để mượn tiền, các chuyên gia khuyến cáo dù người mượn là ai cũng luôn phải xác thực lại bằng cách gọi điện, thậm chí gặp mặt trực tiếp. Nguyên tắc của mọi nguyên tắc là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ tín dụng, mã OTP... cho bất kỳ ai.

Khi gặp hoặc được gửi các đường link lạ, người dùng hạn chế tối đa việc nhấn truy cập vào. Nếu không may nhấp vào đường link nghi vấn, người dùng nên quan sát kỹ thiết kế của trang web có đầy đủ nội dung, thông tin như trang web chính thống hay không. Luôn cẩn trọng trước các yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Khi cảm thấy đường link không an toàn, người dùng nên xóa ngay các lịch sử trên trang web để tránh bị lấy cắp thông tin. Đặc biệt, hãy khóa tài khoản hoặc đổi ngay mật khẩu khi cảm thấy khả nghi về việc tài khoản ngân hàng của mình bị xâm phạm.

Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện..., người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Người dùng cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Với các cuộc gọi nhá máy từ số quốc tế, người dùng không nên gọi lại trừ khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng... cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng; không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua các đối tượng trung gian không rõ nhân thân...

Một phụ nữ tử vong trên đường đến bệnh viện được xác định mắc Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 mới theo thống kê là 54 ca/ngày được xác định tăng kỷ lục từ đầu dịch đến nay tại Lâm Đồng.

TIN MỚI NHẤT