Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiên TP đang dự thảo lấy ý kiến về việc quy định giờ mở cửa của các cửa hàng không thiết yếu để tránh tụ tập đông người, phòng dịch COVID-19.
- Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm mua máy xét nghiệm Covid-19 với giá "cao hơn rất nhiều so với giá thị trường"
- Từ nay đến 30/4, Hà Nội cho phép Grab, taxi, xe khách vận chuyển trở lại với 20-30% công suất
Chiều 27/4, phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nêu việc có 8 trường hợp sau thời gian điều trị đã âm tính được về nhà nhưng sau đó dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Theo ông Chung, Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ các trường hợp tương tự, tuy kết quả đều âm tính, nhưng thành phố khuyến cáo các trường hợp này nên tự cách ly 30 - 40 ngày và cần tăng cường hệ miễn dịch bằng ăn uống, tập luyện thể thao.
“Không có căn cứ nào xác định người nhiễm bệnh đã khỏi sẽ không mắc bệnh trở lại. Người dân cần hiểu để nắm rõ việc này để có ý thức tự giác phòng chống dịch bởi “không ai lo cho mình bằng chính mình", ông Chung nói.
Lưu ý việc giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từ từ, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tất cả người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc.
Trong đó, cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để người dân thực hiện 3 nội dung bắt buộc: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội...
Về việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, hiện thành phố đang dự thảo chưa công bố chính thức nhưng qua nghiên cứu các chuyên gia, đáng lo ngại là giao thông buổi sáng rất đông.
Trong đó, khi dừng đèn tín hiệu giao thông thì mật độ không thể đảm bảo khoảng cách 1m mà có thể chỉ cách nhau 50 - 60cm, các xe máy chen chúc nhau.
Do đó, ông Chung thông tin, thành phố đang dự kiến đưa ra quy định các cửa hàng bán thời trang, mỹ phẩm… tức là các cửa hàng không phải ngành hàng thiết yếu, thuốc chữa bệnh sẽ giãn ra chỉ được mở cửa từ 9h sáng, khuyến khích mở cửa sau 9h và không giới hạn giờ đóng cửa.
"Nếu làm tốt điều này sẽ giảm mật độ người tham gia giao thông từ 6h15 đến 8h30 vào khoảng 600.000 – 800.000 người tham gia giao thông lúc cao điểm.
Nếu sau này thành phố ban hành sẽ thực hiện đến 31/12/2020, sau đó tổng kết lại. Nếu phục vụ tốt cho công tác giãn cách xã hội, giảm ùn tắc sẽ giao thông sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp này", ông Chung nêu.
Ông nhấn mạnh, thực tế, thành phố đang khảo sát và thấy vào những giờ trên, các cửa hàng này doanh thu rất thấp, nên thành phố không khuyến khích mở thời gian này và sẽ đưa ra cơ chế như vậy.
"Tuy nhiên, phải nói đây mới là dự thảo đang lấy ý kiến nhưng đó là điểm khác biệt của thành phố trong thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng", ông Chung nêu thêm.
Trước đó, nêu dự báo thế giới sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài nhiều năm và “không phải năm một năm hai có thể tăng trưởng cao trở lại”, người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho hay, TP dù đã có kịch bản nhưng cũng đang cập nhật, đánh giá lại để có kịch bản cụ thể phù hợp hơn nữa với các giải pháp thời hậu COVID -19 để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Liên quan đến đề xuất của huyện Mê Linh kiến nghị nếu từ nay đến 5/5, huyện không có ca mắc mới đề nghị Thành phố cho tháo dỡ vùng cách ly tại thôn Hạ Lôi, ông Chung cho biết, việc này đã được ủy quyền và hết 28 ngày theo khuyến cáo nếu không có ca mắc mới thì địa phương được quyền giải tỏa vùng cách ly.