Liên quan đến trường hợp bé gái hơn 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội tử vong sau tiêm vaccine ComBe Five, sáng 16/1, Sở Y tế Hà Nội đã họp để đưa ra kết luận về nguyên nhân ban đầu.
- TP.HCM: Thai phụ 24 tuổi "tố" bác sĩ bệnh viện Từ Dũ tắc trách làm mất con trai đầu lòng
- Bệnh nhân tử vong, gia đình tố bác sĩ tắc trách, đùn đẩy trách nhiệm?
Liên quan tới trường hợp trẻ 2 tháng tuổi K.H.Y (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five sáng 9/1, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, kết luận chính thức phải chờ kết quả pháp y. Dự kiến sau 1 tháng nữa sẽ có kết quả.
Tuy nhiên, theo ông Cảm, nguyên nhân ban đầu Hội đồng chuyên môn có thể nghĩ tới là trẻ tử vong do sốc phản vệ. "Ngay sau khi có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, cháu gái 70 ngày tuổi tử vong, theo quy định của Bộ Y tế thì TP.Hà Nội đã thành lập hội đồng gồm các chuyên gia lâm sàng, các nhà quản lý, dịch tễ học cũng như các nhà quản lý liên quan đến tiêm chủng đã họp với đầy đủ các thành phần. Kết luận đầu, trẻ tử vong trước khi đến viện. Nguyên nhân chính thức phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, kết quả pháp y", ông Cảm nói.
Trước đó, khoảng 8h ngày 9/1/2019, trẻ được bố mẹ đưa đến Trạm Y tế xã Cần Kiệm tiêm chủng vắc xin. Qua thăm khám phân loại, trẻ không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đủ điều kiện tiêm chủng.
Gia đình đã được nhân viên y tế tư vấn về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc, xử trí sau tiêm chủng tại nhà và được phát 2 gói thuốc Acepron 80mg (Paracetamol) để phòng khi về nhà trẻ có sốt thì gia đình cho uống, chỉ định mũi tiêm vào phiếu khám phân loại và sổ tiêm chủng của trẻ.
Sau đó trẻ được tiêm vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Hib (ComBE Five) mũi 1 và uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1. Trẻ được theo dõi 30 phút tại trạm Y tế, sức khỏe trẻ bình thường, gia đình cho cháu về nhà để tiếp tục theo dõi.
Đến 12h30 cùng ngày, gia đình chủ động cho trẻ uống hạ sốt Acepron 80mg lần 1 mặc dù trẻ chưa có biểu hiện gì bất thường. Đến 19h, trẻ sốt và được uống thêm 1 gói Acepron 80mg.
Sau khoảng 30 phút trẻ đỡ sốt hơn. 22h cùng ngày trẻ tiếp tục sốt, gia đình mua thêm thuốc hạ sốt Colocol (paracetamol 80mg, dạng bột) để cho trẻ uống.
Khoảng 5h30 đến 6h ngày hôm sau, gia đình thấy trẻ đỡ quấy khóc. Đến khoảng 7h ngày 10/1/2019, gia đình thấy trẻ chảy máu mũi, người lạnh, không động đậy. Trẻ được bác đưa đến nhà chị Chu Thị Phượng (là y tế thôn Yên Lạc 3, xã Cần Kiệm) để kiểm tra về tình trạng sức khỏe.
Trẻ được cuốn trong 1 chăn bông mỏng, sau khi mở chán bông ra, y tá Chu Thị Phượng thấy cháu đã ngừng thở, có máu chảy ở mũi. Lúc này trẻ được y tá thôn ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo và ấn huyệt nhân trung trong 2 phút; sau đó gia đình tự đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất bằng ô tô của gia đình.
Trên đường đi thấy trẻ có biểu hiện sùi bọt mép, mũi chảy ra thêm dịch màu hồng. 7h56 ngày 10/1, trẻ vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất trong tình trạng người lạnh, tím tái, mũi sùi bọt hồng, mạch không bắt được. Monitor đường đẳng điện. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu cho trẻ.
Đến 9h ngày 10/1/2019, các bác sĩ không bắt được mạch trẻ, tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, duy trì Adrenalin trong đường truyền 0,1 Mcg/mg/1 phút. Trẻ được xác định tử vong lúc 10h ngày 10/01/2019.
Ngoài trẻ K.H.Y, có 2 trẻ có biểu hiện sốt trên 38,5 độ được theo dõi tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm, các trường hợp còn lại hiện tại chưa ghi nhận có phản ứng gì bất thường.