Tội ác của 'dì ghẻ' Nguyễn Võ Quỳnh Trang vì bạo hành tử vong bé gái 8 tuổi V.A đã khiến cộng đồng vô cùng căm phẫn, nhiều người còn cho rằng nên tử vong trường hợp này mới thỏa đáng. Phản ứng tâm lý này thậm chí còn từng được khoa học lý giải.
- Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Lời khai của 'dì ghẻ' và bố ruột đều không có giá trị
- Thấu hiểu 'nỗi căm phẫn' của gia đình bé gái 8 tuổi bị bạo hành, luật sư đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí
Tội ác với trẻ em là hành động đáng lên án nhất trên toàn thế giới, theo một khảo sát của ComRes, 9/10 người được hỏi đều cho rằng bạo hành trẻ em là tội ác "không thể dung thứ", cao hơn cả tỷ lệ của tội danh giết người và cưỡng hiếp. Được biết, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã nêu rõ rằng: "Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào".
Tuy vậy, mỗi ngày đều có hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đều phải hứng chịu những lần bạo hành từ thể xác đến tinh thần, nhiều trong số đó là đến từ những người mà chúng tin tưởng, điển hình là vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong bởi "dì ghẻ" vừa qua tại Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng luôn có ý thức đứng về phía trẻ nhỏ ở mọi trường hợp, đồng thời căm phẫn kẻ đã ra tay bạo hành kia.
Theo các công trình khoa học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng không chỉ ở con người mà nhiều loài động vật khác cũng có bản năng bảo vệ con cái của mình. Không những vậy, những cá thể không liên quan đến đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy phẫn nộ khi nhận thấy đứa trẻ này đang không được an toàn.
Theo bà Eloise Stark, nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm thần học - Đại học Oxford, Anh quốc, bộ não của chúng ta có một phần nằm ở phần vỏ não trước sẽ tạo ra cảm xúc vui vẻ phấn chấn khi ta làm điều mình thích được gọi là "Hệ thống trao thưởng" (Reward System).
Khi ta nhìn thấy một con vật nhỏ hoặc trẻ em thì cả hệ thống cảm xúc và "Hệ thống trao thưởng" này cũng vô tình hoạt động. Đây được xem là câu trả lời xác đáng nhất cho việc một người có cảm xúc đau lòng khi chứng kiến điều tệ hại xảy ra với một đứa bé không liên quan đến mình.
Một trong những lý do khác của việc cộng đồng luôn đứng về phía trẻ nhỏ là tâm lý "người mạnh bảo vệ kẻ yếu". Thậm chí, cựu tổng thống Mỹ George Bush từng chia sẻ: "Bởi vì một xã hội được đánh giá qua cách xã hội đó đối xử với những người yếu thế và dễ bị tổn thương".
Có thể thấy, nạn nhân trong mọi vụ việc thì càng yếu thế, càng không thể tự vệ thì kẻ thủ ác sẽ càng nặng tội. Đặc biệt, trẻ em lại là đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương và cũng chẳng có sức mạnh để chống trả lại những ai làm hại chúng nên những kẻ thường bạo hành con trẻ bị xem là những kẻ đê hèn và đốn mạt.
Ngoài ra, theo nhà sinh vật học tiến hóa người Anh, William Donald Hamilton là người đưa ra giả thuyết về hành vi vị tha của con người (Quy tắc Hamilton). Theo đó, việc bảo vệ trẻ em giống như cơ chế tự nhiên của con người là bảo vệ tương lai vậy.
Cũng do đó mà một tội ác với trẻ em có thể kích động sự đồng cảm của cả một cộng đồng và châm lên ngọn lửa căm phẫn của xã hội. Vì vậy mà tù nhân tại Mỹ nếu mắc tội cưỡng hiếp trẻ em sẽ được xếp vào loại "hạ đẳng" nhất trong tù và bị những bạn tù khác thay nhau ức hiếp, hành hạ.