Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng

Xã hội 08/01/2022 19:29

Trong trường hợp đã ly hôn nhưng người vợ lại bị ngăn cản gặp gỡ, thăm nom và chăm sóc con thì người chồng vẫn sẽ bị phạt theo quy quy định của pháp luật.

Chia sẻ với Pháp Luật và Bạn đọc, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp về vấn đề "liệu người chồng sau khi ly hôn có quyền nuôi con nhưng lại ngăn vợ được thăm con có bị phạt hay không?".

Cụ thể, đầu tiên, theo khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được phép cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Vì vậy, việc người chồng cố ý cản trở việc vợ cũ thăm nom và chăm sóc con mình (con ở với chồng) chính là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, phải trừ trường hợp người vợ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của tòa án.

Từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng - Ảnh 1
Việc người chồng cố ý cản trở việc vợ cũ thăm nom và chăm sóc con mình (con ở với chồng) chính là hành vi trái pháp luật - Ảnh minh họa: Internet

Thứ hai, theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2022, hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (trước đây, tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng).

Vì thế, người chồng có thể sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng nếu có hành vi vi phạm vào điều luật đã nêu trên.

Cuối cùng, trong trường hợp người vợ bị chồng cản trở quyền thăm nom, chăm sóc con thì cần giải thích cho họ hiểu rằng việc làm này là vi phạm pháp luật; tuy nhiên, nếu người kia vẫn cố tình vi phạm thì cần phải báo với cơ quan có thẩm quyền (như là Hội liên hiệp phụ nữ, công an, ủy ban nhân dân…) để hỗ trợ hoặc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn 1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. 2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Lời khai của 'dì ghẻ' và bố ruột đều không có giá trị

Trước những chứng cứ đã thu thập được, lời khai trước đây của Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong đều trở nên không có giá trị.

TIN MỚI NHẤT