Ngày 6/8, Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội) thông tin, vào khoảng 20h tối ngày 5/8 tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ nhập viện trong tình trạng bị chấn thương nặng do nổ điện thoại khi vừa sạc vừa sử dụng.
- Diễn biến nóng vụ con trai tẩm xăng đốt nhà vì không xin được tiền: Người mẹ không qua khỏi
- Ô tô bị đất đá đè nát đầu, hư hỏng nặng: Cảnh báo tình trạng sạt lở trên quốc lộ 6
Theo thông tin từ báo Bắc Giang, nạn nhân là chị Từ Thị C (SN 1986) ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Điện thoại phát nổ khiến chị C bị dập nát bàn tay phải gây lộ gân, xương, đa chấn thương vùng mặt, cổ, phần mềm vùng ngực, bụng và một số bộ phận khác trên cơ thể.
Các bác sĩ đã xử trí ban đầu bằng cách băng cầm máu vết thương, bù dịch, giảm đau, chống sốc và sau đó bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Thông tin từ người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức, hiện tại chị C đã tỉnh và được theo dõi, điều trị thêm.
Dẫn tin từ Dân Việt, trước sự việc trên, bác sĩ cảnh báo tuyệt đối nói không với việc vừa dùng điện thoại vừa sạc pin. Đó là thói quen khó bỏ của một bộ phận người trẻ. Nhưng khó chứ không phải là không thể. Cũng theo bác sĩ, chấn thương dập nát do nổ rất khó có thể bảo tồn được chi thể, hầu hết sẽ chỉ định cắt cụt. Điện thoại phát nổ còn dẫn đến bỏng, cụt chi, mù mắt, sẹo... hoặc di chứng suốt đời.
Do đó mọi người không nên vừa sạc vừa dùng điện thoại, nên sử dụng thiết bị công nghệ chính hãng, có kiểm duyệt an toàn. Không nên dùng điện thoại khi ngồi cạnh khu vực tỏa ra lượng nhiệt lớn như bếp lò, dưới trời nắng nóng... thiết bị có thể hấp thụ nhiệt, nóng lên và phát nổ.
Khi có nạn nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật, băng bó vết thương và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế cấp cứu.